Theo dự kiến của WB, tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ chậm lại vào năm 2014, cụ thể, ở mức 6,9% trong năm nay và năm tới, giảm so với mức 7,2% vào năm 2013.
Theo Báo cáo, tốc độ tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ giảm trong năm nay tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong khu vực, không kể Trung Quốc sẽ tăng lên trong năm tới khi sự phục hồi dần dần của các nước có thu nhập cao, thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu trong khu vực.
Tuy nhiên, các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các khu vực khác trên thế giới.
Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB nói: “Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục có tiềm năng tăng trưởng với tốc độ cao hơn và nhanh hơn so với các khu vực đang phát triển khác, nếu như các nhà hoạch định chính sách thực hiện chương trình cải cách nội địa mang tính tham vọng hơn, bao gồm việc loại bỏ các rào cản làm cản trở đầu tư trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu và hợp lý hóa chi tiêu công”.
Mặc dù toàn bộ khu vực này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn bất cứ khu vực nào nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, nhưng tác động tới các nước khác nhau sẽ khác nhau, tùy thuộc vào môi trường đầu tư và xuất khẩu.
Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Campuchia có điều kiện phù hợp để tăng xuất khẩu, phản ánh mức độ hội nhập ngày càng sâu của các nền kinh tế này vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, vốn có vai trò làm động lực thúc đẩy thương mại toàn cầu trong vòng 20 năm qua.
Liên quan đến Việt Nam, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB nhận xét, Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển, cần tìm những nguồn thu bổ sung cho các khoản chi như lĩnh vực xã hội, cơ sở hạ tầng… Các khoản chi này bị hạn chế do thu ngân sách trên GDP thấp và cần phải xem xét cơ cấu chi tiêu và hiệu quả chi tiêu. Dẫu sao, đây là tầm nhìn trung hạn Việt Nam cần thực hiện.
“Việt Nam đã thành công trong 30 năm qua từ một quốc gia thu nhập thấp tiến lên trung bình thấp, giảm nghèo một cách đáng kể. Thách thức của Việt Nam là tăng trưởng trong trung hạn và để làm sao duy trì những thành công đã đạt được trong thời gian tới”, ông Sudhir Shetty nói.
Báo cáo WB cho biết, một điểm sáng đối với các nền kinh tế trong khu vực là tiêu dùng tư nhân tăng mạnh do nhiều nhận tố khác nhau tác động, chẳng hạn như do chi tiêu liên quan đến bầu cử ở Indonexia và thị trường lao động sôi động ở Malaysia. Ở Philippines, dòng kiều hối tăng mạnh đã thúc đẩy tiêu dùng tư nhân, trong khi tiêu dùng tư nhân chiếm tỷ trọng hơn một nửa trong tăng trưởng tổng thể của quốc gia…
Ông Sudhir Shetty nói: “Cách tốt nhất để các quốc gia trong khu vực có thể giải quyết những rủi ro này là thông qua việc giải quyết những yếu kém do những chính sách về tài chính và tài khóa từ trước đến nay đã tạo ra và bổ sung cho những biện pháp này bằng những cải cách cơ cấu nhằm tăng khả năng cạnh tranh về xuất khẩu”.