Nhà máy Thuỷ điện A Vương

Nhà máy Thuỷ điện A Vương

Thuỷ điện A Vương: Dừng phát điện dành nước chống hạn

Đã 3 tháng nay, Nhà máy Thuỷ điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) phải dừng phát điện với mục tiêu dành nước cho hạ du trong mùa khô. Tuy nhiên, Nhà máy vẫn phải đảm bảo các chế độ cho người lao động mà hiện chưa có cơ chế hỗ trợ nào của Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Bản, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ điện A Vương cho hay, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino từ các năm 2014 - 2015 và vẫn còn kéo dài dự báo tới giữa năm 2016 nên lưu lượng nước về hồ chứa rất thấp.

Để đảm bảo tích nước đến cuối mùa lũ và đầu mùa cạn năm 2016, Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã tạm thời tách Nhà máy Thuỷ điện A Vương ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ 0h ngày 8/12/2015. “Cho tới nay, Nhà máy đã dừng phát điện tròn 3 tháng để tích nước  hồ, nhằm đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa hè 2016”, ông Bản nói và cho hay, tại thời điểm này, hồ thuỷ điện A Vương vẫn ở mức thấp và không đảm bảo mực nước quy định tại phụ lục III của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại Quyết định 1537/2015/QĐ-TTg nên vẫn không được phát điện.

Trước đó, năm 2015, cũng do ảnh hưởng của Elnino nên lượng nước về hồ thuỷ điện A Vương đạt thấp, đặc biệt lưu lượng nước về các hồ trong các tháng mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12/2015 chỉ đạt 36,57 m3/s, bằng 66,47% so với lưu lượng nước về trung bình cùng kỳ của nhiều năm. Tính tới cuối mùa lũ vào thời điểm ngày 15/12/2015, hồ chứa thủy điện A Vương chỉ tích được tới cao trình 357 mét, thiếu 23 mét so với mực nước dâng bình thường.

Năm 2015, Công ty cổ phần Thuỷ điện A Vương cũng chỉ đạt sản lượng điện bằng 87% kế hoạch được giao do dừng phát điện từ ngày 8/12/2015, doanh thu từ sản xuất điện giảm khoảng 15% so với dự kiến, tuy tổng doanh thu chung vẫn đạt 97% kế hoạch. “Lợi nhuận cũng không đạt được như Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đặt ra, nhưng Công ty vẫn cố gắng trả cổ tức cao hơn mức lãi suất huy động tiết kiệm của ngân hàng”, ông Bản cho hay.

Còn tình hình kinh doanh của năm 2016 cũng chưa có gì sáng sủa. Do dừng phát điện nên sản lượng điện từ đầu năm 2016 đến thời điểm ngày 10/3/2016 chỉ đạt 3,9 triệu kWh, bằng 0,74% kế hoạch sản lượng điện được Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Công ty trong năm 2016 là 530 triệu kWh.

Đáng chú ý là dù đã dừng phát điện 3 tháng và không có doanh thu từ bán điện, nhưng công tác duy trì hoạt động của nhà máy vẫn phải đảm bảo, các ca trực vẫn tiến hành bình thường 24/24h và luôn ở tư thế sẵn sàng phát điện trong trường hợp được yêu cầu. Vì vậy, lương của người lao động vẫn phải trả đủ và không có tình trạng chỉ hưởng 70% do dừng vận hành, không phát điện.

Trong khi đó, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), địa bàn được hưởng lợi trực tiếp khi Nhà máy Thuỷ điện A Vương xả nước đang khá yên tâm không lo thiếu nước mùa cạn như nhiều địa phương khác. Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc cho hay, cả huyện có 4.400 ha lúa và có 10/18 xã của Đại Lộc nằm trong vùng hạ lưu sông Vu Gia, sẽ dùng nước từ Nhà máy Thuỷ điện A Vương khi xả xuống. Hiện tại, nước cho sinh hoạt và nông nghiệp đang được sử dụng từ các nguồn hiện có tại địa bàn, còn tới khi vào mùa cạn và phục vụ nông nghiệp vụ hè thu, các địa bàn này sẽ được cấp nước khi thuỷ điện A Vương được xả nước theo điều hành của người đứng đầu tỉnh Quảng Nam.

Ông Bản cũng cho hay, với thực tế nước về hiện nay chỉ là 8-10 m3/s, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-40% thì tới thời điểm ngày 11/3 tới, có thể hồ A Vương vẫn thiếu khoảng 2,5 mét theo quy định tích nước tại Quyết định 1537/2015/QĐ-TTg. Khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sẽ phải đưa ra quyết định, hoặc xả nước hạn chế khi nhu cầu hạ du có nước cao, hoặc tiếp tục dừng vận hành nhà máy nếu các trạm bơm dưới hạ du vẫn đảm bảo được việc lấy nước từ sông hiện có.

“Công ty và ngành điện chấp hành rất nghiêm túc yêu cầu dừng phát điện để giữ nước cấp cho hạ du trong mùa cạn, nhưng cũng mong các cơ quan hữu trách sớm có các tính toán hay giải pháp hỗ trợ để giảm thiệt hại cho các nhà máy thuỷ điện khi phải dừng phát điện, giữ nước đảm bảo cho mục tiêu an sinh xã hội. Hiện tại, các doanh nghiệp phải tự thân vận động, xoay xở và chưa có cơ chế hỗ trợ nào khi nhiều nhà máy thuỷ điện vốn chỉ có mục tiêu phát điện trước đây trở thành đa mục tiêu và phải tham gia vào thị trường điện cạnh tranh”, ông Bản nói.

Tin bài liên quan