Vios là dòng xe được nhiều người lựa chọn chạy taxi vì bền bỉ.

Vios là dòng xe được nhiều người lựa chọn chạy taxi vì bền bỉ.

Dân quê sắm ôtô chạy dịch vụ - khi xe hơi không 'sướng' như tưởng tượng

Thoát cánh đồng, những thanh niên trai tráng sắm ôtô nhưng để phục vụ người khác. Vợ, con ở nhà có khi vẫn phải đội mưa, dãi nắng.
 

Xuân Minh đỗ chiếc Vios đời 2009 đánh kịch trước cửa ngôi nhà ba gian tạm gọi là kiên cố. Lúc này là 12 giờ trưa ngày 4/9. Một giờ chiều anh có khách hẹn đi Hà Nội. Minh chạy ôtô dịch vụ cá nhân ở Nga Sơn, Thanh Hóa, nơi cách thủ đô 150 km. Sớm đó, anh chạy từ Lạng Sơn về nhà để kịp chuyến tiếp theo. Những ngày sau nghỉ lễ 2/9, Minh cố chạy nhiều chuyến càng tốt vì nhu cầu lên cao, tranh thủ kiếm thêm bù lại ngày thường.

Trong nhà, vợ anh đang chuẩn bị ra chợ coi sạp quần áo. Chị tranh thủ về cho hai đứa trẻ ăn uống, nghỉ trưa. Mâm cơm của anh đã dọn sẵn trong chiếc lồng bàn đỏ thủng vài góc. Mọi thứ đã nguội. Minh hâm lại thức ăn, 15 phút sau bữa trưa đã kết thúc. Anh chợp mắt 30 phút, sau đó có mặt ở nhà khách hàng cách 2 km.

Xuân Minh là trường hợp điển hình của phong trào kinh doanh xe taxi gia đình tại các vùng quê. Ở thành phố lớn, taxi chuyên nghiệp, Uber, Grab và những đơn vị cho thuê xe có lái, không lái mọc nhan nhản nên nếu chỉ kinh doanh cá nhân sẽ khó lòng trụ vững. Các huyện lị thì ngược lại. Ở đây, taxi "có mào" chỉ vài chục chiếc, người dân cũng chưa quen, do đó kinh doanh ôtô gia đình vẫn là mảng tiềm năng.

Chiếc Vios 2009 là xe thứ hai mà Minh sở hữu sau Hyundai Getz đời khá sâu. Minh mua lại mẫu xe của Toyota từ một người bạn với giá 300 triệu từ tiền bán xe cũ cộng khoản tiết kiệm của hai vợ chồng. Sau một thời gian làm phụ rồi trở thành tài xế cho một nhà xe chuyên chạy tuyến Thanh Hóa-Hà Nội, Minh kết luận "chạy xe của mình vẫn sướng hơn cả".

Để được "sướng" như vậy, những tài xế kinh doanh tự do như Minh thường tích góp nhiều năm trời. Nếu ở các thành phố lớn, người dân mua xe, kể cả để cho thuê, chạy dịch vụ đều tìm đến trả góp thì ở các vùng quê ngược lại. Anh Quý Thắng, quản lý cấp trung bộ phận tín dụng một ngân hàng lớn cho biết, ở các vùng quê, người dân chưa có xu hướng vay tiền ngân hàng để mua xe trả góp. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng không mấy mặn mà và cung cấp dịch vụ này ở quê, vì số lượng ít, nguy cơ nợ xấu tăng.

"Nếu không đủ tiền, họ sẽ tìm cách vay bạn bè, người thân", anh Thắng phân tích. 

Chị Nguyễn Hoa, giám đốc một đại lý ôtô ở Nam Định tiết lộ, rất nhiều khách hàng ở những huyện trong tỉnh về thành phố mua xe chọn thanh toán bằng tiền mặt. Với những người không tiếp xúc dịch vụ ngân hàng, việc sử dụng chuyển khoản hay uỷ nhiệm chi là những khái niệm xa lạ và phức tạp. "Với họ, tiền mặt là cách an toàn, dễ dàng nhất".

Mai Thịnh mua chiếc Innova 2017 mới cóng, tổng chi phí gần 900 triệu. Trong đó 600 triệu là vốn tự thân, 300 triệu còn lại anh vay một ít từ bố mẹ, phần khác từ anh chị, vài chục triệu từ người bạn thân. Anh cũng vay ngân hàng, nhưng số tiền khá khiêm tốn, chỉ 50 triệu. Hôm lấy xe, Thịnh cùng một người anh hộ tống túi tiền nặng trịch từ nhà đến đại lý. 

Thịnh muốn xe phải mới, rộng để thu hút khách hàng chạy xa cho "ra tấm, ra món", còn hơn loanh quanh trong huyện, mở cửa nhiều lần nhưng chỉ thu được bạc lẻ. Ngoài việc nhờ người khác giới thiệu dịch vụ, Thịnh đóng một tấm biển quảng cáo treo trước cửa nhà, chạy đèn LED sáng trưng, còn quảng cáo cả trên trang Facebook cá nhân. 

Những xe như của Xuân Minh hay Mai Thịnh nhận bất cứ dịch vụ nào liên quan tới di chuyển. Chở người từ quê ra Hà Nội khám bệnh, đi thăm thân, du lịch, đi dạm ngõ, cưới hỏi, quan hệ công việc... Chỉ cần có nhu cầu, tài xế sẵn sàng phục vụ. 

Xe mới, xe cũ có giá khác nhau. Nếu chạy từ Nga Sơn (Thanh Hoá) ra Hà Nội, chiếc Vios của Minh lấy của khách 1,3 triệu đồng thì đi Innova mới của Thịnh, khách phải trả 1,7 triệu. Khách hàng khá giả, cần hình ảnh thì chọn xe Thịnh. Người túi tiền eo họp hơn thì chọn xe của Minh. 

Ở những vùng quê, xe cũ chạy dịch vụ vẫn nhiều hơn cả vì giá dễ chịu hơn. Với tài xế, lợi thế lớn nhất của những xe này là bền bỉ, ít hỏng vặt, "chinh chiến" nhiều nơi ngày này qua tháng khác không lo hư hại.

Ấy là Minh nghĩ vậy, nhưng đôi khi người tính không bằng trời tính.

Sau 100 km từ Nga Sơn mọi thứ trơn tru, khi còn cách Hà Nội 50 km thì chiếc Vios xảy ra chuyện. Biểu tượng quá nhiệt động cơ sáng đỏ trên bảng táp-lô. Dừng xe tấp vào lề, mở nắp ca-pô lên kiểm tra. Quạt tản nhiệt không chạy, két làm mát cạn nước. 

dan-que-sam-oto-chay-dich-vu-khi-xe-hoi-khong-suong-nhu-tuong-tuong-1

Xe của Minh gặp trục trặc giữa đường cao tốc.

Giữa đường cao tốc, không có xưởng dịch vụ, không đồ nghề sửa chữa. Minh cũng mới lấy xe vài tháng nên chưa hiểu rõ vì sao lại xảy ra chuyện, vì theo anh xe mới bảo dưỡng lại toàn bộ. Sau một hồi kỳ cục gọi điện cho chủ xe cũ, khách đi xe xắn tay giúp sức, Minh tìm được nguyên nhân và khắc phục. Cầu chì quạt tản nhiệt bị đứt và két cạn nước. Giải pháp là vào làng ven cao tốc, mua bình nước trắng 20 lít đổ tạm khắc phục.

Đi khoảng 10 km, xe lại báo đỏ một lần, nước làm mát đã đi đâu hết. Không tìm thấy đường rò rỉ, không thể hiểu chuyện gì xảy ra, anh chấp nhận cách cứ đi 10 km lại xuống tiếp nước một lần. 

Tới Hà Nội, khách đi xe khuyên Minh vào garage chính hãng để sửa chữa. Anh từ chối, vì sợ. Minh, như bao tài xế ở quê khác, chỉ tin vào một người thợ nào đó gần nhà đã sửa quen từ lâu. Garage hiện đại, chính hãng cũng chỉ là thứ xa xỉ ở thành phố, nơi họ có thể lừa anh để hét giá sửa chữa nhiều triệu đồng. 

5 giờ chiều, Minh từ Hà Nội tiếp tục hành trình quay ngược về Nga Sơn. Anh mua thêm hai bình nước 20 lít thủ sẵn trong cốp cùng vài chiếc bánh mì, xác định tư tưởng, giữa đêm về tới Nga Sơn. Rạng sáng hôm sau Minh về tới nhà, cộng cả thời gian tranh thủ ngủ giữa đường. 

Tiền công chuyến đi được 1,3 triệu, khách hàng bo thêm 200.000 là tròn 1,5 triệu.  Không đủ chi phí sửa xe. Những lần như vậy không hiếm với người làm nghề chạy taxi gia đình vốn không có nhiều kiến thức chăm sóc ôtô.

Đây chỉ là một trong số hàng tá rủi ro mà người làm nghề taxi gia đình như Minh và Thịnh gặp phải. Cạnh đó là nỗi lo mất an toàn do thường xuyên chạy xe trong tình trạng quá tải, cướp giật khi đi đường dài hay chở phải những khách "không phải người hiền lành".

Xuân Minh cũng đi ôtô nhưng không được "sướng" như người ta vẫn kể. Anh phải chạy xe để phục vụ người khác. Phía hàng ghế sau, là một phụ nữ, là những đứa trẻ nhưng không phải vợ và con anh, mà của người khác. Có khi con ốm, mưa gió vợ vẫn phải chở bằng xe máy đi bệnh viện.

Lúc đó, Minh đang ở một nơi khác, đưa con của người khác tới nơi an toàn.

Tin bài liên quan