Khu vực kinh tế tư nhân rất cần môi trường để hoạt động hiệu quả hơn, để tạo thêm giá trị cho xã hội, để giàu hơn, lớn mạnh hơn

Khu vực kinh tế tư nhân rất cần môi trường để hoạt động hiệu quả hơn, để tạo thêm giá trị cho xã hội, để giàu hơn, lớn mạnh hơn

Khát vọng thịnh vượng

Người dân Việt Nam đang nói nhiều đến sự thịnh vượng. Khát vọng này của chung các thế hệ người Việt Nam hôm qua, hôm nay và tương lai. Nhiều thế hệ đã đổ xương máu để khát vọng trên không bị ngắt quãng.
Nhưng, hiện thực hóa khát vọng này không dễ. Sau hơn 30 năm Đổi mới, dù đã trở thành thành viên tích cực của nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam vẫn là nền kinh tế chuyển đổi, đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập.
Trong khi đó, thế giới tiếp tục bất định, phức tạp cùng với sự phát triển không giới hạn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế đan xen của toàn cầu hóa…

Cuốn sách Khát vọng Việt Nam 2035, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàngThế giới thực hiện đã đúc rút rằng, Việt Nam chỉ có thể thực hiện được khát vọng của mình nếu có những bước tiến mạnh mẽ trong cải cách, để trở thành nền kinh tế có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới, có tiềm lực và vị thế; trở thành nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân có năng lực cạnh tranh cao và hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu...

Một lần nữa, khu vực kinh tế tư nhân được nhắc tên, được đặt lên vai trách nhiệm của người hiện thực hóa phần quan trọng của khát vọng thịnh vượng. Song con đường để khu vực này thực sự trở thành nhân tố chính làm nên sự thịnh vượng quốc gia vẫn chưa hết gập ghềnh.

Trong thư gửi giới công thương sau ngày lập nước năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng  từng nhấn mạnh, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng tức là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Nhưng, mãi đến năm 1986, thành phần kinh tế tư nhân mới bắt đầu được chính thức gọi tên.

Năm 1999, Luật Doanh nghiệpmới mở ra cơ hội kinh doanh những gì pháp luật không cấm cho người dân. Và tới năm 2017, Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mới xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Trước hơn 1.000 doanh nghiệp tư nhân tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2017 ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói, rằng, Chính phủ luôn nhất quán với mục tiêu đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định song phương, cũng như cam kết của Chính phủ đối với các bạn.

Cam kết này đã được tái hiện rõ nét hơn trong thông điệp hành động của Chính phủ năm 2018, với 10 chữ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”, cùng với đó là hàng loạt kế hoạch cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí kinh doanh… 

Tuy vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, những đòi hỏi cải cách môi trường kinh doanh để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; đòi hỏi tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường, quy luật của giá trị của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển mô hình tăng trưởng mới đang đặt ra nhiều phần việc phải làm.

Sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường, vào hoạt động của doanh nghiệp còn khiến nhiều ý tưởng kinh doanh không thể thực hiện được. Khu vực doanh nghiệp nhà nước, dù đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, nhưng chưa thực sự ngồi đúng vị trí là một khu vực trong nền kinh tế, sử dụng nguồn lực lớn, song hiệu quả chưa cao. Tăng trưởng kinh tế còn chứa đựng nhiều rủi ro, bất ổn, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện.

Phải nhắc lại một đúc rút quan trọng của Cuốn sách Khát vọng Việt Nam 2035 rằng, 20 năm tới là giai đoạn có tính bước ngoặt trong thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để có bước ngoặt đó, khu vực kinh tế tư nhân rất cần môi trường để hoạt động hiệu quả hơn, để tạo thêm giá trị cho xã hội, để giàu hơn, lớn mạnh hơn.

Khát vọng thịnh vượng không chấp nhận sự chậm trễ…

Tin bài liên quan