Đặc sắc Lễ Chạp tổ và Ra Cỗ họ trên vùng đất bên sông Bạch Đằng Quảng Ninh

Đã thành thông lệ, vào dịp mùng 4 tháng Giêng hằng năm, khắp làng đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh lại nô nức cảnh các dòng họ mang lễ vật lên các nhà thờ tổ dâng hương làm lễ Chạp Tổ và Ra Cỗ họ. Hoạt động này đã trở thành nét đẹp văn hoá hiếm có được người dân sống bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử duy trì hàng trăm năm nay mỗi dịp đầu xuân mới.

Ngày 8/2/2019, tức mùng 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi vừa qua, con cháu các dòng họ trên làng đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh đang làm ăn, định cư ở các nơi gần xa lại sắm sanh lễ vật trở về quê hương và dâng lễ lên nhà thờ họ để cúng tế tạ ơn công đức tổ tiên.

Đây cũng là dịp để các dòng họ tổng kết làm ăn, lao động, học tập, công tác trong một năm của con cháu và chuẩn bị kế hoạch cho một năm mới với nhiều thành tựu.

Con cháu tề tựu chuẩn bị lễ tế (Ảnh chụp tại từ đường họ Đồng xã Cẩm La) 

Theo nhà văn Dương Phượng Toại, người đã dành nhiều năm nghiên cứu và có nhiều bài viết về vùng đất làng đảo Hà Nam nằm bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, từ giữa thế kỷ XV, trên vùng làng đảo này, mỗi dòng họ đều xây dựng nên một nhà thờ để thờ phụng tri ân công đức tổ tiên và hướng về nguồn cội Thăng Long, nơi các vị Tiên Công đã ra đi khai hoang lập ấp để tạo ra làng đảo Hà Nam ngày nay.

Lần lượt các cụ cao niên vào làm lễ 

“Ngày Ra Cỗ họ thường diễn ra các phần chính: Mừng thọ các bậc cao tuổi, trao khuyến học động viên học sinh giỏi, đỗ đạt và lễ cúng tế Thủy Tổ cùng các thế tổ. Dịp này, các bậc cao tuổi thường dẫn con cháu đến nhà thờ họ cho chúng hiểu đây là nơi cội nguồn sinh ra cụ kỵ, ông bà, cha mẹ. Đặc biệt là giáo dục triết lý: Đã là cùng một dòng máu họ tộc thì phải biết nhau, thương yêu và giúp đỡ nhau”, ông Toại cho biết.

Các nghi thức được cử hành trang trọng (Ảnh chụp tại từ đường họ Dương tại xã Cẩm La) 

Cũng từ những ngày này, nam giới từ 18 tuổi được chính thức công nhận là trai đinh, thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ đóng góp xây dựng dòng họ đến tuổi 60. Khi 60 tuổi ra họ làm lễ “lão nhiêu”, 70 tuổi làm kễ “Kỳ lão”, 80 tuổi làm lễ Thượng Thọ, 90 tuổi hay 100 tuổi thì làm lễ Đại Thọ, được cả họ chúc mừng tại nhà thờ họ và tại gia đình.

 Các cụ trên 70 tuổi được cả họ mừng thọ

 Các cụ trên 90. 100 tuổi được rước bằng võng đào lên miếu Tiên Công (ảnh: Internet)

Sau khi  các nghi thức tế lễ cử hành xong, cả họ sẽ cùng ngả cỗ bày mâm cùng nhau thụ hưởng lộc và cùng chúc nhau năm mới nhiều điều may mắn và phát đạt.

Cùng lễ Chạp Tổ và Ra cỗ họ, tại đảo Hà Nam còn lưu truyền nghi lễ rước người độc đáo. Tại đây có lệ, các cụ đạt tuổi 80, 90... coi như một “Thiên tước”, một phúc lớn của Trời ban cho gia đình, dòng họ. Theo đó, con cháu rước các cụ Thượng bằng võng đào lên miếu Tiên Công nằm tại xã Cẩm La vào mùng 5 - 7 tháng Giêng để bái tạ các vị Tiên Công, những người đầu tiên đến vùng bãi triều cửa sông Bạch Đằng lấn biển khai hoang, lập ấp dựng làng xây dựng nên quê hương Hà Nam trù mật ngày nay.

Tin bài liên quan