Côn Đảo: Từ “địa ngục trần gian” thành thiên đường nghỉ dưỡng

Côn Đảo: Từ “địa ngục trần gian” thành thiên đường nghỉ dưỡng

(ĐTCK) Không quá ồn ào như Phú Quốc, Đà Nẵng, hay Nha Trang, Côn Đảo - hòn đảo mang trên mình lịch sử đau thương và được xem là “địa ngục trần gian” này hiện nay cũng được đánh giá là một trong những thiên đường nghỉ dưỡng không chỉ ở Việt Nam, mà cả thế giới.

Thiên đường nghỉ dưỡng hôm nay

Một buổi chiều tháng 2, Sân bay Cỏ Ống đón chúng tôi trong nắng gió của ngàn trùng khơi thổi lại. Côn Đảo là đây, cũng đồi núi, rừng cây và nước biển xanh ngắt với cảnh đẹp nên thơ, nhưng sao lại mang trên người một sứ mệnh rùng rợn đến thế: “Địa ngục trần gian”.

Chiếc taxi vòng vèo một lúc rồi ghé vào con đường Tôn Đức Thắng nằm dọc bờ biển, bên hàng dương xanh mát để du khách tha hồ ngắm nhìn hoàng hôn cuối ngày. Phía xa là một vài người dân đảo đang trên đường trở về. Những kiệm lời nhưng rất chu đáo với khách thập phương.

Qua mấy con dốc bám theo bờ biển nữa, cuối cùng, thị trấn Côn Đảo yên bình trong thung lũng bán nguyệt giữa ba dãy núi cũng hiện ra trước mắt. Thêm khoảng 5 phút taxi, tôi mới đến được Six Senses Resort - một nơi nghỉ dưỡng xinh đẹp và hiện đại bậc nhất ở đây.

Tôi đồ rằng, nhiều năm trước, khi lần đầu tiên đặt chân tới bãi Đông của biển Đất Dốc đẹp tựa thiên đường, những nhà đầu tư đã ngay lập tức nghĩ đến việc phải xây dựng một khu resort hoành tráng ở đây để đánh thức tiềm năng của những bãi biển còn hoang sơ thế này.

Trong chiều muộn, những biệt thự theo phong cách cổ điển với mái ngói rêu phong, những con đường rợp bóng cây, những giàn hoa giấy đủ màu, những du khách thong thả tản bộ, phố chợ nhỏ với dăm quán hàng, dăm quán cafe lãng mạn… như nhấn chìm toàn bộ kí ức khủng khiếp của quá khứ để dẫn dắt người ta vào không gian của chốn thiên đường.

Ngoài việc dạo chơi trong các khu resort cao cấp, du khách còn có thể đắm mình vào màu nước xanh trong ngọc bích của bãi Hàng Dương, Phí Yến hay Đầm Trầu… để tẩy trần, gột sạch những bụi bặm. Tôi chắn chắn rằng, không ở đâu biển lại sạch và trong vắt được như ở Côn Đảo.

Tuy cách đất liền tới gần 200 km, nhưng nhịp điệu sống trên hòn đảo này cũng ồn ào, náo nhiệt chẳng kém gì Vũng Tàu hay Phú Quốc. Điều này thể hiện rõ nhất ở các phiên chợ. Nơi các đặc sản nổi tiếng đều được bày bán nhộn nhịp như ốc vú nàng, mầm hàu, mứt hạt bàng…, mà ai từ đất liền ra cũng muốn mua về làm quà.

Chỉ đôi ba ngày lang thang ở đây, tôi đã trót để cho nhưng nét thân thiện, nhiệt tình của người vùng biển khơi xa khắc sâu vào tâm trí. Tôi cũng rất ngưỡng mộ, tự hào về sự phát triển mạnh mẽ của Côn Đảo của ngày hôm nay.

Từ khi hòa bình, đời sống của người dân trên đảo ngày một khởi sắc. Đường sá, cầu cảng đều được xây dựng và nâng cấp hiện đại. Ngư trường sôi động hơn với sự phát triển của dịch vụ hậu cần nghề cá. Du khách trong và ngoài nước đến Côn Đảo ngày một nhiều hơn.

Côn Đảo cũng làm tôi ấn tượng bởi quá khứ đau thương đã không thể làm người ta chùn bước. Trái lại, họ ngày càng vươn lên mạnh mẽ. Từ nơi “địa ngục trần gian” trở thành thiên đường du lịch với hàng loạt hệ thống khách sạn cao cấp cùng nhiều dự án đang được triển khai. Đó chính là sức mạnh quật cường vươn lên nơi đầu sóng gió của con người miền Đất Đỏ.

Dấu ấn lịch sử

Có đi mới biết, Côn Đảo không chỉ là một điểm đến du lịch tuyệt đẹp, mà còn là một bảo tàng lưu giữ nhiều chứng tích tội ác của của Pháp và Mỹ hơn 1 thế kỷ trước. Bởi những điểm đến đặc biệt như nghĩa trang Hàng Dương, chuồng cọp hay trại Phú Hòa…, đều làm cho chúng ta có cảm giác đang ngược thời gian trở về quá khứ.

 Du khách đang tham quan khu di tích chuồng cọp Côn Đảo

Điểm đến đầu tiên trong hành trình của tôi là nghĩa trang Hàng Dương, nơi an nghỉ của hơn 2.000 chiến sĩ và đồng bào yêu nước, trong đó có cả người nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Đường đến nghĩa trang bằng phẳng, rộng rãi và sạch sẽ. Cổng chào kích thước tuy lớn nhưng chỉ là một khung hình vuông được lát đá đan xen. Con đường dài vào đài tưởng niệm quanh năm rợp bóng cây xanh. Bãi cỏ hai bên đường đều được chăm sóc, cắt tỉa cẩn thận bốn mùa.

Tôi một mình lang thang giữa những hàng cây xanh mát. Chiều xuân Côn Đảo, nơi nào cũng đẹp như tranh vẽ. Một vẻ đẹp hoang sơ, chân thực đến nao lòng!

 Nghĩa trang liệt sỹ Côn Đảo

Thật khó tin là cũng bầu trời này, mặt đất này, nhiều năm trước, chỉ có người tù và những kẻ coi tù với bao khổ đau, thù hận. Nơi con người sống trong chuồng thú dữ. Và thú dữ lên chiếm chỗ con người. Một cảm giác gai người đến sởn da gà bủa vây.

Bước chân tôi bỗng dừng lại bên ngôi mộ của Người con gái Đất Đỏ đã trở thành huyền thoại. Bài hát về chị cất lên thật da diết: “Người thiếu nữ ấy như mùa Xuân. Chị đã dâng trọn cuộc đời. Để chiến đấu với bao niềm tin. Thà chết quyết không lùi bước”!

Vẻ đẹp của Côn Đảo thu hút nhiều du khách trên thế giới 

Tại Hàng Dương, thật tình cờ khi tôi được gặp một đoàn khách là các cựu tù nhân Côn Đảo. Các ông vừa thắp nhang, vừa kể lại những ngày tháng bị tra tấn dã man trong niềm xúc động và đau thương vô hạn.

Đến “chuồng cọp” ở trại giam Phú Tường thì cảm giác gai người của tôi phải tăng lên gấp bội phần. Chuồng cọp chỉ rộng cỡ 3 m2, gồm một bệ bê tông, một bộ cùm sắt liền bệ và một thùng gỗ có nắp.

Theo lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên, các tù nhân chính trị đặc biệt bị giam giữ ở đây phải ở truồng, vệ sinh tại chỗ và thường xuyên bị tra tấn bởi giám sát viên đứng bên trên. Lúc thì là bị đâm bởi cây giáo sắt, lúc thì bị đổi nước sôi hay vôi pha vào nước. Dù chỉ là mô hình, nhưng tôi có thể thấu hiểu và cảm nhận nỗi đau ấy rất rõ ràng. Như đòn roi kia cũng đang vụt vào da thịt mình chảy máu.

Ra khỏi trại giam Phú Tường, tôi phải ngồi bệt xuống một tán bàng xanh mát vì đôi chân không còn nghe theo sự điều khiển của lý trí. Trên cành, đôi chim sẻ cứ vô tư nhảy nhót trong ánh nắng chứa chan hạnh phúc và hòa bình.

Tôi tự hỏi lòng, trong khoảng sân này, đã có bao nhiêu chiến sĩ ngày xưa thối da thối thịt? Để đổi lấy độc lập, tự do, ông cha ta đã phải chịu đựng, hy sinh đến chừng nào. Càng như vậy, càng phải trận trọng hòa bình của hôm nay.

Chiều dần buông, tiếng chuông chùa từ đâu vọng lại đem đến sự bình an cho hiện tại và tương lai Côn Đảo. Chúng tôi rời khu trại giam để ghé vào viếng Đền thờ bà Phi Yến - một mỹ nhân mới 25 tuổi đời đã phải chết bằng nỗi trái oan kiếp phận.

Tục truyền, khoảng cuối thu năm 1783, bà Phi Yến (Lê Thị Răm) can ngăn vua Nguyễn Ánh gửi con là hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) đi theo giám mục người Pháp sang Pháp cầu viện giúp chống lại quân Tây Sơn. Thấy vậy, bà Phi Yến can ngăn, khiến Nguyễn Ánh tức giận, giam bà vào hang đá. Khi quân Tây Sơn đánh ra Côn Đảo, Nguyễn Anh cùng gia quyến và tàn binh lên thuyền bỏ chạy. Tuy nhiên, hoàng tử Cải đòi đem theo mẹ cho bằng được, khiến Nguyễn Ánh tức giận, ném cậu xuống biển. Đây cũng được cho chính là điển tích xuất phát nên câu ca dao: “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay”.

Ba ngày ở Côn Đảo, tôi còn phát hiện người dân ở đây hình như chỉ thích nghe tình ca và nhạc jazz. Những quán café tôi từng ngang qua đều mở một thể loại âm nhạc êm đềm như lời mẹ ru con. Tối đầu tiên, tôi ngồi nghe nhạc Trịnh buồn da diết, nhưng sâu lắng, hòa trong tiếng gió, tiếng sóng dạt dào xô kè đá. Tối thứ hai thì là một bản nhạc jazz không biết tên, nhưng âm thanh của nó tạo nên một cảm xúc vô cùng khó tả, có lẽ chẳng bao giờ lặp lại trong đời.

Dẫu biết rằng trước tôi, đã có rất nhiều người từng đến và cũng từng viết rất hay, rất kỹ về Côn Đảo rồi, nhưng không vì thế mà dòng cảm xúc về một vùng đất linh thiêng ngừng chảy trong tôi. Không vì thế mà quá khứ sẽ bị lãng quên tại hòn đảo xinh đẹp này.

“Tạm biệt giọt mực yêu thương trên bản đồ Tổ Quốc!”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan