Tết này bạn có về quê?

Tết này bạn có về quê?

(ĐTCK) Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới chỉ còn đếm ngược trên đầu ngón tay. Không khí sắm Tết của người người, nhà nhà lại khiến tôi càng thêm bâng khuâng nhớ về mùa Tết ở quê, nhớ những bữa cơm đạm bạc, những lời chúc ngọt ngào và một thứ gì đó thật Tết.

Trong một lần tình cờ vào trang facebook cá nhân của một người bạn cũ, đọc được dòng trạng thái cô ấy viết: “Ngày hôm nay, lòng người bồi hồi trong cái lạnh đầu Đông của Sài Gòn lại bất chợt nhớ về quê. Bởi quê tôi dạo này, mùa Đông ngày càng ngắn lại, cái lạnh cũng chẳng đủ dài và sâu để lòng người siết lại tìm chốn bình yên, để phố phường thu mình trầm mặc, lặng lẽ, níu những bước chân đi rồi trở về...".

Đọc xong, tôi lặng người và lướt qua những dòng bình luận, rồi bỗng chạnh lòng trước câu hỏi: “Bao lâu rồi bạn chẳng về quê?”…

Ừ nhỉ, câu nói bâng quơ ấy lại khiến tôi nặng nề, da diết!

Quê tôi là một xã nhỏ bé nằm ở vùng quê của tỉnh Thừa Thiên - Huế, bao phủ bởi những cánh đồng lúa chín thơm khi đến mùa gặt, đó là nơi mang đậm cái thật thà, chất phác của người nông dân. Tết ở nơi đây chẳng giàu ở vật chất, mà giàu ở lòng người. Giàu ở cách mà họ cho đi với nụ cười luôn hiện hữu trên khuôn mặt đầy những vết hằng của sương gió.

Cũng như ở nhiều nơi, không khí Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, khi nhà nào cũng làm một mâm cơm đủ đầy để tiễn ông Táo về Trời. Nhưng ở Huế thì khác, ngày 23 tháng Chạp cũng chỉ thắp hương bình thường, không khí Tết chính thức bắt đầu từ ngày 25, Huế rộn ràng, tất tả đếm ngược thời gian để lo toan mọi thứ.

Mỗi gia đình đều lo mâm cơm cúng tổ tiên mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Mâm cơm cúng thổ thần đất đai, mâm cơm cúng cô hồn, mâm cơm cúng ông tổ làng nghề. Cứ hết cúng này rồi lại cúng nọ, nhưng dường như chẳng ai than phiền hay bực dọc. Họ làm tất cả với lòng thành kính.

Việc cúng cấp trong ngày Tết ở Huế cũng cầu kỳ hơn. Trước Tết có ông Táo, cúng tổ nghề, cúng Tất niên, cúng lên nêu, cúng rước ông bà… và cúng ông bà 3 ngày Tết. Ngày mồng 1 cúng chay, ngày thường cúng mặn. Đến chiều mồng 3 phải làm cỗ cúng đưa tiễn ông bà, rồi sau đó là cúng đầu năm, cúng sao, cúng Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu)…

Ở quê tôi ngày xưa không có tục đi chơi đêm giao thừa. Khi cúng giao thừa, tất cả các thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ tại nhà, ăn bánh kẹo, cắn hạt dưa, ăn mứt, chè đậu xanh, rồi nhâm nhi vài chén rượu gạo, xem tivi…

Sáng sớm hôm sau, bọn trẻ con chúng tôi dậy thật sớm để làm hai việc luôn được đón chờ nhất trong năm là đi xông đất để nhận tiền mừng tuổi và đi hái lộc. Nếu được gia đình nào đó “đặt cọc” trước đến xông nhà, thì còn tự tin, ấp a ấp úng lời chúc Tết, rồi ngồi chờ cho bằng được để nhận tiền mừng tuổi.

Tết này bạn có về quê? ảnh 1

Còn nhớ, hồi đấy còn xài tiền xu, mệnh giá chẳng đáng là bao. Nhưng hễ được nhận một vài đồng xu là sung sướng vô cùng. Sáng sớm đầu năm, chạy băng băng như bay trên đường làng, tiếng lanh canh của những đồng xu trong túi va vào nhau, rồi đến tận trưa, mấy đứa trẻ trong xóm tụ tập lại hỏi thăm “sáng nay mày được bao nhiêu tiền lì xì?”.

Tôi vẫn còn nhớ như in lời mẹ dặn, xuyên suốt 3 ngày Tết phải mặc quần áo mới, ngoan ngoãn, dậy sớm, gọi dạ bảo vâng, nhận quà bằng hai tay để cả năm gia đình phát tài. Bởi đó là những ngày đầu năm mới nên phải tạo cái nếp.

Đặc biệt, trong dịp đầu năm, quê tôi rất kỵ khi ra đường mà lớn tiếng, cãi vã, càng hạn chế mua đồ linh tinh như kim chỉ, quần áo, gạo… và không được quét rác trong nhà đổ đi, mà phải thu lại một góc, đợi hết mùng 3 mới hốt…

Nhớ nhất là ngày lễ cúng xóm, những bà nội trợ thường đảm đương việc chia thịt cho bà con và dùng những phần lòng, gan, tim, cật, tiết lợn làm cỗ. Tất nhiên, không bao giờ thiếu một nồi cháo lòng lợn để cánh mày râu nhắm rượu.

Ngày còn bé, đám trẻ con chúng tôi rất khoái vụ chia thịt lợn. Không chỉ vì chuyện ăn, mà chúng thích xem mổ lợn, rồi xin cái bàng quang (bọng đái) để làm quả banh đá với nhau. Muốn được cho, bọn trẻ chúng tôi phải làm chân sai vặt, từ đi xách nước, nấu nước sôi, nhóm lửa, đến đi mua rượu...

Buổi chia thịt Tết và cúng xóm, liên hoan tất niên mất khoảng nửa ngày. Sau đó ai về nhà nấy với phần thịt được chia. Bếp quê rần rật đỏ lửa. Các bà chế biến các món ăn, các ông gói bánh chưng bánh tét. Mùi khói bếp thổi rơm rạ quyện với mùi thịt, lan tỏa vào không gian ngày áp Tết, mang lại một điều gì đó rất háo hức, rạo rực trước thềm năm mới.

Còn nhớ rất nhiều, rất nhiều ký ức đẹp về những vị Tết đã đi qua mà tôi không thể kể hết, nhưng những điều bình dị ấy giờ đây lại khó tìm lại được. Bởi khi con người ta trưởng thành, cũng là lúc cuộc sống có quá nhiều thứ phải suy nghĩ, khi đó nỗi mệt nhoài đè nặng.

Khi ấy, ta lại thèm cảm giác tìm một chốn bình yên để về. Nhưng nơi bình yên ấy không phải là cảm giác khi tìm đến với những người bạn chí cốt, hay người thương, mà là một nơi dù bất cứ nơi nào cũng muốn tìm về. Đó là quê nhà…

Với những người xa quê, nỗi nhớ nhà lúc nào cũng hiện hữu, nhưng áp lực của công việc, của gánh nặng cơm áo mưu sinh nỗi nhớ ấy phần nào bị lấn át. Khi mùa Xuân về, tiếng gọi quê hương trong tâm khảm lại trào lên, day dứt. Bởi Tết quê không chỉ là ánh mắt người thân trìu mến, đó còn là phút tề tựu bên nhau, là không khí hồn tết của dân tộc.

Giây phút giao thừa thiêng liêng thắp nén nháng kính cẩn lạy ông bà tổ tiên, là lời chúc phúc mừng bố mẹ trăm tuổi, mạnh khỏe an khang, là lúc vợ chồng dành cho nhau những lời trìu mến, là giây phút bé thơ khoe áo mới vui cười.

Năm nay, chẳng biết sẽ có bao nhiêu người không thể về nhà ăn Tết. Nhưng chắc chắn rằng, đâu đó trong sâu thẳm ký ức, họ vẫn cảm nhận được không khí ấm áp, tất bật của những ngày Tết quê. Còn ở quê, bố mẹ họ cũng đang mong ngóng, thổn thức xen lẫn nghẹn ngào, cay cay nơi khoé mắt khi nhìn gia đình kế bên đoàn tụ.

Tết này, tôi sẽ về quê!

Tin bài liên quan