Trẻ em cũng có thể bị xem những video có nội dung xấu trên mạng xã hội như Youtube. Ảnh: Straight Times.

Trẻ em cũng có thể bị xem những video có nội dung xấu trên mạng xã hội như Youtube. Ảnh: Straight Times.

Lý do cha mẹ nên học CEO Facebook không đăng ảnh con lên mạng xã hội

Ngoài CEO Facebook, nhiều CEO công nghệ nổi tiếng cũng kịch liệt phản đối việc đăng ảnh con và cho các con sử dụng mạng xã hội.

Nhiều người vẫn có thói quen đăng ảnh con cái, gia đình lên trên các mạng xã hội Facebook, Instagram, Snapchat... để chia sẻ, khoe với mọi người. Nhưng chính những người sáng lập ra các mạng xã hội ấy lại rất hạn chế đăng hình ảnh về con họ. 

Trên trang cá nhân hơn 118 triệu người theo dõi của CEO Facebook Mark Zuckerberg, hiếm hoi mới thấy ảnh của hai bé Max và Augustus. Thường phải nửa năm, thậm chí gần một năm, Mark mới đăng ảnh con. Lần gần đây nhất, anh đăng hình đôi tất có in hình con gái nhân ngày Father's day. Trước đó, status có ảnh của con từ tận tháng 11/2018.

Vợ anh Priscilla Chan, thậm chí không đăng bức ảnh nào rõ mặt các con, hầu hết được chụp từ phía sau, hoặc góc nghiêng. Bức ảnh mới nhất trên Facebook của cô chụp hai con đang chơi cùng nhau, từ trên cao xuống.

Ngày 9/5 vừa qua là sinh nhật một tuổi con trai của Evch Spiegel, CEO Snapchat và người mẫu Miranda Kerr. Tất cả hình ảnh người hâm mộ có thể thấy là chiếc bánh kem có in chữ "Happy Birthday Hart", chứ không có bất cứ hình ảnh nào về cậu bé đáng yêu. Cựu nữ hoàng nội y có 12 triệu người theo dõi trên Instagram, gần 8 triệu người thích trên Facebook nhưng cũng chưa từng chia sẻ bức ảnh nào về con trai mình. 

CEO Apple Tim Cook không có con nhưng ông cũng quán triệt rõ việc không sử dụng mạng xã hội cho cháu mình. Ông chia sẻ quan điểm này đầu năm 2018, trong một buổi trò chuyện tại một trường học ở Anh: "Có một số thứ tôi sẽ không cho phép nó sử dụng. Tôi sẽ không cho nó dùng mạng xã hội". Lúc đó, cháu của Tim Cook đã 13 tuổi.

Theo vị CEO này, trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ không nên chiếm ưu thế. "Tôi không phải một người cho rằng chúng ta sẽ thành công nếu sử dụng công nghệ mọi thời điểm", CEO Apple cho biết.

Trước Tim Cook, nhiều nhà lãnh đạo bày tỏ quan điểm tương tự về việc hạn chế trẻ em tiếp xúc nhiều với thiết bị công nghệ. Chủ tịch Microsoft Bill Gates nói không cho con mình dùng điện thoại cho đến khi 14 tuổi. Steve Jobs, cố CEO Apple, nói sau ra mắt iPad vào năm 2010 rằng ông cấm bọn trẻ sử dụng nó.

Các CEO hàng đầu có lý do chính đáng để cảnh giác về mạng xã hội. Đầu tháng này, tờ New York Times đăng một câu chuyện về Youtube khiến nhiều bậc phụ huynh phải điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư của họ. Các phóng viên tiết lộ một  thuật toán gợi ý danh sách video phát trên Youtube có thể gây ra những hậu quả khó lường, trong đó có thể đưa hình ảnh về những đứa trẻ bán khỏa thân cho những kẻ ấu dâm.

Christiane C, một bà mẹ ở Brazil, đã không nghĩ gì khi đăng đoạn video con gái 10 tuổi và một người bạn của con, mặc đồ bơi đang chơi đùa cùng nhau lên Youtube. Vài ngày sau, con gái cô chia sẻ video có hàng nghìn lượt xem. Chẳng bao lâu sau có tới 400.000 người, một con số đáng kinh ngạc cho video của một đứa trẻ bình thường trong bộ đồ tắm hai mảnh. Quá sốc trước lượt xem khủng, Christiane đã lập tức dỡ video này xuống.

Lý do cha mẹ nên học CEO Facebook không đăng ảnh con lên mạng xã hội ảnh 1

Những bức ảnh của Priscilla Chan đều không rõ mặt hai con gái. Ảnh: Facebook Priscilla Chan.

"Bất kỳ người dùng nào đã xem một video trẻ em sẽ được thuật toán của Youtube hướng tới hàng chục video khác, liên quan tới nội dung trước đó. Youtube gọi đó là trí thông minh nhân tạo", một nhà báo của New York Times chia sẻ.

Những video được giới thiệu tiếp theo có thể đưa ra các hình ảnh bán khỏa thân của đứa trẻ cho các kẻ ấu dâm. Những kẻ này kết nối với các kẻ ấu dâm khác thông qua phần bình luận dưới các video trên Youtube.

Một bà mẹ khác ở Indiana là Ericka cho biết cô sử dụng Youtube đơn thuần để lưu trữ các video về những đứa con của mình. Các video không bao giờ được chia sẻ công khai và không nhận được lượt xem trước đó. Tuy nhiên, một ngày khi đang tải lên kênh Youtube của mình, cô nhận thấy một trong những video của mình có số lượt xem cực kỳ cao. Đó là video về đứa con trai nhỏ trong bồn tắm.

"Trong video, con trai tôi trông thật ngây thơ, và tôi không nghĩ gì cả. Nhưng một vài ngày sau, tôi quay lại và nhận thấy số lượt xem đã tăng lên đáng kể, hơn 5.000 lượt xem. Nó làm tôi hoảng loạn, và tôi lập tức gỡ nó xuống", Ericka nói.

Jonas Kaiser, một trong ba nhà nghiên cứu tại Trung tâm Internet và Xã hội Berkman Klein của Harvard, cho biết thuật toán này của Youtube có thể gây ra những hậu quả không lường trước. Youtube sau đó đã vô hiệu hóa các bình luận dưới các video về trẻ em.

Jason Howerton, một người cha ở Texas, cũng chia sẻ câu chuyện đáng sợ tương tự. Trong năm đầu tiên con trai ra đời, anh rất muốn chia sẻ hành trình làm cha của mình trên Twitter, nên đăng những hình ảnh và video dễ thương về con trai nhảy múa.

"Tôi vô cùng tự hào khi được làm cha. Tôi thực sự không nghĩ bất cứ gì cho đến khi ai đó lấy hình ảnh khuôn mặt con trai từ trang Twitter của tôi. Và ngay giữa một video xung đột chính trị, đấu tranh đảng phái, khuôn mặt đứa con trai bé bỏng của tôi xuất hiện", Jason chia sẻ.

Anh tâm sự đó là một khoảnh khắc kinh hoàng. "Nhiệm vụ của tôi là làm cha, bảo vệ con trai tôi khỏi mọi mối đe dọa, nhưng tôi không lường trước được hết mọi việc. Khi hình ảnh em bé được chia sẻ, có thể được hàng triệu triệu người truy cập, một số người có thể bị bệnh tâm thần, và con cái bạn sẽ gặp rủi ro", anh nói.

Thực tế, đã có một công ty công nghệ lớn biến trẻ em thành đối tượng tình dục, để dễ dàng câu view và thu hút sự chú ý hơn. Cho đến hiện tại, không nhiều người trên thế giới hiểu hết những nguy hiểm khi lớn lên trong thời đại Internet. Những người hiểu rõ chính là những người tạo nên các nền tảng công nghệ.

Nếu Mark Zuckerberg luôn tránh đăng ảnh con cái lên Facebook, các bậc cha mẹ khác cũng nên làm như vậy. 

Tin bài liên quan