Văn hóa mạng

Văn hóa mạng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước khi đăng 1 status (dòng trạng thái), hay share (chia sẻ), like (thích), comment (bình luận) về một status nào đó, chúng ta nên chậm lại một chút.

1. Trong tuần trước, giám đốc một công ty du lịch đã vô tư khoe chiến tích trên mạng xã hội về việc đưa đoàn khách du lịch thoát khỏi Đà Nẵng, ra Huế ngay giữa đêm để thoát cách ly.

Sau đó đại diện doanh nghiệp này giải thích, khi khách bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng, biết thông tin dịch ở Đà Nẵng và các điểm du lịch tại đây không phục vụ nên công ty đưa khách ra Huế luôn theo lịch trình tour.

Đoàn khách đến Huế vẫn khai báo y tế tại khách sạn theo quy định, phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho du khách. Thế nhưng, trong lúc cả nước đang căng lên với nỗi lo về mức độ lây lan của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng ra các địa phương khác, việc đăng status (dòng trạng thái) như trên (bản thân người đăng không dẫn đoàn đi) khiến nhiều người bức xúc.

Tiếp đó, ngày 27/7/2020, tài khoản facebook của H.K.L, một người đang sinh sống cách Đà Nẵng đến cả gần ngàn cây số, cũng chẳng đi Đà Nẵng hay tiếp xúc với người nào có nguy cơ hoặc nắm thông tin Đà Nẵng đã vội "tay nhanh hơn não" đăng thông tin trên facebook cá nhân về một bệnh nhân đã tử vong tại Đà Nẵng.

Mặc dù sau đó, chủ tài khoản này đã xóa status và thừa nhận hành vi đăng tải là sai, nhưng, ít nhất với một số người vô tình đọc được thông tin đó cũng đã phần nào rơi vào tâm trạng hoang mang, lo lắng cực độ.

Nghiêm trọng hơn, ngày 27/7, tài khoản facebook Mốt Ngọc Sen đã đăng tải bài viết giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình dịch Covid-19, trong đó có những thông tin sai lệch về diễn biến và cách phòng chống dịch.

Ngay khi nhận được thông tin, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh phối hợp với phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh đã có buổi làm việc với Đ.T.T.S. Tại buổi làm việc, T.S thừa nhận, nội dung thông tin đã đăng tải trên trang facebook của mình là không đúng sự thật và dễ gây hoang mang dư luận.

2. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã từng đưa ra cảnh về tác động của virus SARS - Cov2: “Cuộc khủng hoảng mang tính thách thức nhất mà chúng ta đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai”.

Ông Guterres cho rằng, nạn thông tin sai lệch đang lan rộng trên toàn cầu trong khi đây phải là lúc để nghiên cứu khoa học và thể hiện tinh thần đoàn kết để chống lại đại dịch.

“Những lời khuyên có hại đối với sức khỏe và giải pháp không có giá trị đang tăng nhanh. Những ý nghĩ sai lầm đang phủ khắp các kênh phát thanh và truyền hình. Nhiều thuyết âm mưu đang lan tràn trên internet...”, Tổng thư ký Liên Hợp quốc nói.

Thực tế, ai cũng muốn chăm lo cho bản thân, gia đình mình, nhưng phải chăng mọi chuyện đang đi quá đà khi sự lo lắng thái quá đang làm thay đổi cách sống lẫn thái độ sống, khiến những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh thêm khó khăn? Sự sợ hãi đang biến chúng ta thành "mồi ngon" cho những kẻ cơ hội.

Tất cả cho thấy nỗi sợ dịch bệnh đang biến tướng và những thông tin thổi phồng thái quá khiến chúng ta bị sốc mạnh. Và vì sợ hãi quá mức, vì thiếu tìm hiểu thông tin, vì nôn nóng, chúng ta tự nhân đôi nỗi lo lắng của mình lên (nhất là khi lên mạng xã hội thấy ai cũng hô hào cả).

3. Theo quy định của pháp luật, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh gây ra hậu quả xấu có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Hình phạt nặng nhất có thể bị áp dụng là 200 triệu đồng và 5 năm tù giam (Điều 288, Bộ luật Hình sự).

Trường hợp người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch, người mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác. Hình phạt nặng nhất có thể bị áp dụng là 30 triệu đồng và 5 năm tù giam (Điều 155, Bộ luật Hình sự).

Ngoài ra, tùy vào mức độ xâm phạm của hành vi tung tin, người tung tin có thể phải gánh chịu các mức phạt vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại khác theo quy định. Các cơ quan chức năng cần rà soát, xác định và xử lý thật triệt để đối với các hành vi tung tin không đúng sự thật về dịch bệnh để trục lợi, gây hoang mang dư luận trong mùa dịch.

Tuy nhiên, trên thực tế, nạn tin giả dường như vẫn chưa chịu lắng xuống. Vẫn còn không ít người thích sống oai, sống ảo với tin giả, lợi dụng cơ hội để thể hiện khả năng “biết tuốt” của bản thân trên mọi lĩnh vực.

Dù vô tình hay cố ý, nhưng những ứng xử cá nhân trong hoàn cảnh bùng phát của dịch bệnh cũng đã phần nào thể hiện ý thức và trách nhiệm kém với cộng đồng và xã hội, cũng như nhân cách, văn hóa, bản lĩnh của cá nhân đó đang có nhiều vấn đề.

4. Trên thực tế, không phải chỉ từ một đại dịch như dịch Covid-19 mới cho thấy những hành xử kém văn minh trên không gian mạng của nhiều người. Có điều, dường như lâu nay, phần lớn người bị hại và dư luận xã hội còn dễ dàng bỏ qua hoặc quá thờ ơ, xem thường hậu quả có thể xảy ra từ tệ nạn tin giả, tin bịa đặt trên không gian mạng.

Điều này khiến cho các thói xấu như: đăng tải tin tức giả, tẩy chay cá nhân, tiến công mạng, gian lận trong trò chơi trực tuyến, sử dụng thứ ngôn ngữ tục tĩu để tranh luận hoặc “đánh hội đồng”,... có cơ hội xuất hiện và tồn tại như một thực trạng xấu xí trên một số trang mạng.

Thực trạng đó đã khiến hình ảnh cộng đồng người sử dụng mạng ở Việt Nam phần nào bị ảnh hưởng, nhất là ấn tượng về thái độ sử dụng mạng kém văn minh, thói quen cư xử thiếu văn hóa, phản cảm.

Sẽ rất nguy hiểm nếu nhiều người dùng internet tại Việt Nam hiện nay vẫn thản nhiên cho rằng mọi chia sẻ, mọi ý kiến trên không gian mạng chỉ là “ảo”, không phải chịu trách nhiệm. Trong khi, rất nhiều trường hợp đã cho thấy, không ít dòng trạng thái, câu bình luận, video, hình ảnh được đăng tải, chia sẻ tưởng như vô thưởng, vô phạt nhưng đều có nguy cơ để lại hệ lụy khôn lường.

Để thay đổi tình trạng này, đòi hỏi người dùng internet nói chung, mạng xã hội nói riêng tại Việt Nam phải nâng cao ý thức, có trách nhiệm với nội dung đăng tải, chia sẻ của mình.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan