Sống bên cạnh những ý thức quá hồn nhiên

Sống bên cạnh những ý thức quá hồn nhiên

(ĐTCK) Cộng đồng dân cư có văn minh được hay không, phụ thuộc vào số đông, chứ không phải thiểu số thiếu ý thức.

1. Tôi có mặt trong vài group của các khu dân cư, cả nhà phố lẫn chung cư, nên tiếp nhận được khá nhiều câu chuyện. Thông thường, những sự phàn nàn như các mẩu thuốc lá vứt bừa bãi khắp nơi, rác không để đúng nơi, đúng giờ quy định, hát karaoke, vợ chồng cãi nhau, ăn nhậu làm ồn ào tầng trên tầng dưới, nhà kế bên… đều rơi vào các chung cư.

Năm rồi, hàng loạt clip được tung lên mạng xã hội, cho thấy nhiều người còn che camera trong thang máy, để tè bậy. Cả đàn ông lẫn đàn bà.

Đầu năm nay, lại thấy người ta “tố” ông bảo vệ nào đó tè luôn trong tầng hầm để xe. Rồi nhiều người bình luận mang tính rất “ném đá hội nghị”, kiểu như “Biết ngay mà, ở chung cư thì đủ thứ chuyện”.

Nhưng thực ra, cuộc sống vốn muôn màu, nên ở nhà phố cũng gặp nhiều việc không biết phải làm sao. Khu dân cư bình dân, trung hay cao cấp, cũng cứ “hở ra là có chuyện”. Mà toàn những chuyện khó đỡ.

Mới đây, một cậu em vừa gặp đã than vãn, có lẽ sẽ phải chuyển về nhà cũ ở, vì căn hộ trong khu cao cấp bậc nhất Sài Gòn bên quận 2 đang khiến cậu bực mình. Hỏi sao bực, cắc cớ chi bực, khi hàng triệu người muốn sở hữu căn hộ 7 tỷ đồng giống như cậu mà chỉ dám bén mảng tới trong giấc mơ, thì cậu em cười khì khì.

Khổ quá, sáng nào em xuống bãi cỏ để tập thể dục, ngồi uống café ở bãi cỏ trước nhà thì đều bắt gặp vài bãi phân chó. Đề nghị dân cư không được nuôi thú cưng, chắn chắn sẽ vấp phải các ý kiến là không biết yêu thương động vật, sống như vậy là ích kỷ. Nhưng chủ nhân của các thú cưng hồn nhiên lắm, họ để thú cưng đi vệ sinh lộ thiên khắp các bãi cỏ, thì những người khác làm sao có thể chịu nổi. “Chắc em phải bán nhà sớm, chuyển về nhà phố của ông bà bên quận 6 thôi”.

Lại nói về nhà phố, thực sự chắc gì đã tránh được các việc tương tự thế này. Ngày nào đi làm về, tôi cũng đi qua 1 con phố khá sầm uất gần nhà, và lần nào tôi cũng để ý tới căn nhà kế bên quán lẩu dê ở một ngã tư đông người tới thưởng thức.

Quán nằm 2 mặt tiền, đuôi quay lưng với căn nhà ở mặt bên hông. Vì là bán quán, nên nguyên thùng rác và nhà vệ sinh để ở phía cuối nhà, nghĩa là kế bên cửa chính nhà phía sau. Thử hình dung, lúc nào mở cửa ra cũng là các hình ảnh và mùi vị không dễ chịu chút nào, thì chủ nhân căn nhà tội nghiệp kia hẳn phải ức chế lắm. Tôi chưa khi nào thấy họ mở cửa, cánh cửa sắt và gỗ đóng im ỉm suốt ngày. Có thể, họ muốn bán vô cùng để chuyển ra chỗ khác, nhưng người mua nhìn cảnh đó cũng chạy ngay không dám quay lại trả giá. Căn nhà mặt phố đang đẹp vậy, mà tự dưng bị ông bán quán lẩu dê phá giá kinh hoàng. Giày dép có số đã đành, căn nhà cũng có số phận đó, đừng đùa.

Sống bên cạnh những ý thức quá hồn nhiên ảnh 1

Dù sống ở chung cư hay nhà đất, để có cộng đồng sống văn minh, hiện đại, đầu tiên phải do ý thức của mỗi người. Ảnh: Dũng Minh

2. Khi đi mua nhà, bao giờ người mua cũng muốn tìm hiểu coi, lý do vì sao người bán lại muốn bán đi tài sản của mình. Cũng giống như mua chiếc xe hơi đã qua sử dụng, mọi người thường tra lịch sử của chiếc xe, coi có bị tai nạn gì chưa, có ngập trong trận lụt nào chưa.

Nhiều người mua nhà rất thích mua của những người đang ăn nên làm ra, họ vì chuyện này chuyện kia mà bán căn nhà, chứ không phải là quá cần tiền. Và nhiều người thì lại sợ mua nhà của những người tán gia bại sản, vì sợ lấy luôn cả cái không hên của chủ nhà trước. Tất nhiên, việc này chỉ có ý nghĩa với những người nặng suy nghĩ về việc mua căn nhà để ở cả đời.

Còn với các nhà môi giới hoặc người đầu tư bán lại, họ quan tâm trước tiên là giá cả, sau đó hàng loạt các yếu tố pháp lý khác liên quan. Thậm chí, người bán phải vội vàng bán trong tình cảnh không thể khác hơn được nữa, thì người mua lại càng khoái, vì rất có thể, họ sẽ mua được giá hời.

Nhưng, với hàng xóm láng giềng sống kế bên tài sản, thì không có sự lựa chọn nào cả. Những ý thức quá hồn nhiên khiến cộng đồng dân cư xung quanh bị ảnh hưởng ít nhiều. Và tưởng như phi lý khi cho rằng, cộng đồng dân cư có văn minh được hay không, phụ thuộc vào số đông, chứ không phải thiểu số thiếu ý thức.

Số đông mới khó cải tạo, vì ai cũng nghĩ, người ta cho chó đi phóng uế ngoài bãi cỏ được, thì mình cũng vậy, phần còn lại thì ngại đụng chạm, nên im lặng chịu đựng, vô thức tạo thành quần thể cư dân không biết hoàn thiện môi trường văn minh.

Nên, chọn nhà để ở, cũng có khi là sự may rủi, không khác lắm hôn nhân. Chỉ khi nào sống chung rồi, có khi mới phát hiện ra nhiều điểm quá khác biệt. Than ôi, lúc đó đi thì cũng dở, mà ở không xong!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan