Một tia sét thường đánh vào một điểm cực của máy bay như đầu cánh, mũi và dòng điện chạy dọc lớp vỏ kim loại trước khi thoát ra ngoài qua một điểm khác, ví dụ như phần đuôi. Ảnh: Traveller.

Một tia sét thường đánh vào một điểm cực của máy bay như đầu cánh, mũi và dòng điện chạy dọc lớp vỏ kim loại trước khi thoát ra ngoài qua một điểm khác, ví dụ như phần đuôi. Ảnh: Traveller.

Điều sẽ xảy ra khi máy bay bị sét đánh trên không

Một phi công tiết lộ sét đánh trúng máy bay nhiều hơn hành khách nghĩ, trung bình mỗi chiếc máy bay bị sét đánh hai năm một lần.

Máy bay Sukhoi Superjet SSJ-100 của hãng hàng không Aeroflot ngày 5/5 bốc cháy sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Sheremetyevo ở phía bắc thủ đô Moskva, khiến ít nhất 41 người thiệt mạng.

Vladimir Yevmenkov, một hành khách may mắn sống sót trên chuyến bay gặp nạn, cho rằng phi cơ bị sét đánh khi vừa cất cánh. Cơ trưởng quyết định hạ cánh khẩn, song màn tiếp đất khó khăn khiến đuôi máy bay bốc cháy dữ dội. 

Thông tin trên có thể khiến nhiều người băn khoăn, liệu có an toàn khi bay giữa trời sấm chớp hay không. 

Phi cơ thường bị sét đánh khi bay qua những đám mây bão ở độ cao từ 2.000 đến 5.000 m so với mặt đất. Patrick Smith, phi công kiêm tác giả cuốn sách Bí mật buồng lái (Cockpit Confidential), cho rằng máy bay bị sét đánh nhiều hơn số lần hành khách tưởng tượng. Trung bình một chiếc máy bay bị sét đánh hai năm một lần.

"Thường một tia sét để lại dấu vết không đáng kể, nếu có nó chỉ gây hư hại bên ngoài hoặc tổn hại ít tới hệ thống điện của máy bay. Thậm chí bạn còn không nhận ra máy bay vừa bị sét đánh", Smith nhận định.

Phòng thí nghiệm Morgan-Botti tại Đại học Cardiff (Anh) chuyên nghiên cứu về tác động của sét đến các chất liệu chế tạo máy bay. Giám đốc Phòng thí nghiệm này, giáo sư Mamu Haddad cho biết: "Dòng điện trong tia sét có thể lên tới 200.000 ampe. Khi con số này ở mức thấp, hành khách có thể nghe thấy tiếng nổ hoặc nhìn thấy ánh sáng lóe lên qua cửa sổ, nhưng họ sẽ không cảm thấy bất cứ điều gì".

Theo ông Mamu Haddad, tác động đáng kể nhất là phần kim loại trên thân máy bay có thể bị chảy ra tại nơi sét đánh trực tiếp, song ông Haddad khẳng định ngành công nghiệp hàng không luôn có những nguyên tắc và công tác kiểm tra nghiêm ngặt, để giảm thiểu rủi ro cho hành khách.

Máy bay hiện đại được sản xuất từ hỗn hợp carbon nhẹ phủ một lớp đồng dày để cách điện cho không gian bên trong. Các mẫu máy bay của dòng Dreamliner của Boeing và Airbus A350 đều có thiết kế này.

Điều quan trọng nhất là thùng chứa nhiên liệu dưới cánh máy bay không được tiếp xúc với bất kỳ tia lửa điện nào. Đó là lý do lớp kim loại bao phủ bên ngoài, các khớp kết cấu, cửa ra vào, lỗ thông hơi và nắp nạp nhiên liệu... phải có khả năng chịu nhiệt, không hỏng hóc dù tia sét nóng đến 30.000 độ C đánh vào máy bay.

Do đó, giáo sư Haddad khẳng định hành khách không cần lo lắng.

Điều sẽ xảy ra khi máy bay bị sét đánh trên không ảnh 1

 Chuyên gia hàng không lý giải sét không phải nguyên nhân chính, nhưng sét cộng hưởng với gió mạnh đổi chiều hoặc dòng điện chạy tới một túi khí có thể là yếu tố gây ra thảm họa. Ảnh:AFP.

Thực tế những vụ tai nạn chết người do sét đánh vào máy bay rất hiếm nhưng vẫn xảy ra. Năm 2014, bốn người thiệt mạng trên chuyến bay của Intan Angkasa Air tại Indonesia. Máy bay rơi sau khi bị sét đánh gãy cánh trái. Bambang Ervan, phát ngôn viên Bộ Giao thông nước này xác nhận bốn hành khách tử vong trong vụ tai nạn này.

Năm 2010, sét đánh trúng một chiếc Boeing 737-700 khởi hành từ thủ đô Bogota, Colombia. Máy bay vỡ thành 2 mảnh khi phi công hạ cánh xuống hòn đảo San Andres giữa vùng biển Caribbean. Hai người thiệt mạng và 124 người bị thương.

Một vụ tai nạn nghiêm trọng khác xảy ra vào năm 1963. Khi chiếc Boeing 707 của Pan Am nổ một bên cánh vì sét đánh. Cục hàng không liên bang Mỹ FAA nhận định sét đánh tạo ra thay đổi đột ngột trong bình nhiên liệu và khiến mọi dải vật liệu phân tán sét ra bên ngoài bị văng khỏi máy bay (những dải này hoạt động như cột thu lôi của các tòa nhà dưới mặt đất). Vụ tai nạn khiến 81 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, nhờ những phương pháp tân tiến đảm bảo an toàn cho hành khách, sét đánh vào máy bay thường không gây thương vong. Trường hợp nổi tiếng nhất là chuyến bay chở cựu Tổng thống Pháp François Hollande, tới buổi hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào năm 2012. Chuyên cơ tổng thống Falcon 7X bị sét đánh chỉ 4 phút sau khi cất cánh. Ông Hollande vẫn đến Berlin theo lịch trình dù trễ 90 phút so với dự kiến, nhưng sử dụng một máy bay khác.

Bản thân phi công Smith cũng từng điều khiển một chiếc phi cơ 37 chỗ bị sét đánh. "Sét lóe lên trong giây lát vào phần mũi máy bay. Những gì chúng tôi cảm nhận được và nghe thấy chỉ là một ánh chớp mờ và tiếng uỵch. Không đèn cảnh báo nào sáng, hệ thống điện hoạt động bình thường", Smith đoán các kỹ sư sẽ thấy một vết đen trên thân trước máy bay.

Phi công này tiết lộ, hệ quả của những sự cố như vậy có thể khiến chuyến tiếp theo bị hoãn, do bộ phận kỹ thuật phải kiểm tra an toàn cho máy bay sau khi bị sét đánh.

Tin bài liên quan