Làm lồng đèn Phật đản. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Làm lồng đèn Phật đản. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Về Huế mùa Phật Đản

(ĐTCK)  Đến với Huế vào tuần lễ Phật Đản du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng một Cố đô Huế linh thiêng với vẻ đẹp thuần khiết của Phật giáo.

Hoa sen - biểu tượng của Phật giáo

Theo Phật giáo, trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen. Đến Huế, du khách sẽ bắt gặp hình tượng hoa sen ở khắp mọi nơi. Đặc biệt, gần như ngôi chùa lớn nào ở Huế cũng có ao sen.

Chương trình Phật Đản ở Huế cũng bắt đầu từ Lễ thắp sáng bảy đóa hoa sen trên sông Hương, tượng trưng cho bảy bước đi thanh tịnh của Đức Phật. Sau đó, hoa sen còn hiện diện tại Lễ tắm Phật và rước Phật, Lễ diễu hành xe hoa tại các tuyến đường trung tâm TP. Huế và các huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bên cạnh đó, với người Huế, chiếc đèn lồng hoa sen luôn là một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất của lễ hội Phật giáo. Người Huế tin rằng, ánh sáng từ đèn hoa sen tượng trưng cho ánh sáng giác ngộ mà Đức Phật tìm thấy.

Cơm hấp lá sen.  Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Bởi thế, mùa Phật Đản ở Huế du khách sẽ thấy trên đường phố Huế và các cửa chùa rực rỡ sắc màu đèn lồng hoa sen. Điều độc đáo là đèn lồng hoa sen ở Huế đều do chính tay người dân nơi đây làm bằng phương pháp thủ công đơn giản. Nhưng để làm ra một đèn lồng cần sự góp sức cả một tập thể.

Mỗi người một việc, từ vót tre, cắt giấy màu hay vải, dán hồ và phơi. Làm xong, đèn lồng hoa sen sẽ được các Phật tử mua về để treo lên ở mái hiên, các hàng cây và nơi thờ tự Phật.

Thanh tịnh với cơm hấp lá sen

Cơm hấp lá sen là một món ăn rất gần gũi với người ăn chay xứ Huế. Ai đã có dịp ghé thăm Huế, vùng đất chùa chiền chắc không thể nào quên món chay cổ truyền này ở vùng đất cố đô. Tinh hoa của đất trời cùng với sức lao động của con người xứ Huế đã tạo nên một món ăn với những hạt cơm trắng tinh hoà quyện cùng với những hạt sen thơm ngát, một thực phẩm quý ở vùng đất này.

Nhìn vào món cơm hấp lá sen, ta có thể mường tượng như đang được thưởng thức một “bông hoa” ẩm thực. Món ăn này có “nhụy” rất thơm ngon với hỗn hợp cơm, hạt sen, tai nấm đông cô, củ cải, cà rốt, khuôn đậu...

Người phụ nữ Huế vốn nổi tiếng khéo tay trong ẩm thực, nhưng để làm ra được món ăn thanh tao này thì thật cũng không phải là dễ dàng. Đầu tiên, muốn có một món cơm hấp lá sen đúng điệu thì cần phải có những hạt cơm dẻo, nở đều và thơm. Chỉ có hạt gạo non và thuộc loại ngon, không có chút pha trộn, hỗn tạp với thóc, trấu, sạn, cám… mới có thể sử dụng để chế biến món ăn này.

 Bảy đóa sen khổng lồ trên sông Hương tượng trưng cho bảy bước đi thanh tịnh của Đức Phật. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Bên cạnh đó, những nguyên liệu khác của món ăn như tai nấm đông cô, cà rốt, củ cải, khuôn đậu cũng được lựa chọn rất kỹ và chế biến cẩn thận. Chẳng hạn, tai nấm đông cô phải tươi thì mới được đem thái sợi; cà rốt, củ cải thì phải cắt nhỏ để khi luộc sẽ được chín đều, khuôn đậu thì phải rán vàng đến khi có mùi thơm phưng phức…

Nhưng khó nhất cũng là khâu sử dụng sen trong chế biến món ăn này, bởi sẽ phải chọn từng hạt sen một sau khi đã lấy đi tim sen có vị đắng. Cái khéo tay của người phụ nữ Huế là hạt sen rất dễ nát nhưng mấy o, mấy mệ khi nào cũng “canh” đúng lửa khi luộc bởi hạt sen nát thì món ăn cũng coi như thất bại.

Không chỉ là những hạt sen thơm ngát hòa quyện với từng hạt cơm dẻo ngon và các loại nguyên liệu khác sau khi đã hấp cách thủy, món cơm hấp lá sen còn được điểm tô bởi những bông sen hồng diệu khá bắt mắt và sự lưu giữ hương vị tuyệt vời của món ăn bằng cách ấp ủ tất cả những hương vị trong những lá sen xanh.

Sen dù mọc ở bùn lầy nhưng nó vẫn toả hương thơm ngát. Hầu hết các loài hoa đều nở về mùa xuân, riêng sen nở về mùa hạ, mùa nóng bức. Hình ảnh sen rực rỡ sắc hồng, trắng ở các ao hồ xứ Huế càng khiến lòng người trở nên mát dịu giữa cái oi bức của hạ đang về.

Chính vì vậy, thưởng thức món cơm hấp lá sen cũng chính là tìm về với bản ngã của tâm hồn, có được sự thanh thản của thể xác và tìm đến sự thanh tịnh trong ẩm thực xứ Huế. Và có lẽ chỉ vào mùa hạ, mùa sen nở thì du khách đến Huế mới có dịp thưởng thức đúng điệu món ăn thanh tao nhưng rất cầu kỳ này.

Phật giáo - thế mạnh du lịch tâm linh của Huế

Huế hấp dẫn du khách thập phương bởi nét đẹp của sông Hương, núi Ngự, sự uy nghi của các đền đài lăng tẩm và cái thơ ngây của những tà áo dài phất phới lúc chiều tà. Nhưng Huế cũng có sự trầm mặc của mình, đó là tinh thần Phật giáo Huế. Có thể nói, chính Phật giáo Huế đã “điểm nhãn” để hoạt động du lịch Huế có “hồn” hơn.

Huế vẫn đầy bí ẩn và luôn luôn mới đối với giới nghiên cứu, và đối với những người ưa thích tìm hiểu khám phá. Một nội dung mới của du lịch Huế hiện nay là chương trình Lễ nhạc Phật giáo đã từng được tổ chức nhiều lần ở một không gian diễn xướng rất thích hợp là Trung tâm Văn hoá Huyền Trân. Ngoài chức năng nghi lễ tôn giáo, lễ nhạc Phật giáo có giá trị nghệ thuật được tích hợp từ những nét đặc thù trong dòng chảy văn hoá Huế nói chung, văn hóa Phật giáo Huế nói riêng. Không chỉ phục vụ đại chúng, lễ nhạc Phật giáo đang cuốn hút giới nghiên cứu tìm hiểu về sự ảnh hưởng của nhạc lễ Chăm với nhạc lễ Phật giáo Huế.

Bên cạnh đó, Chùa Thiên Mụ – ngôi chùa được coi là cổ nhất ở Huế, gắn liền với huyền thoại chọn đất đóng đô của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Huyền thoại kể rằng: Khi vào trấn thủ xứ Thuận – Quảng, chúa Nguyễn Hoàng đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này.

Trong một lần đi dọc sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương cho biết, đây là đồi Hà Khê, đêm đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”.

Tin vào lời sấm truyền đó, năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương đặt tên là Chùa Thiên Mụ. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, mở rộng và phát triển từ thời các chúa Nguyễn đến vua Nguyễn, Chùa Thiên Mụ được vua Thiệu Trị  xếp vào “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp của đất thần kinh) và ngày nay vẫn là biểu tượng tâm linh của người dân Cố đô.

Cũng phải kể đến Chùa Từ Hiếu - hay còn gọi là chùa Thái giám được xây dựng vào năm 1843, gắn với câu chuyện cảm động về tình mẫu tử của Thiền sư Nhất Định, người sáng lập chùa để phụng dưỡng mẹ già.

Chuyện đến tai Tự Đức, cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo của sư Nhất Định  nên đặt tên là Từ Hiếu Tự. Năm 1848, chùa được các vị quan lại trong cung triều Nguyễn nhất là các vị thái giám cúng đóng góp trùng tu tôn tạo quy mô hơn để lo việc thờ tự sau này. Chùa được coi là nghĩa trang thái giám có một không hai ở Huế và Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra còn có ngôi chùa Từ Đàm ở Huế được nhiều người Việt Nam biết đến. Chùa được xây dựng năm 1690, đời chúa Nguyễn Phúc Thái, với tên gọi ban đầu là Ân Tôn, đến năm 1841 được vua Thiệu Trị đổi tên thành chùa Từ Đàm. Chùa trở thành trung tâm phật học lớn của cả nước, hàng trăm Niệm Phật đường và các khuôn hội thành lập sau này đều lấy bài trí cấu trúc và cách thờ tự của chùa Từ Đàm làm khuôn mẫu.

Nếu như Chùa Từ Đàm là “khuôn mẫu” trong kiến trúc thì Chùa Báo Quốc - được xây dựng từ thế kỷ XVII thời chúa Nguyễn Phúc Khoát lại là trung tâm đào tạo tăng tài cho phật giáo cả nước. Đặc biệt, chùa trở thành nơi đầu tiên thành lập Trường sơ đẳng Phật học (1935) và Trường cao đẳng Phật học (1940) của cả nước.

Không những thế, Phật giáo Liễu Quán là nét điển hình của cái riêng Phật giáo Huế. Liễu Quán là dòng phái thiền của người Việt Nam do chính người Việt Nam làm Sơ tổ nhờ sự gạn đục khơi trong, hòa quyện chắt lọc những tinh hoa của 2 dòng Tào Động, Lâm Tế của người Trung Quốc với thuần phong mỹ tục của dân tộc trên tinh thần: Giáo lý chỉ như đò đưa khách qua sông. Điều quan trọng là đẹp đạo. Đẹp đạo mới là tất cả.

Chính vì những nét rất riêng và nổi bật của mình, Phật giáo Huế có tiếng nói và sự đại diện mạnh mẽ trong giới tăng ni, phật tử cả nước. Và đó cũng là “cái hồn” rất riêng trong văn hóa du lịch mà người Huế cần giữ gìn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan