Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển đất nước

(ĐTCK) Đất nước càng dân chủ bao nhiêu thì công khai, minh bạch, tiếng nói của báo chí càng quan trọng bấy nhiêu. Đây là tiếng nói của công luận, là sức mạnh của báo chí. Sức mạnh này để phục vụ phát triển đất nước, trong đó góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, báo chí là kênh thông tin quan trọng để các doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh, lựa chọn lĩnh vực đầu tư, phát huy thương hiệu, đưa doanh nghiệp có chỗ đứng vững chắc trên thương trường.

Báo chí cần tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, doanh nhân trên con đường phát triển của đất nước. Các nhà báo, cơ quan báo chí cần thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, khách quan, trung thực; luôn theo sát từng biến động trong dòng chảy đời sống, nhất là đời sống kinh tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện tốt vai trò cầu nối của báo chí: kịp thời chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, phản ánh trung thực các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp; chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn, trở ngại, phiền hà mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất - kinh doanh; cổ vũ, động viên các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy sáng tạo; biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt; phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh, có sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế.

Báo chí cần tiếp tục đóng góp để thực hiện thông điệp của Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP là tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển. Thông điệp đó cần được chuyển tải mạnh mẽ trong xã hội, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mới, nhằm đến năm 2020 nước ta có khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tháo gỡ mọi rào cản, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, xây dựng thương hiệu mạnh, xây dựng tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ. Các thành phần kinh tế đều bình đẳng, kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Báo chí cũng cần góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo nên sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân; tôn vinh, động viên doanh nhân đóng góp tài năng cho đất nước; tôn vinh những chủ doanh nghiệp giỏi, đưa doanh nghiệp phát triển ổn định, đóng nhiều thuế, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động… 

Báo chí và doanh nghiệp cần tiếp tục giao lưu, tìm hiểu, trao đổi thông tin một cách thẳng thắn, chân thành, cởi mở. Các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, khách quan cho báo chí.

Tôi mong rằng, thời gian tới, báo chí và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, hợp tác, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích chung, vì thương hiệu doanh nghiệp, vì sản phẩm Việt, vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tôi gửi lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm công tác báo chí trong cả nước. 

Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp gỡ với đoàn nhà báo tham dự Chương trình Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp ngày 10/6/2016.

Tin bài liên quan