Đà tăng trưởng tích cực của Trung Quốc góp phần vào đà tăng trưởng ngoài dự kiến của khu vực Đông Á.

Đà tăng trưởng tích cực của Trung Quốc góp phần vào đà tăng trưởng ngoài dự kiến của khu vực Đông Á.

WB: Các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tăng trưởng ngoài dự kiến

(ĐTCK) Ngân hàng thế giới (WB) dự báo, các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng 6,4% trong năm 2017 - mức tăng trưởng ngoài dự kiến.

Theo báo cáo mới nhất của WB, viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu và mức cầu nội địa tiếp tục cải thiện đã tạo cơ sở cho thấy, viễn cảnh tích cực tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương.

Các nền kinh tế phát triển tăng trưởng mạnh, giá hàng hóa nguyên vật liệu hồi phục nhẹ và thương mại toàn cầu hồi phục chính là những yếu tố tích cực từ bên ngoài giúp các nước đang phát triển trong khu vực đạt mức tăng trưởng 6,4% trong năm 2017.

Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương tháng 10/2017 cho biết, con số tăng trưởng ngoài dự kiến trong năm 2017 đạt được là nhờ kết quả tăng trưởng của Trung Quốc, vẫn đạt mức 6,7% như năm ngoái.

Tại các nước khác trong khu vực, kể cả các nền kinh tế lớn, dự kiến tăng trưởng sẽ mạnh hơn đôi chút, từ mức 4,9% năm 2016 lên 5,1% năm 2017, 5,2% năm 2018.

Nhưng viễn cảnh tích cực này có thể bị ảnh hưởng bởi một số rủi ro nội tại và bên ngoài. Cụ thể, chính sách kinh tế tại một số nước phát triển vẫn chứa đựng bất ổn, căng thẳng địa chính trị trong khu vực tiếp tục leo thang. Chính sách tiền tệ tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro có thể bị thắt chặt nhanh hơn dự kiến. Tại nhiều nước trong khu vực, nợ trong khu vực tư nhân hiện ở mức cao, trong khi đó thì thâm hụt tài khóa vẫn ở mức cao hoặc đang tăng.

Tại Việt Nam, nông nghiệp và công nghiệp chế tạo tăng trưởng trở lại dẫn đến tăng trưởng chung trong nền kinh tế

Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch WB, khu vực Đông Á Thái Bình Dương cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra và thương mại quốc tế tăng trưởng là những yếu tố tích cực đối với khu vực Đông Á Thái Bình Dương, giúp các nước tiếp tục nâng cao mức sống.

“Thách thức đối với các nước là làm sao vừa đạt các mục tiêu ưu tiên về tăng trưởng ngắn hạn, vừa đạt mục tiêu giảm bớt rủi ro trong trung hạn một cách hài hòa để từ đó các nước trong khu vực tạo được cơ sở vững chắc hơn cho tăng trưởng bền vững và hòa nhập", bà Victoria Kwakwa nói.

Theo WB, Trung Quốc sẽ tiếp tục quá trình tái cân bằng, giảm bớt tăng trưởng dựa trên đầu tư và chuyển sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng trong nước. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống mức khoảng 6,4% trong năm 2018.

Còn Thái Lan và Malaysia sẽ tăng trưởng cao hơn dự kiến do xuất khẩu tăng mạnh, bao gồm cả tăng trưởng du lịch (Thái Lan) và tăng trưởng đầu tư (Malaysia). Tăng lương thực tế dẫn đến tăng tiêu dùng tại Indonesia.

WB: Các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tăng trưởng ngoài dự kiến ảnh 1

 Tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á năm 2017 dự kiến sẽ mạnh hơn dự báo ban đầu.

Tại Việt Nam, nông nghiệp và công nghiệp chế tạo tăng trưởng trở lại dẫn đến tăng trưởng chung trong nền kinh tế. Tại Philippines, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ thấp hơn một chút so với năm 2016, một phần do các dự án đầu tư công triển khai chậm hơn dự kiến.

Viễn cảnh tại các nền kinh tế nhỏ hơn khá đa dạng. Mông Cổ và Fiji dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong giai đoạn 2017-2018. Chương trình ổn định kinh tế vĩ mô tại Mông Cổ đang thu hút FDI vào ngành khai khoáng và giao thông. Nền kinh tế Fiji sẽ tăng trưởng nhờ công tác tái thiết sau cơn bão Winston.

Tăng trưởng tại Campuchia và Lào giảm hơn so với 2016, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Thương mại và FDI tại Campuchia, ngành điện tại Lào là động lực tăng trưởng chính tại hai nước này.

Các yếu tố bao gồm tăng trưởng du lịch, giá hàng hóa nguyên vật liệu trên thế giới thấp, tăng thu từ thu phí đánh bắt hải sản, tăng trưởng ngành xây dựng đã giúp tỷ lệ tăng trưởng tại hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương tăng nhẹ.

Về lâu dài, đổi mới du lịch, tăng cường tự do đi lại cho người lao động, tăng trưởng ngành đánh bắt hải sản và kinh tế tri thức sẽ giúp nâng cao đáng kể thu nhập, việc làm và nguồn thu của chính phủ tại các nước này.

“Viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu cải thiện chính là cơ hội để các nước khắc phục yếu kém đồng thời có thể theo đuổi các biện pháp cải cách giúp đẩy mạnh tăng trưởng về lâu dài. Cần tập trung ưu tiên giảm thiểu rủi ro, nâng cao ổn định ngành ngân hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua việc hội nhập khu vực sâu hơn nữa", ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng WB, khu vực Đông Á Thái Bình Dương nói.

Các chuyên gia WB kêu gọi, hãy từ bỏ các biện pháp tăng trưởng ngắn hạn, quan tâm giải quyết các rủi ro trong tài chính và tài khóa. Các biện pháp đó bao gồm tăng cường giám sát và quản lý cẩn trọng tại các nước có tỷ lệ cao về tăng trưởng tín dụng và nợ tư nhân; đổi mới chính sách và công tác quản lý thuế nhằm tăng nguồn thu; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình huống chính sách tiền tệ bị thắt chặt do tốc độ tăng lãi suất tại các nước phát triển.

Tuy nhiên, mỗi nước có những ưu tiên tái cơ cấu khác nhau.

Tại Trung Quốc và Việt Nam, nên tiếp tục đổi mới doanh nghiệp nhà nước sẽ cải thiện tiềm năng tăng trưởng.

Tại Philippines, Thái Lan, Lào và Campuchia ưu tiên sẽ là tăng cường hệ thống quản lý đầu tư công nhằm đảm bảo mở rộng các chương trình đầu tư hạ tầng được hiệu quả hơn. Tại Indonesia, ưu tiên sẽ là tự do hóa hơn các quy định về đầu tư nước ngoài.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng cần phát triển du lịch và tăng cường hội nhập theo chiều sâu trong khu vực nhằm giảm nhẹ rủi ro do chủ nghĩa bảo hộ mang lại. Nếu quản lý tốt, tăng trưởng du lịch sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nước trong khu vực, kể cả các quốc đảo Thái Bình Dương.

Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng sẽ góp phần tăng cường hội nhập khu vực nhờ tự do hóa thương mại dịch vụ và cắt giảm hàng rào phi thuế quan.

Mặc dù công cuộc giảm nghèo diễn ra thành công nhưng tình trạng bất bình đẳng vẫn còn ở mức cao và tiếp tục tăng, trong khi mức độ di chuyển của lao động và bất ổn kinh tế lại tăng.

Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hòa nhập và dài lâu cần tập trung xóa bỏ nghèo cùng cực, đồng thời áp dụng các chính sách tăng cường cung cấp dịch vụ có chất lượng và tạo việc làm, tăng cường hệ thống an sinh xã hội nhằm giảm bớt các động của các cú sốc.

Tin bài liên quan