Trong năm 2016, Volkswagen đặt doanh số gần 4 triệu xe tại Trung Quốc. Ảnh:Motortrend.

Trong năm 2016, Volkswagen đặt doanh số gần 4 triệu xe tại Trung Quốc. Ảnh:Motortrend.

VW và GM triệu hồi hàng triệu xe ở Trung Quốc vì lỗi túi khí

Volkswagen gọi về sửa chữa 4,86 triệu chiếc, General Motors cũng thực hiện chiến dịch với 2,5 triệu xe do lỗi bơm túi khí Takata.

Hãng xe Đức triệu hồi những xe trang bị túi khí do Takata, hãng Nhật hiện đã phá sản, sản xuất. Việc sửa chữa và thay thế được thực hiện với cả xe nhập khẩu lẫn xuất xưởng tại Trung Quốc và bán ra từ năm 2005. Trong năm 2016, Volkswagen (VW) bán được gần 4 triệu xe ở quốc gia này.

Vụ triệu hồi là đòn giáng mới nhất mà hãng Đức phải hứng chịu sau nhiều rắc rối về việc phân phối cũng như chất lượng tại quốc gia châu Á này trong năm nay. 

Đợt triệu hồi cũng là hậu quả mới nhất liên quan tới bê bối túi khí Takata vốn ảnh hưởng tới cả chục triệu ôtô trên toàn cầu, trong đó gồm cả các hãng sản xuất xe hơi của Đức, Mỹ, Nhật...

Scandal, với 17 người chết và hàng trăm người bị thương khi các túi khí trên xe phát nổ, khiến hãng túi khí Nhật phá sản và khơi mào cho các vụ triệu hồi khắp thế giới với hàng trăm dòng xe khác nhau kèm cái giá phải trả tới hơn 13 tỉ USD.

Takata đã trả 1 tỉ USD tiền phạt tại Mỹ, trong khi nhiều hãng ôtô cũng phải tự chi tiền để triệu hồi và sửa chữa do khả năng Takata đảm nhiệm việc đền bù gần như vô vọng.

VW nói rằng quyết định triệu hồi xe có sự đồng thuận của các nhà chức trách Trung Quốc sau khi một phân tích cho thấy các túi khí có nguy cơ vỡ khi bung, dù chưa có trường hợp nào được báo cáo.

Ngoài VW, một hãng xe lớn khác cũng thực hiện triệu hồi hàng triệu xe ở thị trường ôtô lớn nhất Trung Quốc. General Motors (GM) và liên doanh Trung Quốc, Shanghai GM, gọi về sửa chữa hơn 2,5 triệu xe do lỗi bơm túi khí. 

Hơn 20 năm trước, các hãng xe gật đầu đồng ý để Takata cung cấp túi khí. Đến năm 2013, nhiều nhà sản xuất xe hơi bắt đầu triệu hồi số lượng lớn xe trang bị túi khí Takata. Còn các báo cáo cho biết lỗi này có thể bắt đầu từ cả thập kỷ trước đó.

Trong tháng 4 và 5/2013, tổng cộng 3,6 triệu xe bị triệu hồi.

Đến tháng 6/2014, Takata thừa nhận hãng có lượng hóa chất được bảo quản không đúng cách và đã quản lý không đúng việc sản xuất chất nổ đẩy, loại được sử dụng trong túi khí, tại nhà máy ở Mexico.

Ngày 23/6/2014, các hãng gồm BMW, Chrysler, Ford, Honda, Mazda, Nissan và Toyota công bố triệu hồi hơn 3 triệu xe trên toàn cầu do lỗi túi khí Takata.

Tháng 7/2014, một phụ nữ người Malaysia đang mang thai thiệt mạng khi chiếc Honda City đời 2003 của cô gặp tai nạn. Nạn nhân, 42 tuổi, tử vong do mảnh vỡ kim loại từ túi khí ở vị trí tài xế cứa trúng cổ khi cô đang lái xe ở tốc độ khoảng 30 km/h thì bị một ôtô khác đâm trúng.

Tháng 11/2014, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) yêu cầu Takata triệu hồi xe toàn cầu sau khi 10 hãng ôtô tại Mỹ gọi về sửa chữa hàng trăm nghìn xe có trang bị túi khí nguy cơ bị lỗi do Takata sản xuất.

Tháng 5/2015, Takata chịu trách nhiệm với đợt triệu hồi lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp ôtô. Khoảng 40 triệu xe thuộc 12 thương hiệu với "túi khí có thể phát nổ và bắn mảnh vỡ nhọn vào mặt và cơ thể tài xế cũng như hành khách ở hàng ghế trước". Tháng 11 cùng năm, Takata bị phạt 200 triệu USD tại Mỹ.

Tháng 5/2016, NHTSA công bố chiến dịch triệu hồi bổ sung với dự kiến 35-40 triệu bơm túi khí, với con số trước đó là 28,8 triệu bơm túi khí.

Tháng 8/2016, một xe tải chở linh kiện túi khí Takata gặp tai nạn ở Quemado, Texas (Mỹ) và khiến thùng xe phát nổ, phá hủy một ngôi nhà và giết chết một phụ nữ trong đó.

Tháng 1/2017, Mỹ kết tội 3 quan chức Takata vì túi khí phát nổ. Hãng đồng ý trả một tỷ USD, gồm 25 triệu USD tiền phạt, 125 triệu bồi thường cho các nạn nhân và 850 triệu bồi hoàn cho các hãng ôtô.

Tin bài liên quan