Một góc quê. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tháng Chạp!

(ĐTCK) Tháng Chạp về, bao giờ cũng mang theo nhiều háo hức.

Mỗi năm, chạm vào tháng Chạp, cuộc sống thường nhật của gia đình tôi lại như tất bật hơn nhiều.

Vào đầu tháng Chạp, việc đồng áng có lẽ chiếm nhiều thời gian nhất với người dân quê. Với đám trẻ chúng tôi, đó cũng là một mùa đầy háo hức với bao niềm vui trong trẻo.

Những ngày nắng, hợp tác xã sẽ thông báo cho phép người dân thu hoạch ngô. Còn thường, sau một trận mưa, cái loa truyền thanh sẽ ra rả thông báo về lịch đào khoai trên các cánh đồng.

Không giống như nhiều vùng quê khác, ở quê tôi, mọi lịch canh tác, xuống đồng đều do hợp tác xã quyết định. Ví như ngày nào bẻ ngô, ngày nào nhổ lạc, ở cánh đồng nào… và các xã viên thì hoàn toàn tuân thủ.

Vào những ngày thu hoạch, nhất là đào khoai, nón trắng lấp lóa trên đồng. Hai bên đường, la liệt xe bò, xe cải tiến đựng khoai. Tiếng bò kêu, nghé ọ, tiếng cười nói, và cả tiếng điếu cày rít lên òng ọc vang khắp cánh đồng, đôi khi lại như xướng họa, vui đáo để.

Đồng quê có nhiều tên gọi rất hay, rất ngộ mà nhiều khi, những người như tôi chẳng thể biết hết được nguồn gốc. Tôi vẫn nhớ những khu đồng như: đồng Bồng, đồng Me, Chi Văn, Trệ Rộ, đồng Trằm, Gò Đất, Quán Ngói, núi Quang (tên vậy, nhưng thực ra đó chỉ là một ngọn đồi đất).

Ngoài niềm vui ngày thu hoạch ngô, khoai, thì những ngày này, thể nào khi đào khoai cũng sẽ bắt được một vài chú ếch. Những lần như thế, tôi sẽ kiếm mấy cọng rơm, buộc chặt vào eo con ếch, bẻ chân cho khỏi nhảy, vài con thành một chùm. Có hôm, còn bắt được cả rắn. Tất cả đều được buộc lủng lẳng trên càng xe bò, xe cải tiến, kéo về với niềm vui rất giản dị và những nỗi mong chờ. Bữa trưa đó, có thể sẽ là một đĩa chả rắn, một nồi ếch nấu dưa. Nếu bắt được ếch cụ, thì tôi sẽ có thêm cái trống từ da ếch.

Tháng Chạp! ảnh 1

Đồng quê tháng Chạp. Ảnh: Thành Nguyễn.

Sau những ngày thu hoạch, cánh đồng được bàn giao lại cho đám trẻ trong vài ngày, trước khi sôi động trở lại với mùa cấy. Đám trẻ thả bò chúng tôi sẽ mang theo ống bơ đựng đầy than từ quả phi lao, ra đồng đào chuột, bắt rắn, nướng trứng vịt.

Đào chuột, đúc chuột có lẽ là vui nhất, cả đám phân công nhau, thằng múc nước, thằng cầm cuốc, thuổng đào. Các bờ ruộng nhiều khi bị phá ra tung tóe. Rồi sau đó là những đại tiệc bên một thửa ruộng cao. Miếng chuột nhọ nhem, nhọ thỉu đen đúa nướng vội, miếng thịt rắn Liu Điu, Thổi Lửa vàng ngậy ngày đó sau này trở thành một loại tế bào, trú ẩn trong tôi, để mỗi bận tháng Chạp về, lại miên man nhớ, lại thèm thuồng.

Ngày đó, đồng quê là sân khấu kỳ thú với đám trẻ. Chúng tôi hái những quả cà chua ương ăn giữa buổi. Tìm và mò trứng vịt ở ven các rạch nước, con mương rồi đem đắp bùn nướng. Có bữa lại hì hụp tát những đoạn mương nhỏ bắt cá nướng lụi. Lửa thì sẵn đó, trong cái ống bơ làm từ vỏ lon sữa Ông Thọ. Chỉ cần bỏ thêm nắm quả phi lao khô rồi quay lên vài vòng, là than lại đượm lên, hừng hực cháy.

Tháng Chạp! ảnh 2

Cánh đồng quê. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ngày đó, ra đồng chẳng bao giờ lo đói. Nhà tôi chẳng có trâu, bò, nhưng sau vài lần bám đuôi anh, chị trong xóm, tôi cũng bị cánh đồng quê mê hoặc mà xin theo mãi.

Vào khoảng tầm mồng 5, mồng 10 tháng Chạp, trên đồng quê, bên cạnh những mảnh ruộng trơ gốc rạ, thấp thoáng những thửa mạ xanh đã cao hơn nửa gang tay. Và khi loa hợp tác rộn ràng thông báo lịch cấp nước, nhà nhà, người người sẽ đổ ra đồng, nay cày, mai bừa, tháo nước cho đất mềm xuống, nhũn ra. Cánh đồng lấp loáng nước, lúi húi người.

Quê tôi thường cấy vào trước Tết. Và trong khoảng từ ngày 15 tháng Chạp cho đến tầm 24, 25 thì thời gian chủ yếu của mọi người là ngoài đồng quê. Năm nào ấm áp còn đỡ, những năm trời lạnh, ra đồng thực khổ. Người bình thường đã vậy, những người chân tay bị nẻ tếch, nẻ toác mà còn phải dầm cả ngày trong nước mới thấm thía cái lạnh mùa Đông.

Tháng Chạp! ảnh 3

Mạ xanh chờ vụ cấy. Ảnh: Thành Nguyễn.

Mạ nhổ xong, sẽ được đập bớt bùn, đất. Người ta cứ cầm cả túm rồi đập vào lòng bàn chân, cả buổi về nghe rát lắm, bởi vỏ thóc vẫn còn. Rồi mạ được chuyển đi đến các cánh đồng khác để cấy. Năm nào cũng vậy, đồng Bồng là đồng gieo mạ tốt nhất, đúng như câu: Mạ ruộng quen. Và đây cũng là cánh đồng được cấy sau cùng.

Ngày còn nghèo khó, lại chưa dồn điền, đổi thửa như hiện tại, có khi mỗi đồng nhà tôi lại có một hai thửa ruộng bé tẹo, chỉ vài thước. Nên cảnh thường thấy là “chạy ba quãng đồng”, cứ cày bừa, cấy xong ruộng này, lại chạy đến ruộng kia. Chiếc xe đạp lọc cọc chở cả người và mạ.

Thời đó còn khó, có những buổi trưa, mẹ và chị tôi còn mang cả cơm ra đồng, tranh thủ ăn rồi làm luôn. Đồ ăn cũng rất đơn giản, thường là cơm nắm từ mo cau, muối vừng, kèm với một siêu nước vối. Có năm gấp gáp thì thuê thêm người cấy. Cách nhà tôi chừng 3 km, có thôn Mươi Chùa, người dân ở đây thường bố trí lịch cấy, làm màu lệch với ngoài quê tôi, để khi vào vụ có thể ra cấy, gặt thuê. Ngày đó, một ngày công cộng cơm nuôi đâu chỉ chừng mười mấy, hai chục nghìn. Giờ nghĩ lại, thấy giá trị đồng tiền ngày đó… cao thật.

Tháng Chạp! ảnh 4

Những thửa ruộng xanh ngắt mạ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Riêng cánh đồng quê ngày 23 vắng hơn thường lệ, bởi các gia đình phần nhiều lo cúng ông Táo. Sự nhộn nhịp nhường lại cho cái chợ con bé tý, chừng đâu mấy chục gian hàng. Rồi, nhịp hối hả của đồng sẽ quay trở lại vào hôm sau cho đến khoảng 27 Tết.

Dân quê tôi có thói quen làm gì cũng như ăn cướp (lời dân quê). Việc cấy hái, thu hoạch thường chỉ làm rào rào trong vài buổi là xong. Và người ta cũng thường làm theo kiểu cuốn chiếu, nên ngày mùa, ra đồng vui lắm, vì người ta sẽ tập trung cấy hái, thu hoạch theo từng khu.

Nhưng tháng Chạp còn nhiều việc bận nữa. Từ đám giỗ, xây mộ, rồi việc dòng tộc, việc làng. Tôi đúc rút thế này chẳng biết đúng không, tháng Chạp là tháng thời tiết khắc nghiệt, nên việc các cụ già hay bỏ con cháu về với tiên tổ dịp này nhiều hơn cả. Người quê trọng giỗ chạp, lễ nghĩa, nên những ngày này, cỗ bàn liên miên.

Những ngày này, mẹ tôi lại xé tờ lịch, viết lên đó danh sách những thứ cần sắm sửa. Dặn chỗ nọ cái này, dặn nhà kia cái nọ. Bà dặn sẵn hàng quen nào là mộc nhĩ, miến, lá dong…

Từ đầu tháng Chạp, bà đã khuân về một rổ hành củ, nhặt sạch sẽ rồi cho vào vại muối, còn những hôm rảnh thì lại mang hạt tiêu ra xay, mang thóc nếp đi xát…Và từ khi luống cải cúc trong vườn biết xanh lên mơn mởn, những hàng thược dược đua nhau trổ bông lên rạng rỡ, tôi biết, Tết đã đến thật gần.

Bao năm rồi, chỉ được gặp lại cánh đồng quê một chốc, một lát trong những chiều cuối tuần. Giờ, cũng chẳng thấy ai đào chuột, bắt rắn nữa. Nhưng mỗi bận về quê, thấy cánh đồng của mình ngày bé, tôi lại nhớ tháng Chạp ngày nào.

Tin bài liên quan