Được biết, dự án này là một phần quan trọng trong cam kết lâu dài của WB đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tăng cường quản lý châu thổ lồng ghép, thích ứng bằng cách kêu gọi sự phối hợp giữa các ban ngành, địa phương trong công tác quy hoạch, ưu tiên, thực hiện đầu tư tăng tính thích ứng.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 387 triệu USD, trong đó Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - quỹ dành riêng cho những đối tượng nghèo nhất của WB, đóng góp 310 triệu USD.
Ông Achim Fock, quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: “Những diễn biến thời tiết khắc nghiệt gần đây tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như hạn hán, ngập mặn, đang ảnh hưởng xấu đến đời sống của nông dân, trong đó phần lớn là người nghèo. Chúng tôi tin tưởng dự án mới này sẽ xây dựng được một mô hình đa ngành hiệu quả, giúp nông dân điều chỉnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hiện nay theo hướng thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.
Theo WB, sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Việt Nam nói chung, cũng như tình hình an ninh lương thực của cả khu vực. Các khu đất ngập nước và cửa sông ở đồng bằng sông Cửu Long là những nguồn đa dạng sinh học quan trọng.
Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu gạo mỗi năm đạt 4 tỷ USD, chiếm hơn 1/5 tổng giá trị xuất khẩu gạo toàn cầu. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp tới một nửa sản lượng lúa gạo của Việt Nam, 70% lượng thủy sản và 1/3 tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Tuy vậy, đây cũng là một trong những vùng đồng bằng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu cũng như các diễn biến ở thượng nguồn.
Dự án lồng ghép tăng cường sức chống chọi với biến đổi khí hậu và bền vững sinh kế vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa được phê duyệt sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quy hoạch theo hướng thích ứng với khí hậu cũng như tăng sức chống chọi với biến đổi khí hậu trong quản lý sử dụng nguồn đất và nước. Dự án sẽ đem lại những lợi ích trực tiếp cho nông dân (nhất là những người sản xuất lúa gạo) ở các tỉnh nằm ở phía thượng nguồn vùng châu thổ, cũng như các hộ dân nuôi trồng thủy sản, làm ngư nghiệp tại các tỉnh ven biển ở khu vực này, trong đó có người dân tộc thiểu số Kh’me ở hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.
Bà Anjali Acharya, Điều phối viên môi trường của WB tại Việt Nam cho biết: “Để làm việc hiệu quả tại địa bàn phức tạp như đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang phải đối mặt với cả thách thức về biến đổi khí hậu và phát triển, đòi hỏi phải có sự phối hợp hoạt động chặt chẽ với chính phủ. Dự án này cũng là một ví dụ cho thấy giá trị, lợi ích của việc hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác phát triển, đồng thời là một mô hình có thể nhân rộng ra những nước khác”.