Để không ai bị bỏ lại phía sau

Để không ai bị bỏ lại phía sau

(ĐTCK) Giải gôn từ thiện thường niên Vì trẻ em Việt Nam 2019 của Báo Đầu tư khởi tranh năm thứ 13 liên tiếp với sự góp mặt của gần 280 gôn thủ cùng số tiền tài trợ xấp xỉ 2 tỷ đồng, giúp tăng thêm đáng kể giá trị và số lượng học bổng trao tới tay các em học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, cũng như hỗ trợ nhiều trang thiết bị trường học cho các điểm trường khó khăn trên khắp cả nước.

Giải gôn Vì trẻ em Việt Nam 2019 tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự ủng hộ nhiệt thành của các nhà tài trợ như Tập đoàn BRG và Ngân hàng SeABank trong vai trò nhà đồng tổ chức, Công ty TNHH Samsung Electronics Vietnam với vai trò nhà tài trợ Kim Cương, Tập đoàn Vingroup là nhà tài trợ Bạch Kim. Giải năm nay tiếp tục ghi nhận cam kết đồng hành dài hạn của Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Kinder World với tư cách nhà tài trợ Vàng. Từ mùa giải 2018, tỷ phú Mỹ BobParsons và Tập đoàn Sun Group tài trợ cho chương trình với tư cách nhà tài trợ Bạc.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư biểu dương và hoan nghênh Báo Đầu tư đã nỗ lực tổ chức giải đấu ý nghĩa trong nhiều năm liền.

“Giải đấu vừa là nơi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và quan chức Chính phủ giao lưu và tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng cao hơn cả là chúng ta đã làm được một việc thiện có ý nghĩa”, ông Dũng nói.

Trong 13 năm qua, Giải gôn từ thiện thường niên Vì trẻ em Việt Nam đã huy động được số tiền hơn 15,4 tỷ đồng để trao tận tay hơn 15.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi, xây dựng và trang bị nhiều phòng học vi tính cho các trường học, hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các cơ sở học tập tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua Quỹ học bổng Vì trẻ em Việt Nam do Báo Đầu tư khởi xướng và Quỹ khuyến học Việt Nam.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức giải nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, một ngày mai không xa, chính các em học sinh nghèo học giỏi được hỗ trợ hôm nay sẽ là những công dân thành đạt và chính các em lại là những người đi vận động tài trợ và trở thành các nhà tài trợ thế hệ tiếp nối cho những em học sinh nghèo tiếp tục vươn lên để không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Giải đấu là cơ hội để các doanh nhân, những nhà hảo tâm cùng chung tay làm những việc có ích cho xã hội, thể hiện trách nhiệm tốt hơn với cộng đồng.

Nền kinh tế càng hội nhập, các doanh nghiệp, doanh nhân càng đứng trước cơ hội và yêu cầu trong việc giải quyết những vấn đề xã hội thông qua lồng ghép trách nhiệm xã hội vào hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong một thế giới đầy tính tương tác như hiện nay, một trong những chuẩn mực quốc tế quan trọng nhất được các bên liên quan với doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).

Để gia tăng năng lực cạnh tranh cả trên sân chơi quốc tế và sân nhà, các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi rất lớn trong quản trị và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Đây là thách thức mới và đòi hỏi nhữnag tiêu chuẩn cao hơn đối với các doanh nghiệp, doanh nhân.

Có thể nguồn lực mà doanh nghiệp phải bỏ ra sẽ lớn hơn, nhưng theo ông Uday Thakkar, Giám đốc điều hành doanh nghiệp xã hội từ Vương quốc Anh, trách nhiệm xã hội sẽ trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, doanh nhân. Khi sẵn sàng cho đi, doanh nghiệp sẽ thu hút thêm được những khách hàng và nhà đầu tư mong muốn ủng hộ cho các thương hiệu có trách nhiệm với xã hội và luôn có hành động vì mục tiêu tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.                

Tin bài liên quan