Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: Chúng ta đang phát triển du lịch theo kiểu “lòng máng”

Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: Chúng ta đang phát triển du lịch theo kiểu “lòng máng”

(ĐTCK) “Chúng ta cần phải thay đổi lại quan điểm mới giải quyết được câu chuyện thu hút khách vào để họ dùng sản phẩm, dịch vụ gì của chúng ta. Nếu không chúng ta sẽ chỉ phát triển du lịch theo kiểu lòng máng. Khách vào rồi trượt đi luôn chứ không thẩm thấu được vào nền kinh tế và người dân địa phương”, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel nói.

Chia sẻ tại Hội thảo doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn được tổ chức ngày 2/4 tại TP. HCM ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel chia sẻ rằng, tốc độ tăng trưởng du lịch của chúng ta đang ở mức khá tốt.

Thậm chí, Chính phủ đã phải làm lại Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 vì một số chỉ tiêu phát triển đến năm 2020 đã lạc hậu. Chẳng hạn, mục tiêu đến năm 2030 đạt được 20 triệu khách du lịch quốc tế thì năm 2020 chúng ta cũng đã gần đạt được con số này.

Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: Chúng ta đang phát triển du lịch theo kiểu “lòng máng” ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel 

Năm 2019, chúng ta dự kiến đạt được 18 triệu khách du lịch nên con số thu hút 20 triệu khách quốc tế du lịch trong năm 2020 là khả thi. Cùng với mục tiêu thu hút 20 triệu khách quốc thì năm 2020, ngành du lịch cũng phấn đấu thu hút 80 triệu khách nội địa mang lại doanh thu 47 tỷ USD. Tuy nhiên, đằng sau tốc độ tăng trưởng này rất nhiều nỗi lo của những người làm du lịch.

Chúng ta bị động hoàn toàn

Theo CEO của Vietravel, nếu tính từ năm 2002 đến năm 2018, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch của Việt Nam là 3,23 lần trong khi các nước xung quanh chỉ tăng trưởng khoảng 2,1 lần.

Tuy nhiên, nhìn lại con số cụ thể trong năm 2018, Thái Lan đón 27,8 triệu lượt khách, sang năm 2019 họ đón khoảng 36 triệu lượt khách, gấp đôi so với con số dự kiến mà chúng ra đưa ra (phấn đấu đạt 18 triệu khách quốc tế).

Ngoài ra, trong nhóm 10 quốc gia chi tiêu cho du lịch, khách quốc tế của chúng ta chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga (chiếm khoảng 60% lượng khách du lịch vào Việt Nam). Thị trường chúng ta tương đối hẹp, thị trường hạng sang khách vào không tăng thậm chí có khu vực giảm rất sâu.

“Với số lượng khách hàng như vậy chúng ta cần có chính sách xúc tiến du lịch phù hợp. Các chương trình xúc tiến du lịch hiện nay còn yếu và vẫn chưa đủ chủ yếu là do các hãng du lịch bên đó họ chủ động làm do nhu cầu du lịch của khách và mình hưởng theo”, ông Kỳ nói.

Ngoài ra, các dịch vụ của chúng ta ở các thị trường này chủ yếu do doanh nghiệp tự làm và mang tính nhỏ lẻ, những hoạt động lớn lại chưa tạo ra được cú hích cho những thị trường này.

Cú hích lớn nhất là việc Chính phủ áp dụng thị thực điện tử và bỏ visa 15 ngày đối với 1 số thị trường chính trong đó có những nước như Nhật bản và Hàn Quốc để tạo cú hích khách vào. Nhưng về tổng thể chưa như chúng ta mong đợi.

Phải làm sao để lượng khách vào du lịch nhiều như thị trường Thái Lan, CEO hãng du lịch lớn nhất nhì Việt Nam đã nói và cũng tự trả lời: Chúng ta cần phải nhìn lại để tính toán lại thị trường khách vào và đưa ra các chính sách cho phù hợp.

Thời gian qua tốc độ du lịch của Đà Nẵng và Nha Trang phát triển rất mạnh, kéo theo bất động sản du lịch tăng rất nhanh, nhưng nhìn thị trường đầu vào thì thấy khách vào không phải do chúng ta mang vào mà do các hãng du lịch của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tự giác mang vào là chính với sự bùng nổ của hàng không.

“Chúng ta bị động hoàn toàn. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta phải chuẩn bi nhiều hơn nữa, cụ thể như sân bay không thể để tình trạng quá tải như hiện nay và càng mở rộng càng quá tải”, ông Kỳ nói.

Phải thay đổi nhận thức với việc phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm

Để thu hút khách du lịch vào Việt Nam, CEO Vietravel cho biết, chúng ta cần phải chuẩn bị cả thị trường trong nước. Sản phẩm du lịch hiện nay của chúng ta chủ yếu là hình que, khách đi 1 lần là biết hết không muốn quay lại nữa.

Chúng ta chưa có sản phẩm vùng và kết nối vùng. Các sản phẩm du lịch hiện nay cũng đang tập trung chủ yếu vào khung thời gian từ 7h sáng đến 5h chiều. Đây là sản phẩm tạo ra thu nhập cứng. Còn sản phẩm thu được nhiều tiền nhất là từ 6h tối đến 2h sáng lại không được phát triển.

Bất động sản cũng phát triển rất nhiều các khu bất động sản nghỉ dưỡng nhưng lại không có sản phẩm cho khung giờ đêm. Khách đến lưu trú đến đêm thứ 2 là chán. Chính vì vậy chúng ta cần phải thay đổi nhận thức với việc phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm.

"Không có sản phẩm ban đêm không cách gì giữ khách và tạo nguồn thu cho người dân địa phương cũng như ngân sách đóng góp", ông Kỳ nhận định.

Nhiều địa phương vừa qua cũng đã quan tâm đến phố đi bộ ban đêm, tuy nhiên, những sự phát triển này đều chưa có quy hoạch hợp lý nên chưa hiệu quả. Ngay cả ở Sài Gòn ban đêm cho khách đi coi những chương trình giải trí, văn hóa cũng rất ít; mua sắm thì hầu hết là các sản phẩm rẻ tiền…

“Chúng ta cần phải thay đổi lại quan điểm mới giải quyết được câu chuyện thu hút khách vào để họ dùng sản phẩm gì của chúng ta. Nếu không chúng ta sẽ chỉ phát triển du lịch theo kiểu lòng máng. Khách du lịch vào rồi trượt đi luôn chứ không thẩm thấu được vào nền kinh tế và người dân địa phương”, ông Kỳ nói.

Ngay cả bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển hiện nay cũng vậy. Theo ông Kỳ, với loại hình du lịch này, các doanh nghiệp mới tiếp cận đến mép nước.

Trong khi du lịch nghỉ dưỡng bao gồm: mép nước, mặt nước và dưới mặt nước. Chúng ta chỉ đang khai thác mép nước, trên mặt nước chưa đầu tư gì cả và dưới mặt nước thì cũng như vậy.

Nghỉ 1 đêm ở khách sạn sang cũng chỉ thu tầm 250 USD/đêm nhưng nếu tổ chức lặn biển thì chỉ một lần lặn đã 200 USD mà 1 ngày có thể tổ chức được nhiều lần…. “Chi phí để thu về 200 USD lặn biển nhỏ hơn rất nhiều so với xây dựng phòng ốc, nhưng chúng ta không đầu tư, du lịch lạch bạch như vậy làm sao đầu tư ra biển lớn”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Tin bài liên quan