Chúng ta vừa trải qua một năm 2020 vô cùng khó khăn, cuối cùng đã có thể thở phào vì những kết quả đã đạt được, thưa Thứ trưởng?
Năm 2020 quả thực là một năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn, thậm chí là những thách thức chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, rất bất ngờ và khó lường. Đầu tiên là đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm, sau đó, lan rộng ra khắp thế giới, với diễn biến rất nhanh, phức tạp và hiện giờ vẫn tiếp tục lây lan ở nhiều nước, chưa rõ điểm dừng.
Đại dịch này đã khiến kinh tế thế giới lâm vào tình trạng suy thoái trầm trọng, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Sau đó là dịch tả lợn châu Phi, rồi thiên tai, hạn hán, bão lũ, sạt lở đất… liên tiếp xảy ra, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Khó chồng khó nên nhiều lúc tưởng chừng, nền kinh tế sẽ rơi vào suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng, chúng ta vẫn đạt được những thành tựu quan trọng.
Vượt qua thách thức, nền kinh tế vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2,91%. Tất nhiên, con số này còn thấp và cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng 6,8% mà Quốc hội đã quyết nghị, nhưng trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, đây vẫn là con số đáng tự hào. Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương duy nhất trong khu vực Đông Nam Á và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng ấn tượng. Chẳng hạn, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,23%; xuất nhập khẩu đạt kim ngạch gần 544 tỷ USD, xuất siêu trên 19 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng; thu hút đầu tư nước ngoài tốt; giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục trong những năm gần đây; các ngành, lĩnh vực, bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều đang phục hồi và ngày càng phát triển… Đặc biệt, thu ngân sách đã tăng cao hơn gần 150.000 tỷ đồng so với thời điểm đánh giá để báo cáo Quốc hội cách đây ít tháng.
Như vậy có nghĩa, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, vừa phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì được tăng trưởng kinh tế. Ngoài câu chuyện phát triển kinh tế, thì Việt Nam cũng nổi lên là một trong số ít quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Đây là điều rất đáng tự hào.
Thành tựu trong phòng chống dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ông vừa nhắc đến việc giải ngân vốn đầu tư công đã đạt kỷ lục trong những năm gần đây. Đó có phải là động lực chính để nền kinh tế Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng dương trong năm nay?
Đúng là năm nay, chúng ta đã đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020, với mức 82,8%. Giải ngân vốn đầu tư công tích cực đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì mức tăng trưởng dương của Việt Nam trong năm 2020.
Có được kết quả đó, bên cạnh sự tiện lợi, thông thoáng và linh hoạt trong việc triển khai các quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019, còn phải nhắc đến sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Việc này thực tế đã luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong nhiều năm qua, nhưng năm 2020 thì sự quyết liệt, mạnh mẽ còn lớn hơn nữa. Đó là vì sau khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, Chính phủ đã sớm xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những “cỗ xe tam mã” nhằm kích thích sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2020.
Hơn thế nữa, thúc đẩy đầu tư công cũng đồng thời góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển của đất nước giai đoạn sau.
Năm 2020, đáng mừng là chúng ta đã khởi công được một số dự án hạ tầng quan trọng, mà nhiều năm qua chưa thể làm được. Nếu không có sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có lẽ sẽ không thể đạt được kết quả như trên…
Phải nói rằng, năm 2020, dấu ấn điều hành của Chính phủ in đậm nét ở mọi mặt của hoạt động kinh tế - xã hội và trong đó không thể không nhắc đến vai trò tham mưu chiến lược của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này liệu có khiến ông nhớ tới năm 2017, năm cũng ghi dấu ấn đậm nét trong điều hành?
Năm 2017 là năm thứ hai của nhiệm kỳ 2016-2020. Thời điểm đó, nền kinh tế cũng đang ở giai đoạn rất khó khăn. Năm 2016, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 6,21%, nhưng chúng ta lại đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2017 lên tới 6,7%. Lúc ấy, sau quý I, quý II tăng trưởng thấp (5,15% và 6,28%), nhiều người lo ngại khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm. Cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên phân tích và dự báo tình hình, đã tham mưu Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng, kiên quyết không hạ mục tiêu, mà xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, lĩnh vực, đồng thời kiến nghị các giải pháp tổng thể để thực hiện bằng được kịch bản tăng trưởng đó. Kết quả, bằng bản lĩnh và sự kiên định, năm đó, tăng trưởng GDP vượt mọi dự báo (đạt 6,81%).
Từ đà tăng trưởng của năm 2017, hai năm 2018-2019, cũng nhờ sự quyết liệt trong điều hành, nền kinh tế đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Và năm nay, dấu ấn điều hành càng rõ nét hơn nữa.
Năm nay có khác hơn là tình hình rất phức tạp, do diễn biến của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu biến đổi rất nhanh chóng, khó lường, các kịch bản tăng trưởng liên tục thay đổi. Thậm chí, vào nửa cuối năm, tình hình còn rất khó dự báo. Cũng có ý kiến đề xuất, Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nhưng Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu đó, dù gần như dự báo chắc chắn rằng, không thể có tăng trưởng 6,8% trong năm nay. Giữ nguyên mục tiêu để nỗ lực phấn đấu, làm sao đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể.
Để duy trì tăng trưởng, các giải pháp tổng thể và quyết liệt đã được thực hiện, từ các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công… Quyết liệt từ Chính phủ xuống tới các bộ, ngành, rồi từng doanh nghiệp, từng người dân.
Năm qua, ngoài sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, chúng ta còn phải ghi nhận sự chung tay góp sức, sự đồng thuận và đồng hành của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, không chỉ trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh, mà còn trong duy trì, phát triển kinh tế. Không có sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn của mỗi người dân, của toàn hệ thống chính trị, chúng ta không thể đạt kết quả tích cực trong năm 2020.
Vậy còn năm 2021, chúng ta có thể đặt kỳ vọng gì vào nền kinh tế, thưa Thứ trưởng?
Tôi đã nhiều lần nói rằng, chưa bao giờ dự báo kinh tế khó khăn như bây giờ. Năm 2020 đã như thế, năm 2021 cũng như vậy. Ngoài chuyện đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, thì các vấn đề như căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thiên tai, hạn hán, bão lũ… cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Chưa kể, còn những yếu kém nội tại của nền kinh tế.
Tất nhiên, chúng ta cũng có những thuận lợi, như tình hình chính trị - xã hội ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc và niềm tin của người dân, doanh nghiệp được củng cố; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao... Nhưng khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn, nhất là khi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được đặt ra cao hơn năm 2020. Trong đó, tăng trưởng kinh tế Quốc hội quyết nghị là 6%, nhưng Chính phủ quyết tâm đạt mức cao hơn, khoảng 6,5%.
Chúng ta có nhiều cơ sở để tin tưởng vào việc thực hiện được mục tiêu đó. Tuy nhiên, để đạt được, cần có sự nỗ lực rất lớn. Năm 2021 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, do vậy việc đạt được kế hoạch đề ra vô cùng quan trọng.
Năm 2021, Chính phủ vẫn xác định thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, củng cố nền tảng vĩ mô, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của nền kinh tế, tận dụng tốt thời cơ, đưa nền kinh tế từng bước hồi phục, tạo đà cho sự tăng trưởng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn từ năm 2022.
Ngay sau Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gấp rút hoàn thiện 2 dự thảo nghị quyết số 01 và 02 để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, làm kim chỉ nam cho mọi chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong năm tới. Nếu các biện pháp đề ra được thực hiện quyết liệt và hiệu quả ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, tôi tin là, chúng ta sẽ có một năm 2021 thành công hơn năm 2020.