TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng nói về khoảng cách giàu - nghèo

TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng nói về khoảng cách giàu - nghèo

TS Đặng Hoàng Giang: Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng

TS. Đặng Hoàng Giang cho rằng sự bất bình đẳng đang tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng một cách đáng quan ngại.

Có 18,04% người dân được khảo sát đã cho rằng, đói nghèo là vấn đề đáng quan ngại nhất, sau đó mới đến việc làm, giao thông, tham nhũng... Đó là kết quả cuộc khảo sát PAPI 2015 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và các đối tác.

TS. Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng đã có những phân tích cụ thể hơn về kết quả khảo sát này.

Người nghèo đang bị thụt lùi

Ông nghĩ gì về con số 18,04% trong số gần 14.000 người được khảo sát đã chọn đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất mà Nhà nước cần tập trung giải quyết?

Con số này cho thấy khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng một cách đáng quan ngại. Thu nhập bình quân của cả nước vẫn tăng lên, của cải vật chất xa xỉ được trưng bày ngoài xã hội ngày càng nhiều nhưng tỉ lệ người nghèo vẫn khá cao. Nhiều người rất giàu mà không ai có thể lý giải được vì sao họ có thể giàu được như vậy. Trong khi đó, 1/5 dân số vẫn đang phải chật vật mưu sinh.

Nguyên nhân chính là những thành tựu từ tăng trưởng kinh tế và phát triển không được phân bổ công bằng và bình đẳng cho mọi người trong xã hội. Thay vào đó, xã hội phân chia thành hai nhóm: Người thắng cuộc và người thua cuộc.

Bên thắng cuộc là những người có nhiều ưu ái nhất định như có mối quan hệ hoặc có thông tin kín về quy hoạch đất đai... Qua đó, họ dễ dàng kiếm lãi lớn từ các thương vụ làm ăn.

Những người thua cuộc là những người thấp cổ bé họng trong xã hội, không có quyền lực gì, thu nhập thấp, ít cơ hội, bị thụt lùi lại phía sau. Một xã hội nhân văn và nhân đạo phải có cơ chế để giảm sự bất bình đẳng này.

Làm sao nhận diện người thua cuộc và người thắng cuộc trong xã hội hiện nay, thưa ông?

Đơn cử như chuyện ở một làng chài miền Trung mới đây: Những người dân chài lưới truyền thống bị gạt ra ngoài nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên, bởi làng chài đó được chính quyền dành cho nhà đầu tư xây biệt thự, khách sạn bên bãi biển. Đây là một hành động gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội.

Bãi biển - nguồn tài nguyên công đó - được đặt vào tay doanh nghiệp, lợi nhuận thu được cũng đổ về túi doanh nghiệp. Ngược lại, ngư dân ở đây sẽ mất kế sinh nhai. Họ có thể nhận một khoản tiền bồi thường, trong nhiều trường hợp có giá trị khá khôi hài và không biết làm gì để mưu sinh. Họ và con cái sẽ phải đối mặt với nghèo khổ và tương lai bất định.

Những quyết định như vậy sẽ sản sinh ra sự bất bình đẳng. Thật đáng tiếc là những câu chuyện có bản chất tương tự xảy ra rất nhiều, lặp đi lặp lại trên phạm vi rộng của cả nước, từ Ecopark ở Hà Nội tới Sầm Sơn ở Thanh Hóa...

Dân nghèo một phần do tham nhũng

Mới đây, khi phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cảnh báo thực trạng khoảng cách giàu nghèo đang trong tình trạng đáng báo động và có thể dẫn đến xung đột. Đâu là nguyên nhân?

Một trong số các nguyên nhân là nạn tham nhũng. Tham nhũng bắt người dân phải trả giá và ảnh hưởng tới người nghèo ở mức độ tiêu cực hơn rất nhiều.

Tham nhũng là một trong những nguyên nhân khá căn bản gây ra tình trạng đói nghèo của một bộ phận không nhỏ trong xã hội và sự chậm phát triển của đất nước. Nó làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng, tạo ra những rào cản lớn cho người nghèo khi tiếp cận các dịch vụ công, cơ hội giáo dục - đào tạo và công ăn việc làm.

Theo kết quả PAPI 2015, chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” vẫn chưa có sự cải thiện khi giảm 3%. Theo ông, Chính phủ cần làm gì để chống nạn “nội xâm” này?

Số liệu của PAPI trong 5 năm qua - đúng một nhiệm kỳ của Chính phủ - cho thấy không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong việc chống tham nhũng. Không những thế, có vẻ sức chịu đựng tham nhũng của người dân còn tăng lên, thể hiện qua việc họ ít sẵn sàng tố cáo tham nhũng hơn. Họ đã chấp nhận “sống chung với lũ”!

Chừng nào chưa đẩy lùi được tham nhũng thì một phần đáng kể của cải, tài nguyên của đất nước sẽ chảy vào túi các nhóm lợi ích, thay vì được đầu tư hiệu quả vào những chỗ đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng nói chung và người nghèo nói riêng.

PAPI được xem là công cụ phản ánh tiếng nói và nguyện vọng của người dân, đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền VN.

PAPI 2015 khảo sát ngẫu nhiên gần 14.000 người dân tại 63 tỉnh thành, tập trung vào 6 lĩnh vực chính gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Tin bài liên quan