Hồi cuối tháng 9 năm nay, khi kiểm tra các nhà máy sản xuất xe của Nissan, Bộ Giao thông Nhật Bản đã phát hiện việc kiểm duyệt chất lượng sản phẩm tại đây vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của bộ này. Theo đó, một số kỹ thuật viên chưa đủ thẩm quyền đang sử dụng con dấu của các kỹ thuật viên đủ thầm quyền để ký xác nhận bước cuối cùng trong quy trình kiểm tra xe trước khi xuất xưởng.
Phía Nissan cho rằng, sai sót này hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới chất lượng của phương tiện và không liên quan đến bất kỳ vấn đề an toàn nào. Thế nhưng, vụ bê bối này xảy ra gần như cùng thời điểm với vụ bê bối giả mạo dữ liệu tại tập đoàn Kobe Steel - Tập đoàn sản xuất thép lớn thứ 3 Nhật Bản, và Nissan cũng là 1 trong 6 nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nhất Nhật Bản đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu của Kobe Steel.
Do vậy, những nghi ngờ về việc liệu các nhà máy sản xuất của hãng có thực sự tuân thủ chặt chẽ các quy tắc hay không đã được đặt ra. Chưa biết kết quả ra sao, nhưng rõ ràng, scandal đã làm giảm uy tín của Nissan trên thị trường Nhật.
Vụ việc trên đã khiến 1,2 triệu xe tại thị trường nội địa bị thu hồi để kiểm tra lại và gây ra một số gián đoạn trong khâu sản xuất tại cả 6 nhà máy Nissan ở Nhật. Đáng nói hơn, hãng này cũng thừa nhận rằng, ngay cả sau khi scandal này nổi lên, các cuộc kiểm tra không đạt chuẩn như vậy vẫn được tiếp tục. Theo CEO Saikawa, vấn đề này là do tình trạng thiếu nhân lực tại các nhà máy của Công ty.
Ngày 7/11, Nissan đã ra thông cáo báo chí, trong đó cho biết, Bộ Giao thông Nhật Bản đã thông qua những đề xuất sửa đổi quy trình cuối cùng trong khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm mà Nissan cung cấp và các nhà máy của họ đều sẽ được hoạt động trở lại. Cũng trong thông báo này, Nissan gửi lời xin lỗi chân thành nhất “tới các khách hàng và cổ đông của mình tại Nhật Bản vì những bất tiện và lo ngại mà hãng gây ra cho họ”.
Hôm 8/11, tại trụ sở Công ty ở Yokohama, Nissan công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2017. Theo đó, mặc dù doanh số bán hàng tăng 8,5% so với cùng kỳ 2016, lên 2.890 tỷ Yên (25,4 tỷ USD). Song, do các chi phí liên quan đến vụ bê bối kiểm tra xe không đúng tiêu chuẩn ở Nhật và một đợt thu hồi túi khí diện rộng ở Mỹ, lợi nhuận tài chính quý III/2017 của hãng này đã giảm 3% cùng kỳ, về còn 141,6 tỷ Yên (1,25 tỷ USD).
Mới đây, CEO Hiroto Saikawa cho biết, Nissan sẽ đưa ra một loạt giải pháp khắc phục xoay quanh việc sắp xếp lại dây chuyền kiểm duyệt chất lượng xe, đồng thời khẳng định rằng, vấn đề ý thức kém trong việc tuân thủ quy trình chính là một vấn đề lớn đằng sau sai phạm của Công ty, mà có thể đã bắt đầu từ gần 40 năm trước.
Nissan cho biết, sẽ tăng số lượng kỹ thuật viên kiểm duyệt lên khoảng 20% so với hiện tại vào cuối năm tài chính 2017, tức là cuối tháng 3 năm sau. Cùng với đó, Công ty sẽ làm chậm lại tốc độ sản xuất xe tại 5 nhà máy lớn nhất của Nhật Bản, chỉ còn 40-80% hiệu suất hiện tại.
Đồng thời, CEO Saikawa, người đứng đầu ủy ban kiểm soát nội bộ, sẽ thường xuyên được báo cáo về tình trạng tuân thủ quy chuẩn kiểm duyệt chất lượng xe để có thể nắm rõ tình hình và trực tiếp giám sát từng quy trình sản xuất.
“Tôi đã bắt đầu trả lại một phần lương của mình và sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến cuối tháng 3 năm sau”, CEO Saikawa nói và cho biết, sẽ cắt giảm cả lương của các lãnh đạo cấp cao khác tại Nissan, song từ chối bình luận về mức lương của Chủ tịch Carlos Ghosn.
Saikawa đã nắm giữ vị trí lãnh đạo Nissan từ hồi tháng 4 năm nay, sau khi Carlos Ghosn từ chức CEO để bước lên vị trí Chủ tịch HĐQT.