Sao lại yêu cầu phải có 1.000 tỷ đồng mới được đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học

Sao lại yêu cầu phải có 1.000 tỷ đồng mới được đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học

(ĐTCK) Dự thảo Nghị định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với VCCI đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Nhiều ý kiến đang băn khoăn quy định tại dự thảo nghị định về điều kiện Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng rất có thể sẽ lại tạo ra rào cản đối với nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Xuân Vang - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo.

Dự thảo gồm 71 Điều, 6 chương, nhằm khắc phục, sửa đổi những bất cập trong quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 
Theo ông Võ Thanh Bình - Trưởng ban Tổ chức Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, về cơ bản, Hiệp hội tán thành các nội dung đã được đề xuất trong dự thảo, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề còn chưa hợp lý, chưa sát với thực tế, một số nội dung còn thiếu thống nhất giữa các Điều, Khoản. 

Sao lại yêu cầu phải có 1.000 tỷ đồng mới được đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học ảnh 1

Ví dụ như tại Chương II: Liên kết đào tạo và Chương III: Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài với yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo thực sự được giao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình như quy định trong Luật giáo dục đại học.

Góp ý về Điều 11: Cơ sở vật chất, thiết bị, ông Bình cho rằng, cơ sở vật chất, thiết bị sử dụng trong liên kết đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của ngành, nghề đào tạo, không làm ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo chung của cơ sở giáo dục Việt Nam. Vì vậy, không nên quy định cứng nhắc, nên bỏ bớt những phần không cần thiết.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giảm thiểu, thay đổi một số nội dung tại các Khoản của Điều 32, 33 theo hướng đỡ phiền hà, gây rào cản, phát sinh tiêu cực làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục cũng có ý kiến về Quy định điều kiện Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện chứng minh khả năng tài chính theo quy định của Luật Đầu tư.

Theo nhiều doanh nghiệp, các điều kiện đầu tư có tham khảo đầu tư trong nước. Mục tiêu là đầu tư nước ngoài có chất lượng đầu tư cao. Vì vậy, các quy định tại Mục 2 cần phải mềm dẻo, không quy định cứng nhắc do điều kiện tiếp cận nguồn lực (người dạy, tài chính, địa điểm, địa bàn hoạt động, trang thiết bị của cơ sở giáo dục, phương pháp tổ chức dạy, học, nghiên cứu… của các cơ sở giáo dục đầu tư nước ngoài có nhiều thế mạnh và thuận lợi hơn).

Luật sư Nguyễn Kim Dung - Giám đốc pháp chế của Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc cho rằng, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng là hợp lý nhưng quy định về việc xác định nguồn vốn chưa hợp lý khi yêu cầu xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư.

Việc xác định bằng tiền mặt chưa hợp lý. Việc xác định bằng tài sản đã chuẩn bị để đầu tư cũng chưa hợp lý trong giai đoạn xin cấp phép đầu tư và thành lập vì giai đoạn này chỉ là đề án thành lập, có đủ cơ sở pháp lý, việc đầu tư mới được triển khai thực sự. 

 - Luật sư Nguyễn Kim Dung - Giám đốc pháp chế của Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc

Khi vào Việt Nam, trong giai đoạn xin cấp giấy phép đầu tư và thành lập, nhà đầu tư có thể chứng minh họ có đủ nguồn vốn minh chứng bằng báo cáo kiểm toán (tài sản sở hữu và vốn chủ sở hữu) cộng với nguồn vốn vay (nếu có) để chứng minh họ có đủ khả năng đầu tư thành lập trường.

"Việc xác định bằng tiền mặt chưa hợp lý. Việc xác định bằng tài sản đã chuẩn bị để đầu tư cũng chưa hợp lý trong giai đoạn xin cấp phép đầu tư và thành lập vì giai đoạn này chỉ là đề án thành lập, có đủ cơ sở pháp lý, việc đầu tư mới được triển khai thực sự. Đây là quy trình hợp lý để thực hiện một dự án đầu tư", bà Dung nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, đại diện trường Đại học RMIT Việt Nam kiến nghị giữ mức tổng vốn đầu tư của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài như được quy định tại Nghị định 73 là 300 tỷ đồng.

Theo đại diện trường RMIT, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng như trong Dự thảo có thể sẽ trở thành rào cản đối với các nhà đầu tư giáo dục nước ngoài, không khuyến khích đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại các địa phương không phải là các thành phố lớn của Việt Nam.

Tin bài liên quan