Chiến sĩ Đội CSGT số 7 tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy tham gia giao thông nghi vừa sử dụng rượu, bia (Ảnh: Nguyễn Trường).

Chiến sĩ Đội CSGT số 7 tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy tham gia giao thông nghi vừa sử dụng rượu, bia (Ảnh: Nguyễn Trường).

Hà Nội: 5 ngày, 84 tài xế có hơi men bị “tuýt còi”

Sau 5 ngày triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lực lượng CSGT Hà Nội đã phát hiện, xử lý 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Ngày 6/1, thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội cho biết, sau 5 ngày ra quân triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đơn vị này đã phát hiện, xử lý 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Ngoài việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp nêu trên, lực lượng CSGT đã tiến hành tạm giữ 4 ô tô, 80 xe mô tô.

Đáng chú ý, trong quá trình xử lý vi phạm về nồng độ cồn, có 18 trường hợp nồng độ cồn ở khung cao nhất, gồm: 4 trường hợp ô tô; 13 trường hợp xe máy và 1 trường hợp xe máy điện.

Bên cạnh đó, đã có 2 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT.

Như Dân trí đã đưa tin, bắt đầu từ ngày 1/1 vừa qua, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 chính thức có hiệu lực.

Theo đó, luật sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (ô tô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người.

Tại Khoản 6 Điều 5 của Luật này nêu rõ, nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đồng thời, tại Điều 21 về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, ngay từ Khoản 1 đã nhắc lại rằng, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bắt đầu có hiệu lực, thay thế cho Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Tin bài liên quan