Huế vẻ đẹp cổ xưa

Huế vẻ đẹp cổ xưa

(ĐTCK) Du lịch hiện đã trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Huế. Tuy nhiên, nếu như một ngày nào đó, Huế không còn gì là cổ xưa, là “chất Huế”, thì du khách có còn mặn mà? Như chính nỗi niềm của nhạc sĩ Võ Tá Hân đã gửi gắm trong bài hát Rất Huế: “Giữ chút gì rất Huế đi em... Dẫu em rất Huế tự bao giờ”.

Có phần cường điệu, nhưng không phải phi lý khi Nguyễn Khắc Phê, một nhà văn xứ Huế đã nói: “Đến Huế mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như chưa đến”.

Ý nhà văn “nhắc khéo” các nhà quản lý du lịch Huế nên “bình dân hóa” các tour du lịch để du khách có dịp thưởng thức được những nét đẹp đích thực của Huế.

Đó chính là nếp sống của người dân Huế xưa còn lưu giữ ở các vương phủ, ở các nhà vườn mang lối kiến trúc xưa. Bởi du khách không chỉ đến Huế để xem các đền đài lăng tẩm của Vương triều Nguyễn, các kỳ festival quốc tế và vịnh Lăng Cô, mà họ còn đến xem liệu người dân Huế ngày nay có còn giữ được “chất Huế” hay không?

Nếu cứ làm du lịch như hiện nay, chẳng khác nào bảo “nàng Huế” đẹp lắm, xinh lắm nhưng lại giấu kỹ đi, chẳng cho du khách có dịp ngắm nhìn. Như nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân từng đưa ra bốn nhận xét về du lịch Huế: Độc đáo không nơi nào có được, các nơi khác cũng có nhưng không bằng Huế, đã được quốc tế công nhận và còn nhiều bí ẩn đang chờ khám phá.

Chẳng hạn, du khách đến Huế không thể không đến thăm khu lăng mộ thái giám ở chùa Từ Hiếu, vì đây được xem là “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam. Hay làng cổ Phước Tích, ngôi làng cổ hơn 500 năm tuổi, vẫn gìn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê cổ Việt Nam. Ở Việt Nam chỉ có thêm làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) cũng thuộc dạng này, nhưng hiện đang bị đô thị hóa một phần.

Bên cạnh đó, Huế có đến hai khu phố cổ là Bao Vinh và Gia Hội. Đối với phố cổ Gia Hội, đây là cả một hệ thống nhà cổ, nhà vườn, chùa chiền, phủ đệ… đặc trưng của người Huế xưa. Còn đối với khu phố cổ Bao Vinh, nơi đây từng là một thương cảng nhộn nhịp nhất xứ Huế, có phần sầm uất hơn cả Hội An của Quảng Nam.

Đó còn là tranh dân gian làng Sình và pháp lam Huế, những “chất Huế” rất riêng và đặc biệt là ca Huế.

Ca Huế từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của người dân xứ Huế. Đó là sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian, là một nghệ thuật văn hóa đặc sắc, nổi bật của xứ Thần Kinh.

Có thể nói, ca Huế đã trở thành “đặc sản” của xứ Huế mộng mơ. Hệ thống bài bản của ca Huế tương đối phong phú với khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc, điệu Nam và một hệ thống “hơi” diễn tả nhiều sắc thái tình cảm đặc trưng, kèm theo đó là một cấu trúc chặc chẽ, đòi hỏi kỹ năng biểu diễn điêu luyện của ca công và nhạc công.

Không chỉ cần tập luyện kỹ thuật hát, ca Huế còn đòi hỏi phải có chất giọng địa phương, vì thế, nếu không phải là người dân xứ Huế, dù có luyện tập thế nào cũng không thể ra được “chất” riêng của ca Huế.

Ngày 22/9/2015, ca Huế đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này tạo cơ hội để tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Bên cạnh đó, Huế còn có một đặc sản khác là mưa. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên”. Còn tác giả Trần Văn Toản trong bài “Mưa Huế, giọt nhớ, giọt thương” đã viết: “Hạt mưa Huế vừa nặng, vừa sâu, từ từ, chầm chậm, trong khi đó cơn mưa Sài Gòn rộ lên rồi tắt làm người ta chưa kịp nhận ra độ nặng nhẹ của giọt mưa. Mưa xứ Bắc thì phơi phới bay, thiếu đi độ nặng, độ dày. Huế vào mùa mưa, đất trời tắm mình trong muôn ngàn hạt dong”.

Cứ thế, mưa trở nên thân thuộc và rất gần với cuộc sống của người dân Huế. Con người Huế sống với mưa, từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất đến cả hoạt động văn hoá giải trí, một điểm khác lạ so với các vùng miền khác ở Việt Nam.

Đúng như tác giả Trần Văn Toản đã khẳng định: “Ai đó đã nói rất đúng rằng đến Huế mà chưa được thăm lăng tẩm Hoàng cung thì coi như chưa đến Huế. Tôi vẫn muốn nói thêm, đến Huế mà chưa được dong duổi trên các con đường để tắm mình trong những cơn mưa rả rích, dìu dịu, lâm thâm thì cũng coi như chưa một lần đến Huế”.

Như một nỗi niềm chung, nhà báo Văn Công Toàn, Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam tại TP. Huế cũng đã viết: “Chưa ướt tóc nghĩa là chưa yêu Huế”.

Bởi thế, ai đó đến thăm Huế mà không phải mùa mưa đều rất nuối tiếc: “Khi mô anh về thăm Huế xưa/Nhớ gửi giùm em một chút mưa… và Hẹn Huế mùa sau sẽ về thăm/Thăm từng cái lạnh giấu trong chăn/Nghe mưa rả rích trong đêm vắng/Để nhớ vô cùng những tháng năm” (thơ của Hồ Đắc Thiếu Anh).

Thêm nữa, những ngôi chùa ở Huế sẽ giúp cho du khách ổn định lại tinh thần, khơi gợi lại niềm tin trong một không gian tối linh thiêng. Bản thân chùa Thiên Mụ cũng là biểu tượng của người dân cố đô.

Về ẩm thực, Huế có bún bò Huế, cơm hến Huế, bánh bèo Huế, bánh bột lọc nhân tôm Huế, thanh trà Huế, mè xửng Huế, chè hạt sen Huế, ruốc Huế, tôm chua Huế và tré Huế. Đây chính là 10 đặc sản ẩm thực lọt vào Top đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (2012). Đặc biệt, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận mè xửng Huế nằm trong Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Mè xửng Huế có nhiều loại như mè xửng giòn, mè xửng gương, mè xửng đen… Khi mua về, thi vị nhất là viên kẹo mè xửng thường được dùng kèm với nước trà nóng (ngon nhất là trà sen Tịnh Tâm) để ngắm cảnh hoặc nhâm nhi từng tí một khi đọc sách và ngẫm nghĩ sự đời.

Do đó, du khách khi đến Huế thường rất thích mua những gói kẹo mè xửng về làm quà cho gia đình, bạn bè. Bởi thế, không lạ khi có một ai đó từng nói: Nếu thấy trong hành lý có một gói mè xửng thì hẳn nhiên người đó mới đi du lịch đến Huế về, không sai vào đâu được. Mặt khác, du khách ghé thăm Huế cũng không thể nào quên các món chay ở vùng đất cố đô. Có ít nhất 30 đến 50 món chay sẵn sàng phục vụ du khách thập phương.

Đến Huế, ai cũng ít nhất một lần đến cầu Tràng Tiền ngắm cảnh. Cầu Tràng Tiền là cây cầu đẹp nhất xứ Huế hiện nay do người Pháp xây dựng thời còn chế độ thuộc địa. Nhiều du khách đã chờ đêm xuống để bắt gặp cầu Tràng Tiền nổi bật và rực rỡ trong bộ cánh lấp lánh đủ sắc màu của muôn ngàn ánh ánh điện lung linh đổi màu liên tục. Có người vì thế đã ví cầu Tràng Tiền về đêm đẹp như một cầu vồng.

Trần Kiêm Đoàn, một nhà nghiên cứu Huế đã từng nhận định rằng: “Trường Tiền là chiếc cầu định mệnh của Huế. Đến Huế mà chưa đứng trên cầu là chưa vô tới Huế, chỉ mới tạt qua Huế mà thôi”.

Đối với du khách đam mê các chứng tích lịch sử, hãy ghé vào Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế. Ở tại nơi đây, du khách sẽ hiểu thêm lịch sử hào hùng của đất và người xứ Huế, biết được nguyên nhân vì sao TP. Huế lại được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu 8 chữ vàng “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Nhiều du khách nước ngoài đã tự mình đạp xe hay đi bộ trên các tuyến đường để tự trải nghiệm sự khám phá nét đẹp Huế cho riêng mình. Và khi được tự trải nghiệm như vậy, họ cảm thấy thích thú vì tự khám phá được hồn xưa nét Huế.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com  

Tin bài liên quan