Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đã xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.
Ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành
Tiếp tục phiên họp thứ tư, chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khái quát, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã được mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai.
Kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011 - 2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42% cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.
Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát, ổn định vĩ mô được đảm bảo tốt; tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; nền tảng tài chính quốc gia được củng cố rõ rệt; hệ số tín nhiệm quốc gia tăng.
Nêu một số hạn chế, yếu kém, Bộ trưởng cho biết, cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước) chưa hoàn thành theo mục tiêu Kế hoạch đề ra. Hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm ; mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm.
Khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp; mức độ sẵn sàng liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu do đó chưa khai thác hiệu quả các lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại. Mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả mong muốn. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước chưa cao.
Tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Trước bối cảnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo.
Về quan điểm, Chính phủ xác định kế hoạch mới tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016- 2020; bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội, các mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới.
Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dần dựa nhiều hơn vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm. Tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó khẩn trương chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên số, khuyến khích đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, Kế hoạch bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt.
Vẫn theo Bộ trưởng, kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại không gian kinh tế và các ngành, phát triển lực lượng doanh nghiệp trên cơ sở giữ vững ổn định và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, hoàn thiện đồng bộ thể chế và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về kế hoạch trên.