Dự án tin học của VAPs.

Dự án tin học của VAPs.

Mang việc làm đến người tự kỷ

(ĐTCK) VAPs là tên của Dự án mô hình kinh tế cho người tự kỷ tại Việt Nam. VAPs đang trở thành dự án tiên phong đưa người tự kỷ tới các công việc mang tính chất ổn định, với kỳ vọng người tự kỷ cũng được lao động, được cống hiến sức mình trong những môi trường làm việc phù hợp, để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. 

Nỗi niềm người tự kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder (ASD) là một loại khuyết tật phát triển suốt đời, do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ.

Rối loạn phổ tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.

Với những suy nghĩ có phần định kiến và mơ hồ, hiện tại, người tự kỷ gần như không có cơ hội để có được việc làm.

Đây đó có một vài dự án nhỏ mang tính từ thiện hoặc tạo một vài không gian giao lưu giữa các nhóm trẻ em mắc cùng căn bệnh, tuy nhiên, để nghĩ tới việc đào tạo và tìm việc làm cho người tự kỷ thì VAPs là dự án tiên phong tại Việt Nam.

Một thống kê năm 2018 của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ cho thấy, tỷ lệ trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ đang ngày càng tăng.

Cứ 59 trẻ thì có một em bị bệnh tự kỷ, lớn hơn so với tỷ lệ 1 trong 68 trẻ năm 2014. Còn ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: "Chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng lên”.

Tại VAPs, mô hình nhà hàng nơi người tự kỷ thực hiện tất cả các công việc từ A-Z đang chứng tỏ hiệu quả tốt.

Trong thời gian tới, VAPs dự định mở rộng thêm một số lĩnh vực, trong đó có cửa hàng bán đồ văn phòng phẩm, siêu thị…

Để làm việc với người tự kỷ, phải an nhiên về tinh thần, an nhiên về vật chất, có vậy mới có thể trở thành “đồng nghiệp” của họ

Andy Trung, Tổng giám đốc VAPs

Điều đáng nói là số trẻ em được chẩn đoán tự kỷ tăng rất nhanh trong một thập kỷ qua.

Theo PGS.TS Phạm Minh Mục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, việc nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000 - 2007 cho thấy, thực tế số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm 7 năm trước đó.

Xu thế mắc cũng tăng nhanh, tăng từ 122 - 268% trong giai đoạn 2004 - 2007 so với năm 2000.

Tuy nhiên, cũng do chứng tự kỷ vẫn còn rất mơ hồ trong nhận thức của người Việt Nam nên so với con số sơ tính trên, thống kê của một số tổ chức nước ngoài về trẻ tự kỷ ở Việt Nam còn lớn hơn nhiều.

Đáng chú ý, theo thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ cao nhất ở trường học, trẻ tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường, nhưng con số đó cũng chưa nói lên hết thực trạng vì còn rất nhiều trẻ bị bị rối loạn phổ tự kỷ không thể đến trường khi đến tuổi đi học.

Trong khi đó, chưa có chương trình giáo dục riêng, giáo viên có kỹ năng chuyên biệt và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để phục vụ quá trình giáo dục - đào tạo kỹ năng cho người tự kỷ.

Autism Speaks, tổ chức nghiên cứu khoa học và bảo vệ quyền lợi của người tự kỷ chia sẻ, ước tính việc chăm sóc những người tự kỷ đòi hỏi cộng đồng chi trả khoảng 126 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2012 (số liệu mới nhất), cao gấp 3 lần so với năm 2006. Chi phí trung bình dành cho mỗi người tự kỷ trong cuộc đời họ vào khoảng 2,3 triệu USD tại Mỹ và 2,4 triệu USD tại Anh.

Trong bối cảnh này, việc hỗ trợ việc làm dành cho người tự kỷ không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp người tự kỷ có được một cuộc sống, công việc trọn vẹn, mà còn là bài toán kinh tế để giảm bớt các gánh nặng xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của người tự kỷ hiện vào khoảng 85 - 90%. Phần còn lại chủ yếu là các công việc bán thời gian, thời vụ, không ổn định.

Mang việc làm đến người tự kỷ  ảnh 1

Mọi công việc ở nhà hàng đều được người tự kỷ thực hiện.

Nghĩ xa, làm chậm

Tại Việt Nam, VAPs ra đời nhằm tạo ra việc làm, tuyển dụng… dành cho người tự kỷ. Mục tiêu của dự án là xây dựng các mô hình kinh tế thí điểm nhằm nâng cao nhận thức về tự kỷ tại Việt Nam thông qua các mô hình kinh tế (sản phẩm - dịch vụ); tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp như người thường dành cho người tự kỷ;

Xây dựng quy trình tuyển dụng cho người tự kỷ để có thể nhân rộng tới các tổ chức kinh tế; tiến hành nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế có liên quan tới môi trường làm việc dành cho người tự kỷ.

Andy Trung, Tổng giám đốc VAPs chia sẻ, sự thiếu hụt nhân sự hỗ trợ hay người dẫn dắt (Mentor) người tự kỷ để bù đắp những mặt hạn chế, rào cản khó khăn và các kỹ năng khác phục vụ trong công việc đang là câu hỏi lớn với Dự án mô hình kinh tế VAPs.

Những người dẫn dắt này giúp người tự kỷ đến gần hơn với các công ty tuyển dụng và tăng cơ hội việc làm.

Đồng thời, các công ty tuyển dụng có thể hiểu hơn về tự kỷ và các cá nhân mong muốn làm việc tại công ty của họ.

Đây là lý do, dù có chiến lược bài bản và cụ thể trong việc thực hiện các mô hình kinh tế thí điểm nhằm tạo công ăn việc làm cho người tự kỷ theo phương thức chọn mẫu và sàng lọc, nhưng VAPs vẫn đang đi những bước chậm rãi trong những năm gần đây.

Theo đó, yếu tố đắt giá nhất đối với dự án là con người, bao gồm người hướng dẫn có kiến thức bài bản, thấu hiểu thế giới của người tự kỷ và cả sự đồng hành cùng gia đình của người tự kỷ.

“Để làm việc với người tự kỷ, phải an nhiên về tinh thần, an nhiên về vật chất, có vậy mới có thể trở thành “đồng nghiệp” của người tự kỷ”, ông Trung chia sẻ.

Nhân sự chất cho khát vọng mở rộng hoạt động

Hiện tại, VAPs đang thực hiện một số dự án bao gồm nhà hàng, thư viện và chương trình đào tạo việc làm trong lĩnh vực IT.

Thực tế cho thấy, người tự kỷ có một số kỹ năng rất phù hợp với một số vị trí công việc nhất định, với khả năng hoàn thành công việc tốt và chất lượng cao.

Theo đó, người tự kỷ có khả năng tập trung rất tốt vào các chi tiết, phù hợp với công việc mang tính tuần tự, có thời gian và công thức thực hiện rõ ràng.

Trong môi trường công việc, người tự kỷ rất đúng giờ và đáng tin cậy, bên cạnh những kỹ năng đặc biệt riêng của mỗi người.

Đây cũng là lý do tại một số thị trường phát triển, người tự kỷ thường được lựa chọn tuyển dụng vào một số vị trí nhất định.

Chẳng hạn, với công việc rửa xe, người làm chủ thường đau đầu khi người lao động hay chủ quan/lười biếng bỏ bớt các bước, không trung thực (lấy đồ của khách hàng để trên xe…) và thường nghỉ việc sau một thời gian làm việc vì đòi hỏi thu nhập và vị trí tốt hơn.

Tuy nhiên, với lao động là người tự kỷ, các bước thực hiện việc rửa xe sẽ được thực hiện tuần tự, đầy đủ, chính xác; luôn trung thực và thường gắn bó lâu dài, bởi không có nhiều đòi hỏi về nhu cầu cá nhân.

Tại VAPs, mô hình nhà hàng nơi người tự kỷ thực hiện tất cả các công việc từ A-Z đang chứng tỏ hiệu quả tốt.

Trong thời gian tới, VAPs dự định mở rộng thêm một số lĩnh vực, trong đó có cửa hàng bán đồ văn phòng phẩm, siêu thị…

Nếu như giai đoạn 2018 - 2019 là thời gian đầu tư, thử nghiệm, thì bước sang năm 2020, VAPs sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong và ngoài nước để các mô hình kinh tế hoạt động mang lại hiệu quả tốt và mở rộng hơn nữa.

Tin bài liên quan