Một nhóm trợ lý gồm 13 người đã thử đánh rơi 17.000 chiếc ví ở nhiều quốc gia trong thử nghiệm này. Ảnh: Shutterstock.

Một nhóm trợ lý gồm 13 người đã thử đánh rơi 17.000 chiếc ví ở nhiều quốc gia trong thử nghiệm này. Ảnh: Shutterstock.

Mất ví càng nhiều tiền, càng dễ được trả lại

Những chiếc ví có chứa khoảng 94 đôla, khi bị mất có hơn 70% số người trả lại, nhiều hơn 26% so với những ví không có đồng nào.

Trong chiếc ví bị mất càng có nhiều tiền, khả năng người ta trả lại nó càng lớn. Đó là kết luận được các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan, Đại học Zurich công bố trên tạp chí uy tín Science của Mỹ ngày 20/6.

Các nhà nghiên cứu đã "giả vờ đánh rơi" 17.000 chiếc ví tại 355 thành phố ở 40 quốc gia trong hơn 2 năm và theo dõi tần suất người nhặt được liên lạc với chủ sở hữu.

Một số chiếc ví không chứa tiền, trong khi một số có khoảng 13 đôla. Những chiếc ví có kích thước nhỏ, bên trong chứa một vài danh thiếp, ghi tên, địa chỉ email, có trường hợp để thêm chìa khóa. Đội trợ lý đã đánh rơi ví ở những nơi công cộng, rất dễ để trình báo như đồn cảnh sát, khách sạn, bưu điện, nhà hát...

Kết quả cho thấy tại 38/40 quốc gia, người ta có xu hướng trả lại cao hơn khi nhặt được những chiếc ví có tiền, so với ví trống không. Các con số lần lượt là 51% và 40%. 

Vậy khi ví có nhiều tiền hơn, người nhặt ví sẽ phản ứng thế nào? Các nhà nghiên cứu tiếp tục làm các thí nghiệm lớn hơn ở Mỹ, Anh và Ba Lan để giải đáp. Đội hỗ trợ đã đánh rơi những chiếc ví có khoảng 94 đôla tại các điểm công cộng.

"Có tới 72% số người trả lại khi nhặt được ví có khoảng 94 đôla, tiếp đó là 61% người trả lại khi ví chứa 13 đôla và 46% ví không chứa tiền được trả lại", ông Alain Cohn, phó giáo sư về kinh tế tại Đại học Michigan và cũng là tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Lý giải về điều này, ông Alain Cohn cho hay "mọi người có xu hướng quan tâm tới cảm xúc của người bị mất ví và có ác cảm khi cảm giác mình là một tên trộm".

Một nhà nghiên cứu khác, Christian Zuend ở Đại học Zurich, cho biết hầu hết mọi người nhặt được ví "đột nhiên cảm thấy mình như vừa ăn cắp". Cảm giác đó càng nặng nề khi trong ví càng có nhiều tiền.

Khi nhóm nghiên cứu thử nghiệm đánh rơi một số ví chỉ chứa một chiếc chìa khóa, số trường hợp trả lại cao hơn 10% so với trường hợp nhặt được ví không có chìa khóa. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng mối quan tâm đối với người khác đóng một vai trò lớn với người nhặt, vì không giống như tiền, chìa khóa thực sự có giá trị đối với chủ sở hữu của nó.

Tin bài liên quan