Những điều cần lưu ý để tránh phạm luật khi du lịch nước ngoài

Ở một số quốc gia, xả rác, vẽ bậy ở nơi công cộng có thể khiến du khách bị phạt tới hàng nghìn USD, thậm chí là tù giam.

Singapore 

Singapore nổi tiếng là một đất nước xanh, sạch đẹp, hiện đại và có tỉ lệ tội phạm thấp bậc nhất thế giới. Luật pháp và những hình phạt nghiêm khắc đóng vai trò quan trọng để bảo vệ môi trường và an ninh ở quốc đảo này. Những hành vi xả rác, khạc nhổ, đi tiểu nơi công cộng, vẽ bậy hay nhai kẹo cao su, mang sầu riêng lên các các phương tiện công cộng đều bị coi là vi phạm pháp luật, với những hình phạt như tù giam, đánh roi mây, lao động công ích và phạt hành chính. Cụ thể, mức phạt cho hành vi xả rác, khạc nhổ, hút thuốc nơi công cộng... lên tới 1.000 SGD (khoảng 17 triệu đồng).

Những người vẽ graffiti nơi công cộng có thể bị tù giam và đánh roi vì hành vi phá hoại. Năm 2015, 2 du khách người Đức đã bị kết án 9 tháng tù giam và nhận 3 roi vì phun sơn lên một toa tàu của Singapore. Ngoài ra, hệ thống thang máy công cộng ở đây còn có thiết bị phát hiện nước tiểu. Khi có người vi phạm, thiết bị lập tức phát cảnh báo và đóng cửa cho tới khi cảnh sát đến làm việc, mức phạt là 500 SGD (hơn 800.000 đồng). Ảnh: Amazon UK.

Thái Lan

Trong nhiều thập kỷ, Thái Lan đã trở thành thỏi nam châm du lịch, thu hút hàng chục triệu khách quốc tế mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng du khách gia tăng đã tạo nên những thách thức về bảo vệ môi trường. Vào tháng 2/2018, chính phủ Thái Lan chính thức ban hành luật cấm hút thuốc và xả rác tại 24 bãi biển nổi tiếng thuộc 15 tỉnh. Những người vi phạm sẽ bị truy tố, phạt tới 100.000 Baht (hơn 75 triệu đồng) và đối mặt với án tù một năm. Đối với trường hợp xả rác bừa bãi, người vi phạm có thể bị phạt tới 2.000 Baht (khoảng 1,5 triệu đồng). Ảnh: Asian Age.

Bhutan

Theo Sở Lâm nghiệp và Dịch vụ công viên Bhutan (DoFPS) vào tháng 12/2016, đất nước này đã tiến hành một chiến dịch làm sạch toàn quốc. Trong đó, một số khoản phạt và hình phạt đã được sửa đổi. Mức phạt cho việc vứt rác, đi vệ sinh nơi công cộng là 100 Nu (khoảng 34.000 đồng) mỗi người, đổ rác và chất thải không đúng nơi quy định bị phạt 500 Nu (khoảng 170.000 đồng). Ảnh: Travel Jonny.

Maldives

Ở thiên đường du lịch Maldives, hành vi vứt và đổ rác bừa bãi sẽ bị phạt tiền và công bố danh tính, hình ảnh trên mạng xã hội. Mức phạt ban đầu khi vi phạm là 300 MVR (450.000 đồng) và 500 MVR (750.000 đồng) cho những trường hợp tái phạm nhiều lần. Tiền phạt có thể tăng lên nếu trong rác thải có chứa chất nguy hiểm. Theo cơ quan Bảo vệ môi trường EPA, hình phạt này đã giúp giảm thiểu những hành vi xả rác trên quốc gia của họ. Trên ảnh là rác thải trên đường phố Malé, được công bố bởi EPA. Ảnh: EPA.

Australia

Theo đạo luật rác thải năm 1979, xả rác ở bang Western Australia là vi phạm pháp luật. Trong đó, luật đã quy định rõ xả rác có nghĩa là để lại những đồ vật, vật liệu không mong muốn trên đất và nước. Khi phát hiện vi phạm, chính quyền địa phương, cảnh sát, cơ quan KABC có thể phạt tại chỗ hoặc gửi biên bản phạt nguội. Mức phạt cao nhất lên tới 5.000 AUD (khoảng 80 triệu đồng). Ảnh: Commons Wikipedia.

Anh

Theo BBC, mỗi năm Anh phải chi khoảng 680 triệu bảng (hơn 21 nghìn tỉ đồng) để xử lý rác thải và giữ vệ sinh đường phố. Vì vậy, vào đầu tháng 4/2018, chính phủ nước này đã công bố tăng tiền phạt từ 80 bảng (hơn 2 triệu đồng) lên 150 bảng (hơn 4 triệu đồng) cho hành vi vứt rác bừa bãi. Hình phạt này cũng áp dụng đối với các chủ phương tiện nếu rác thải bị ném hoặc rơi ra từ xe của họ. Ảnh: Shutter Stock.

Pháp

Đầu tháng 10/2015, Pháp đã chính thức phát động chiến dịch chống rác thải và tàn thuốc lá. Trong đó, cảnh phát đã phát tờ rơi để thông báo về mức phạt mới, lên tới 68 Euro (hơn 1,8 triệu đồng) cho một lần vi phạm. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng trang bị thêm 30.000 thùng rác dập tàn thuốc và phát miễn phí hơn 15.000 gạt tàn cho người dân và khách du lịch. Trước đó, khi mức phạt là 35 Euro (gần 1 triệu đồng), có khoảng 350 tấn thuốc lá bị vứt bỏ trên đường phố Pháp mỗi năm. Ảnh: Ligal.

Mỹ

Theo Hội nghị lập pháp quốc gia Mỹ (NCSL), hàng năm các tiểu bang phải chi hàng triệu USD để làm sạch đường phố, công viên và những khu vực ven biển. Trong đó, các loại rác thải chủ yếu là bao bì thực phẩm, chai, túi nhựa và thuốc lá. Không chỉ tốn kém khi xử lý, các loại rác có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

Để ngăn chặn hành vi này, các bang của Mỹ đã tạo ra quy định khác nhau, căn cứ vào khối lượng rác và mức độ vi phạm. Hình phạt nhỏ nhất là dọn rác công ích, nặng hơn là phạt hành chính, tước giấy phép lái xe và tù giam. Ví dụ ở California, người vi phạm lần đầu sẽ bị phạt từ 100 – 1.000 USD (khoảng 2,3 đến 23 triệu đồng) và 8 giờ công ích phục vụ cộng đồng. Tái phạm trong 3 năm tiếp theo, mức phạt tăng lên 200 – 2.000 USD (từ 4,6 đến hơn 46 triệu đồng) và 24 giờ lao động công ích. Ảnh: California Trip.

Tin bài liên quan