Hạ tầng TP.HCM đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn nhiều hạ chế. Ảnh: Lê Toàn

Hạ tầng TP.HCM đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn nhiều hạ chế. Ảnh: Lê Toàn

WB: TP.HCM cần đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng đồng nhất với các khu vực lân cận

(ĐTCK) Sáng ngày 17/1, tại TP.HCM, Bộ kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đã có buổi công bố báo cáo phát triển Việt Nam: Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung.

Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng ước tính là 7% trong năm 2019, nhanh hơn gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu.

Thành tựu ấn tượng này có được là nhờ tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng nhu cầu nội địa từ các hộ gia đình và doanh nghiệp, cho thấy tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

Với động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, chủ yếu từ khối FDI và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, một trong những yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là tăng cường hội nhập và kết nối thị trường nội địa để thúc đẩy sự phát triển liên tục và thịnh vượng chung, cũng như để đảm bảo rằng bất kỳ sự suy giảm tiềm năng nào trong xuất khẩu đều có thể được bù đắp bởi nhu cầu trong nước cao hơn.

Đồng thời, ông Ousmane Dione cho rằng, chuỗi giá trị hiệu quả và kết nối là yếu tố thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, bao gồm khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn cho người nông dân và nguồn thực phẩm tốt hơn cho các hộ gia đình (đặc biệt là ở khu vực đô thị), cũng như khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ dành cho tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Nguồn nhân lực có kỹ năng và thích ứng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo tính kết nối và cạnh tranh của nền kinh tế.

Cũng theo ông Ousmane Dione, Việt Nam có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối tốt, nhưng với dư địa tài khóa cho đầu tư hạ tầng hạn chế hiện tại, nên cần khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đơn cử như hệ thống cảng, song song với việc đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

Ngoài ra, cần khuyến khích và đưa ra các sáng kiến phối hợp thay vì cạnh tranh trong việc xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông giữa các địa phương. Việt Nam cần hài hòa tốt hơn mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại và tăng cường chuỗi giá trị với các mục tiêu cải thiện kết nối, vì hiện tại chưa có chính sách, hay chiến lược cụ thể nào về kết nối hướng tới thúc đẩy thương mại và quy hoạch/đầu tư vào giao thông.

Để cải thiện tình trạng này, cần ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và kỹ thuật số, giúp tối đa hóa khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải.

TP.HCM cần cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối

Riêng khu vực TP.HCM, WB cho biết, Thành phố chiếm 22% GDP cả nước; 13% vốn FDI và 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. TP.HCM là nơi có khoảng 16% dân số Việt Nam sinh sống. Tuy nhiên, xuất khẩu hiện nay chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI.

Theo Ousmane Dione, TP.HCM kết nối với các khu vực, nên có nhiều triển vọng để tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng luôn là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm. 

WB: TP.HCM cần đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng đồng nhất với các khu vực lân cận ảnh 1

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi lễ.

"TP.HCM chính là trái tim của toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửa Long. Vì thế, cần phải có một trái tim khỏe mạnh để cơ thể ngày càng phát triển. TP.HCM không chỉ có tác động đến các tỉnh, thành phố xung quanh mà còn đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", ông Ousmane Dione  nói. 

Bà Jen JungEun Oh, Chuyên gia giao thông cao cấp của WB cũng nhận định, TP.HCM có sự kết nối với các tỉnh lân cận, trong đó có những vùng được kết nối liên thông, nhưng cũng có nhiều cửa ngõ còn tắc nghẽn, chưa khai thác hết công suất. Vì vậy, Thành phố cần phải có sự đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng để thu hút mạnh hơn nữa dòng vốn đầu tư FDI.

Đồng tình với những đánh giá trên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, TP.HCM là khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng chưa đạt chuẩn và chưa kết nối được với hạ tầng của các khu vực, một số hành lang thương mại quan trọng và một số cửa ngõ đang ngày một tắc nghẽn. Việc tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp, nên cạnh tranh kém ngay cả trên sân nhà. Dịch vụ logictic còn yếu và thiếu, chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài.

 Theo ông Phong, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do Thành phố có điểm xuất phát thấp, sự kết nối còn lỏng lẻo. 

"TP.HCM mong nhận được các ý kiến đóng góp từ thực tiễn của các chuyên gia WB. Chỉ cần mỗi người 1 ý tưởng thì Thành phố tập hợp được những kinh nghiệp phong phú vì sự đa ngành, đa lĩnh vực mà các chuyên gia WB dày công nghiên cứu", ông Phong nói và hy vọng, WB và các chuyên gia, các nhà khoa học có những nghiên cứu chuyên đề về Thành phố để giúp Thành phố phát triển nhanh, bền vững thời gian tới.

Người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết, hiện nay, dư địa tăng trưởng kinh tế của Thành phố vẫn còn nhiều, việc tăng trưởng trên 8,5% là hoàn toàn có thể. 

Với quan điểm thành phố phát triển sẽ đóng góp nhiều hơn cho cả nước, TP.HCM đang Kiến nghị Trung ương xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM trong chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, mong muốn WB đẩy mạnh các hoạt động kết nối nhằm tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu kinh tế của TP.HCM hiện nay để hiện thực hoá mục tiêu xây dựng tài chính quốc tế đặt tại TP. HCM.

Tin bài liên quan