Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP, mật khẩu hay tên tài khoản

Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP, mật khẩu hay tên tài khoản

Website giả, mất tiền thật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Người dùng vì cần tiền, vì tò mò mà truy cập các website, đường link giả mạo ngân hàng… và điều này có thể mang lại nhiều rủi ro.

Có nhu cầu vay tiền mua nhà, anh Đức Kim, ở Ba Đình, Hà Nội tìm hiểu từ nhiều nguồn và quyết định vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, do không có mối quan hệ với các tổ chức tín dụng, anh Kim đã lên Internet tìm hiểu phương thức vay tiền ngân hàng.

“Chỉ cần gõ cụm từ ‘vay tiền lãi suất thấp’ trên Google, ngay lập tức sẽ hiện ra một loạt đường dẫn đến website các ngân hàng, thậm chí là những ngân hàng có danh tiếng như Vietcombank, VietinBank, Techcombank… Vấn đề sẽ không có gì để bàn nếu các website này là thật, nhưng thực tế đây đều là website giả”, anh Kim nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết, nếu tiếp tục thao tác trên website giả, khách hàng sẽ vô tình cung cấp các thông tin cá nhân của mình như tên tài khoản, mật khẩu, thậm chí cả mã OTP và điều này mang đến nhiều rủi ro như mất tiền trong tài khoản, bị chiếm tài khoản để thực hiện các hoạt động mở thấu chi, top-up thẻ tín dụng, mua hàng có giá trị trên online, đăng ký khoản vay online…

Cũng theo vị này, một phương thức lừa đảo mà kẻ gian cũng thường sử dụng là gửi tin nhắn dẫn dụ người dùng truy cập vào website giả mạo ngân hàng thông qua hình thức thông báo trúng thưởng, lấy tên chương trình trùng với các chương trình của ngân hàng kèm theo một đường link yêu cầu khách hàng truy cập để “lĩnh thưởng”. Thủ đoạn này tinh vi ở chỗ, các website được kẻ gian gửi tới cho khách hàng có giao diện tương tự với các website chính thức của các ngân hàng, khiến người dùng rất khó phân biệt.

“Đã có trường hợp người dùng vì chủ quan và tò mò vào website giả mạo của VPBank, sau đó chưa đầy 2 phút đã bị mất gần 12 triệu đồng trong tài khoản”, vị lãnh đạo A05 cho biết.

Vừa qua, một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Internet quy mô lớn đã bị triệt phá. Đối tượng cầm đầu đường dây là Lê Anh Tuấn (sinh năm 1989, tại Quảng Trị). Tuấn cùng đồng bọn thiết kế, tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam.

Nhóm lừa đảo yêu cầu người bán hàng truy cập vào website do chúng cung cấp, nhập thông tin người dùng, mật khẩu, mã OTP để làm thủ tục nhận tiền, sau đó dùng thông tin của nạn nhân đăng nhập vào website của các ngân hàng rồi chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản nạn nhân đến tài khoản của mình. Từ tháng 10/2019 đến thời điểm bị bắt (cuối tháng 6/2020), nhóm đối tượng đã chiếm đoạt hơn 117 tỷ đồng. Có hơn 300 nạn nhân đã sập bẫy, trong đó trường hợp bị lừa nhiều nhất lên đến hàng tỷ đồng.

Một trường hợp khác, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) mới đây phát hiện một số đối tượng mạo danh nhân viên Ngân hàng gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo thu phí mở thẻ tín dụng giả chỉ với 300.000 đồng nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng.

Để bảo vệ cho tài sản của cá nhân mình, các ngân hàng thường xuyên khuyến cáo người dùng về việc ngân hàng không bao giờ yêu cầu cung cấp mã OTP, mật khẩu hay tên tài khoản ngân hàng. Khách hàng tuyệt đối không truy cập đường link trong các tin nhắn gửi tới từ các số điện thoại không hiển thị thương hiệu ngân hàng. Những đường link này có thể chứa virus hoặc là trang giả mạo ngân hàng. Nếu đã lỡ bấm vào link thì tuyệt đối không thực hiện đăng nhập tài khoản ngân hàng trên các link này, chỉ đăng nhập tài khoản ngân hàng bằng cách tự nhập tên website ngân hàng hoặc vào các trang khách hàng đã tự lưu trước đó…

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác, trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, thủ đoạn lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát, thanh tra, tòa án, bưu điện... để chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, chiếm tỷ lệ trên 65% tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bộ Công an cảnh báo người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên, cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Đối với các tài khoản công khai, dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Tin bài liên quan