Rác chung, rác riêng và ý thức của người dân thành thị Việt Nam

Rác chung, rác riêng và ý thức của người dân thành thị Việt Nam

(ĐTCK) Có lẽ trong đầu của nhiều thị dân Việt Nam, chỉ cần nhà mình sạch là được, rác ngoài đường, chỗ công cộng đâu có ảnh hưởng gì.

Trên đường Giải Phóng, Hà Nội, một chiếc sedan đen bóng, sang trọng hiệu BMW chạy bon bon trên đường. Bỗng nó giảm tốc và cửa kính sau hé mở, một cánh tay phụ nữ thò ra, vứt bẹt xuống đường một gói nylon bên trong có cốc cà phê uống dở hay đại loại như thế. Chất lỏng nâu đục bắn tung tóe. Cửa kính kéo lên và chiếc xe tăng ga.

Có hai điều rút ra: Những người trên xe hẳn là rất giàu có, nhưng văn hóa của họ thì không nhiều như túi tiền.

Điều đáng buồn là ở xứ ta, đâu đâu cũng có những người thiếu ý thức như thế, dù họ giàu hay nghèo. Chung cư nơi tôi ở cũng được xem là xanh bởi có công viên, tỷ lệ cây xanh, thảm cỏ chiếm một nửa diện tích khu đô thị. Nhiều bạn bè đến chơi đã phải thốt lên thèm thuồng vì ngay tại Hà Nội, cách hồ Gươm, trái tim Thủ đô, chỉ 10 km, lại có một không gian xanh đến thế.  

Những nhà phát triển khu đô thị đã gần như “bê nguyên” mô hình khu đô thị của Hàn Quốc về làm hình mẫu áp dụng trong việc thiết kế, thi công khu đô thị này.

Nhưng cảnh quan đẹp, gọn gàng vẫn không khiến những người thiếu ý thức chùn tay trong việc xả rác. Các nhân viên lao công bắt đầu kêu ca vì người ta xả rác lung tung ra công viên. Họ bỏ lại cốc cà phê nhựa uống dở, bỏ lại mớ túi nylon đựng thức ăn mỗi khi ra bãi cỏ “picnic”. Thậm chí, có đủ thùng rác, nhưng rác vẫn bị bỏ ngay cạnh đó, chềnh ềnh trên mặt đất.

Có một điều tôi cho là rất kỳ cục, thể hiện sự nhỏ mọn trong đầu óc một bộ phận lớn thị dân Việt Nam: Nhiều người giữ nhà cửa sạch như lau như ly, nhưng chỉ cần ra ngoài một cái là không ngại xả rác lung tung. Có lẽ trong đầu của họ, chỉ cần nhà mình sạch là được, rác ngoài đường, chỗ công cộng đâu có ảnh hưởng gì.

Nhiều người dân đô thị Việt Nam giữ nhà cửa của mình sạch như lau như ly, nhưng chỉ cần ra ngoài một cái là không ngại xả rác lung tung   

Nhưng tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn đã cho thấy hậu quả của sự thiển cận đó. Nhà anh sạch nhưng anh làm bẩn môi trường thì cuối cùng đâu còn sạch nữa, bởi gia đình anh, con cái anh vẫn phải hít thứ không khí đầy chất độc hại, đầy bụi mịn mà anh là một trong các thành phần góp phần tạo ra nạn ô nhiễm đó bằng nhiều loại hành vi.

Người lái xe không chấp hành luật và quy định, chở đất cát, vật liệu xây dựng không che đậy, người chủ nhà đang thi công không che chắn công trình cẩn thận, người đổ rác không đổ rác đúng chỗ, đúng cách… Tất cả tạo nên một bộ mặt đô thị đầy rác, bụi bẩn và ô nhiễm. Suy rộng ra, đó là hình ảnh quốc gia. Đất nước không gọn gàng cũng giống hệt một gia đình ăn ở luộm thuộm và đó là biểu hiện của văn hóa, hay nói chính xác hơn là sự thiếu hụt văn hóa.

Ai có dịp ra nước ngoài sẽ thấy ngay là rất nhiều quốc gia sạch sẽ hơn, ngăn nắp hơn chúng ta. Và ở đâu có sự ngăn nắp, sạch sẽ, nơi đó tồn tại ý thức rất rõ ràng về việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ ngôi nhà chung không kém gì chăm chút cho ngôi nhà riêng.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, thậm chí là Thái Lan hay Trung Quốc, đường phố của họ luôn gọn gàng hơn ở ta. Hãy lấy Hàn Quốc làm ví dụ. Nói cho cùng, sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên của họ không bằng Việt Nam, nhưng vì sao lên phim, cảnh Hàn đẹp thế? Là một phần bởi sự ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, nên đường phố, nhà cửa, cây cối, trông vừa sạch sẽ, vừa lãng mạn, làm nền rất tốt cho diễn viên trong các câu chuyện tình éo le và lãng mạn của phim ảnh “thị trường” xứ Hàn, vốn làm điên đảo khán giả khắp châu Á.

Tại Hàn Quốc, đổ rác không chỉ đơn thuần là một hoạt động sống, mà nhiều người nói nó còn được nâng lên thành văn hóa. Ngay từ nhỏ, trẻ em Hàn đã được giáo dục về “văn hóa đổ rác”, từ cách nhận biết các chất liệu, cách thu gom, phân loại rác và ý thức để rác đúng nơi, đúng chỗ. Đổ rác không đúng quy định, sẽ bị phạt rất nặng. Ngay cả những lễ hội, hay các sự kiện lớn có đến hàng ngàn người tham gia, nhưng họ không hề vứt rác bừa bãi như ở Việt Nam.

Sự sạch sẽ ngăn nắp của đất nước Hàn Quốc đến từ mấy yếu tố: Hệ thống xử lý rác khoa học, thân thiện môi trường; luật pháp khắt khe với hành vi đổ rác, phân loại rác và tạo ra sự công bằng trong chuyện đổ rác; ý thức cao của người dân.

Nói đơn giản là, ai xả rác nhiều thì phải đóng thuế nhiều, phải chi trả nhiều tiền hơn. Trong khi đó, ở Việt Nam, mỗi hộ gia đình ở thành phố đều bổ đầu nhân khẩu tính tiền, bất kể xả nhiều xả ít, có ý thức bảo vệ môi trường hay không. Đây là điều không hề hợp lý, không khuyến khích nâng cao ý thức.

Tôi đã chứng kiến những bạn trẻ ở TP.HCM ăn kẹo cao su, hay trái cây khi đi đường, nhưng bỏ rác vào ba lô, đợi khi nào nhìn thấy thùng rác mới bỏ vào. Một bác cựu chiến binh ở TP.HCM từng nói, đã suy nghĩ nhiều khi thấy hình ảnh người phụ nữ trung niên uống xong ly nước mía tiện tay quẳng luôn chiếc ly nhựa xuống đường, trong khi một em học sinh nhỏ cầm trên tay hộp sữa đã uống hết đợi lúc xuống xe tìm thùng rác bỏ vào. Tại Hà Nội, tôi cũng chứng kiến những hành động có ý thức của nhiều người trẻ ngày nay.

Điều đó cho thấy, tất cả phụ thuộc vào ý thức và từ ý thức dẫn đến hành vi đúng. Bảo vệ môi trường sống là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và của cải của chính chúng ta, của cả đất nước. Chính vì thế, đó là một công việc quan trọng hàng đầu.

Hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, vì sao nước họ làm được mà chúng ta không? Công thức để có một môi trường sạch sẽ, ngăn nắp đã có (cứ nhìn gương Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác), vấn đề là phải quyết tâm thay đổi và quyết tâm thực thi.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan