Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup

Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup

Nếu có dịp ghé thăm Đà Lạt và tham gia vào hành trình khám phá cao nguyên Lang Biang, du khách đừng quên chinh phục Bidoup –nơi được mệnh danh là “nóc nhà” của Tây Nguyên.
Bidoup là tên gọi một đỉnh núi cao 2.278m so với mực nước biển, trực thuộc vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (gọi theo hai đỉnh cao nhất là Bidoup và đỉnh núi Bà trên dãy Lang Biang) rộng 64.800 ha, cách trung tâm thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng chừng 50km.
Đây là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm có của Việt Nam với cảnh sắc thiên nhiên phong phú và được bảo tồn trong tình trạng cực kì tốt vì không hề có dấu tích của rác thải cũng như con người.
Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup ảnh 1
Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup ảnh 2

Nói về tên gọi Bidoup có rất nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng theo anh Cil K’Huy, nhân viên Trạm kiểm lâm Vườn quốc gia Bioup – Núi Bà thì nguồn gốc cái tên này bắt nguồn từ truyền thuyết về hai anh em Lang Biang và Bidoup.

Bioup là em nhưng lại cao hơn anh. Lang Biang không chấp nhận điều đó nên đã gõ vào đầu và kéo Bidoup cúi xuống. Hành động này đã để lại dấu tích thấy rõ là đỉnh Bidoup bị khuyết mất một bên. Do đó, “bidoup” theo tiếng địa phương còn có nghĩa là “cúi lạy”.
Đối với những người thích du lịch và leo núi thì Bidoup không còn là cái tên xa lạ. Cả hành trình chinh phục đỉnh núi dài khoảng 27 km hứa hẹn mang tới cho du khách những cảm xúc khó tả bởi hàng loạt các hoạt động như: xuyên rừng qua thung lũng K'long K'lanh, vượt sông Đa Nhim và băng qua rừng kín thường xanh.
Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup ảnh 3
Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup ảnh 4
Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup ảnh 5

Đây cũng được coi là một trong những cung đường trekking (du lịch mạo hiểm) lãng mạn nhất bởi nó không đi qua các khu rừng nhiệt đới cây cối rậm rạp mà là rừng ôn đới lá kim khoáng đạt.

Khách du lịch có thể chinh phục Bidoup qua 2 con đường. Tuyến thứ nhất đi qua trạm kiểm lâm Bidoup với độ dài khoảng 17km, ít dốc và phù hợp với những người mới đi trekking. Tuyến thứ hai dài khoảng 7km, đi qua trạm K’long K’lanh với độ dốc cực kì cao và mất sức khá nhanh.
Tuy nhiên, đây lại là sự lựa chọn yêu thích của dân du lịch bụi vì có thể gặp cây pơ mu 1300 năm tuổi và được trải nghiệm nhiều kiểu rừng, từ rừng thông lá kim, rừng hỗn giao lá rộng đến rừng lá  kim á nhiệt đới.
Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup ảnh 6

Theo lời rủ rê của một người bạn, tôi chọn Bidoup làm điểm đến đầu tiên trong chuyến trekking đầu năm 2017 của mình. Cuộc hành trình kéo dài hai ngày một đêm đã mang tới cho tôi cơ hội chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh ở độ cao 2.000m và trải nghiệm cắm trại thú vị trên đỉnh núi – nơi chỉ có một khoảng đất bằng, bên trên là tán rừng dày đặc.

Để hành trình trekking được an toàn thì những người leo núi nên chuẩn bị sẵn thuốc chống vắt và mang theo quần áo ấm, mũ, găng tay, túi ngủ vì đêm trên đỉnh Bidoup rất lạnh.
Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup ảnh 7
Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup ảnh 8

Điều đặc biệt khiến Bidoup khác với các khu vườn quốc gia khác là nơi đây được bảo vệ nghiêm ngặt và hầu như không có rác thải. Khách du lịch buộc phải mua tour chinh phục “nóc nhà” Tây Nguyên với giá trung bình khoảng hơn một triệu đồng.

Trekking trên "nóc nhà Tây Nguyên" Bidoup ảnh 9

Khoản tiền này sẽ được sử dụng cho việc bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời góp phần làm tăng thu nhập cho những “hướng dẫn viên” thầm lặng người Cil, người Churu, người K’ho ở khu vực Bidoup.

Tin bài liên quan