Hà Nội: Bình yên miền nhớ

Hà Nội: Bình yên miền nhớ

(ĐTCK) Những hàng cúc họa mi mong manh còn sót lại ở sườn đê ngoại thành đã nhẹ buông làn cánh mỏng. Gió bấc vẫn hút dài trên dãy phố quen, đủ để ly trà nóng sưởi ấm không gian quán nhỏ và ngào ngạt tỏa hương. Hình như trên nhánh bàng già khẳng khiu đầu ngõ đã trút  nốt chiếc lá khô cuối cùng để nhường chỗ cho mấy lộc chồi thấp thoáng. Dòng người xe xuôi ngược hôm nay như cũng chậm rãi hơn trước khoảnh khắc giao mùa...

Hà Nội - Bình yên miền nhớ trong sớm mai này như sáng bừng lên với làn nắng mai mỏng mảnh. Nắng non dè dặt ngả mình trên mái nhà cổ thâm nâu, nhảy nhót nô đùa trên ngàn ô kính của những tòa cao ốc đang ngày một nhiều thêm. Năm cuối cùng của thập kỷ thứ hai thiên niên kỷ hai ngàn đã ùa về rất thực.

Đó là lúc trong bao người đã và đang lưu giữ một hình ảnh riêng về Thủ đô, cháy sáng lên miền ký ức. Hà Nội, bình yên miền nhớ có thể là hình ảnh thành phố ngàn năm trẻ trung và huyền bí như tâm hồn cô thiếu nữ thướt tha tà áo dài nghiêng mình trên "nét mày" Thê Húc trước ống kính của người nghệ sỹ đường phố trong khoảnh khắc đầu tiên của một sớm Xuân…

Hà Nội - Bình yên miền nhớ đó là lúc người đàn ông trung niên tự bên kia bán cầu về nước dự một diễn đàn công nghệ 4.0, ngơ ngác tìm chút hình ảnh quen thuộc của một cầu Giấy, cầu Diễn ngày trước.

Trong ký ức chàng sinh viên tỉnh lẻ ngày xưa, nơi đây là cánh đồng lúa biếc xanh, xen lẫn những mái nhà lúp xúp, tiếng chày giã cốm vòng thậm thịch, lúc xa, lúc gần ven đường Cầu Giấy nhỏ hẹp thấp thoáng bóng xe qua. "Tiên trường Múa, công chúa trường Ba" là thế giới mơ mộng, huyền ảo duy nhất của những gã trai mới lớn si tình, chỉ dám ngắt trộm nhành lưu ly ven Đường 32, lén cài lên cửa sổ ký túc xá của người mình thầm thương, trộm nhớ.

Giờ đây, cổng làng Vòng là mặt đường Trần Thái Tông, tuyến đại lộ hiện đại nối khu Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt sầm uất với trung tâm Thủ đô mới Mỹ Đình, án ngữ bởi trùng điệp hàng trăm tòa văn phòng, cao ốc. Những vạt lúa nếp trĩu bông đã lùi ra xa, rất xa để gói cốm vòng trở thành hàng hóa lên các chuyến bay quốc tế, len vào siêu thị các khu phố người Việt ở tận trời Âu hay xứ Cờ hoa. Trường Ba, trường thủa nào giờ là một thành phố học tập, thành phố sinh viên đúng nghĩa với hàng vạn gương mặt thanh tân nhộn nhịp vào ra, ngời sáng và khỏe khoắn như gương mặt của Hà Nội thập kỷ thứ 3, thiên niên kỷ hai ngàn chứa bao nhiêu khát vọng...

Bình yên miền nhớ, đó là lúc vị doanh nhân nức tiếng trong một lần từ TP.HCM ra Thủ đô công tác, đã yêu cầu cậu lái xe taxi chở qua chở lại đường Láng nhiều lần, chỉ để tìm lấy một góc quen, để “ôn cố tri tân”. Dòng Tô Lịch vẫn còn đó, nhưng bờ kè đá vững chãi cùng vỉa hè đi bộ rộng rãi đã khiến lòng sông như mềm mại và rộng hơn xưa... chẳng còn dấu vết của những vạt húng xen lẫn bãi tập kết dưa hấu, dừa xanh ngày nào.

Thời đó, mấy cậu sinh viên xóm trọ làng Nhân Mục lần đầu tiên biết đến làm thêm là những buổi rủ nhau bê dừa, bốc dưa cho nhà xe, chủ vựa. Thời đó, đất nước vừa mở cửa, khái niệm làm thêm với sinh viên chưa nhiều. Đồng công có khi được trả chỉ là mấy trái dừa già, nhưng ước vọng làm giàu cháy lên nơi bao người trẻ lại chính từ buổi làm thêm như thế. Gần ba thập kỷ đã qua, căn nhà trọ khi xưa nơi làng Nhân Mục, giờ là cửa ngõ khu Trung Hoà - Nhân Chính sầm uất bậc nhất Hà Thành. Cậu sinh viên nhỏ thó nuôi khát vọng khởi nghiệp ngày nào, giờ là vị doanh nhân đưa hoa trái mang thương hiệu Việt đi khắp năm châu, bốn biển...

Bình yên miền nhớ trong ký ức hàng triệu người về Hà Nội là những nét cổ kính, là bao lớp giá trị trường tồn giữa ồn ào phố thị. Có đến 36 phố phường Thủ đô những tối cuối tuần mới cảm nhận rõ nét văn hiến của một Hà Nội mang đậm nét văn hóa của đồng bằng sông Hồng vấn vương mỗi bước chân lữ khách. Không chỉ là phố đi bộ đơn thuần, mà đây thực sự là một không gian nghệ thuật dân gian Việt, nơi mỗi điệu hát văn hay nhịp trống chầu đủ sức giữ chân du khách thập phương.

Xa hơn miền Phú Thượng, đây đó vẫn còn những vạt đào được chăm sóc công phu, vào thời khắc giao mùa, mỗi cây ấp ủ những nụ chồi e ấp. Cầu Nhật Tân, cây cầu thứ sáu nối Hà Nội cổ với bên kia sông Hồng với nhịp dây văng cách điệu như lớp vây hùng vĩ của con rồng thép khổng lồ vươn mình về phía Bắc, không chỉ kéo gần thêm hồ Hoàn Kiếm với sân bay Nội Bài, mà kéo gần hơn cả miền di tích Cổ Loa chứa bao nhiêu trầm tích.

Rồi đây, cùng với một công viên hiện đại có tên Thần Kim Quy huyền bí như truyền thuyết nỏ thần trong sử Việt, là một thành phố thông minh sẽ mọc lên phía quận mới Đông Anh. Và có thể, những vườn đào, vườn quất một lần nữa lùi xa hơn, nhường chỗ cho công viên mang tầm cỡ khu vực và tòa tháp mới. Nhưng chắc chắn Xuân về, những chợ hoa Hà Nội vẫn ngợp trời đua sắc, toả hương...

Đã hơn một lần, trên đường phố Thủ đô, người viết bài này bất chợt gặp ánh mắt long lanh của một loài thú hoang dã nhỏ. Những chú sóc nâu, sóc đen tinh nghịch không chỉ bất ngờ xuất hiện trên mái nhà hoặc vòm cây góc phố, mà có khi còn liều lĩnh băng qua con ngõ vắng những buổi sớm tinh sương. Loài thú tự nhiên đó như tô điểm thêm nét bình yên của một Hà Nội trong mỗi sớm mai, mỗi khoảnh khắc giao mùa.

Có thể, rồi mai kia những cô bé, cậu bé học trò từ đây bước ra trở thành công dân toàn cầu, trong bình yên miền nhớ về Thủ đô là đôi mắt tinh anh và chiếc đuôi xù của một con sóc nhỏ. Chỉ vậy thôi, đủ để thành phố ngàn năm luôn giữ cho mình bản sắc trong hành trình vươn lên là một đô thị hiện đại của thế giới, trong thiên niên kỷ hai ngàn…

Tin bài liên quan