Đấu giá cổ vật “Bình đồng văn hóa Đông Sơn” với giá khởi điểm 1 tỷ đồng

Đấu giá cổ vật “Bình đồng văn hóa Đông Sơn” với giá khởi điểm 1 tỷ đồng

(ĐTCK) Ngày 19/8 tới đây, 3 cổ vật quý hiếm của Việt Nam sẽ được đưa ra bán đấu giá tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Hà Nội cho phép tổ chức bán đấu giá cổ vật. Trước đây, việc mua bán cổ vật chủ yếu là giao dịch tự do dẫn đến nhiều rủi ro về hàng giả, hàng nhái, cũng như nguy cơ cổ vật quý hiếm thất thoát qua buôn lậu.

Lần bán đấu giá này do CTCP Đấu giá số 5 - Quốc gia thực hiện sau khi được UBND TP Hà Nội chấp thuận. CTCP Đấu giá số 5 -Quốc gia đã tổ chức họp báo công bố tài liệu về cuộc bán đấu giá cổ vật có giá trị lịch sử văn hóa, bộ trang sức gắn 2 viên đá Ruby sao Yên Bái và tác phẩm nghệ thuật.

Dự kiến, cuộc đấu giá được tổ chức vào 18 giờ ngày 19/8/2017, tại khách sạn Hà Nội.

Ban tổ chức cho biết, cổ vật được đưa ra đấu giá gồm: “Bình đồng văn hóa Đông Sơn” có niên đại khoảng 2.000 năm, có giá khởi điểm gần 1 tỷ đồng, mỗi bước giá là 50 triệu đồng.

“Bình đồng văn hóa Đông Sơn” là loại đồ đựng có thể khối và dung tích lớn, chân xòe rộng, cao, trổ thủng trang trí hoa văn đàn hươu, đàn bò nối đuôi nhau. Đây là cổ vật quý hiếm và rất nguyên vẹn, vào loại lớn nhất trong số các đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, chưa thấy xuất hiện trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân.

Cổ vật thứ hai là “Thạp gốm hoa nâu” đời nhà Trần (thế kỷ XIII-XIV) có giá khởi điểm hơn 740 triệu đồng, bước giá 30 triệu đồng. Đây là tác phẩm đặc sắc của thời nhà Trần, họa tiết hoa văn trang trí như một bức tranh toàn cảnh xã hội thời Trần sau 3 lần chống quân Nguyên - Mông dành thắng lợi với những võ sĩ tay cầm kiếm, tay cầm khiên hừng hực khí thế xung trận.

Cổ vật thứ ba là “Hộp lam pháp Hoàng cung” của thời nhà Nguyễn (giữa thế kỷ 19) có giá khởi điểm hơn 532 triệu đồng, bước giá 20 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty cổ phần đấu giá số 5 quốc gia cũng bán đấu giá Bộ trang sức với 2 viên đá quý Ruby (start ruby) có giá khởi điểm hơn 1,74 tỷ đồng, bước giá 100 triệu đồng. Đây là loại đá quý hiếm nhất và hiện chỉ còn có ở vài nơi trên thế giới, trong đó có mỏ đá quý Tân Hương, tỉnh Yên Bái.

Cuộc bán đấu giá còn bán 5 pho tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dát vàng của làng nghề làm quỳ vàng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) với giá khởi điểm 100 triệu đồng, bước giá 10 triệu đồng.

Đấu giá cổ vật “Bình đồng văn hóa Đông Sơn” với giá khởi điểm 1 tỷ đồng ảnh 1

Tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dát vàng (ảnh minh họa, nguồn phapluatplus)

Đại diện UBND xã Kiêu Kỵ cho biết: "Đây là lần đầu tiên sản phẩm của các nghệ nhân xã Kiêu Kỵ được tham gia đấu giá, với mục đích quảng bá cho thương hiệu làng nghề Kiêu Kỵ mới được thành phố đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí 200 tỷ đồng".

Theo luật sư Quản Văn Minh, Chủ tịch Hội đấu giá viên Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đấu giá số 5 quốc gia, đây đều là những kiệt tác nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa lớn thuộc dạng quý hiếm được lưu giữ và bảo quản trong tình trạng tốt nhất.

Luật sư Quản Văn Minh cho biết thêm, cổ vật là một loại tài sản khi đưa ra đấu giá phải tuân theo quy định của Luật đấu giá tài sản, Luật Di sản, các quy định của luật chuyên ngành, phải có hồ sơ pháp lý, được đăng ký đầy đủ.

Ví dụ, với 2 viên đá quý, trước khi tổ chức đấu giá, phải thẩm định hồ sơ về thu mua, kê khai, nộp thuế, hợp đồng gia công… Ông Minh nhấn mạnh: “Vì vậy, mua cổ vật qua đấu giá sẽ đảm bảo cả về tính pháp lý lẫn kinh tế, giá trị tài sản được khẳng định bằng xác nhận trúng đấu giá”.

Cũng theo ông Minh, trong 3 cổ vật được bán đấu giá, chiếc Bình đồng văn hóa Đông Sơn thuộc danh mục cổ vật không được đem ra nước ngoài.

Tin bài liên quan