Câu chuyện của Habeco
“Phải hoàn tất thoái vốn nhà nước tại Habeco trước ngày…”, cơ quan quản lý liên tục đưa ra yêu cầu đối với các đơn vị liên quan trong những năm qua, với thời hạn mới sau khi thời hạn cũ không thực hiện được. Nhưng hiện nay, tính đến giữa tháng 4/2019, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước (mà đại diện là Bộ Công thương) tại Habeco vẫn là hơn 81% vốn điều lệ.
Vấn đề không nằm ở Bộ Công thương về việc muốn hay không muốn thoái vốn, mà ở câu chuyện thỏa thuận đối tác chiến lược với Carlsberg. Cụ thể, thỏa thuận hợp tác chiến lược đã ký của Bộ Công thương với Carlsberg từ năm 2008 - khi cổ phần hóa Habeco, có quy định về quyền ưu tiên mua cổ phần tại Habeco, tập trung ở 2 nội dung: mua theo hình thức thỏa thuận nhà đầu tư chiến lược nước ngoài duy nhất và thỏa thuận về quyền ưu tiên mua.
Theo đó, trường hợp thỏa thuận quyền mua ưu tiên, trong đó bên bán muốn chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần thì phải đảm bảo nguyên tắc: Nếu mua theo hình thức đàm phán trực tiếp thì số cổ phần đó phụ thuộc vào quyền ưu tiên mua đầy đủ của bên mua (Carlsberg), tức là phải chào bán cho Carlsberg trước.
Với trường hợp bán đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán, thì đồng thời hoặc ngay sau phiên đấu giá công khai, bên bán sẽ phải chào bán hoặc để lại trong số cổ phần còn lại cho bên mua quyền ưu tiên số lượng cổ phần sao cho nếu so với số cổ phần được đấu giá thì bằng tỷ lệ giữa số cổ phần mà Carlsberg đã mua ở thời điểm cổ phần hóa so với số cổ phần đã bán cho nhà đầu tư khác ở cùng thời điểm.
Tại thời điểm cổ phần hóa Habeco, Carlsberg sở hữu 15% vốn điều lệ và các nhà đầu tư khác mua 3,21% vốn điều lệ.
Với thỏa thuận trên, Carlsberg có quyền ưu tiên tuyệt đối trong thâu tóm Habeco. Điều này khiến việc thoái vốn nhà nước có thể không đạt mức giá cao nhất, nếu có cạnh tranh quyền mua chi phối như đã diễn ra tại Sabeco. Vì thế, việc thoái vốn Habeco trong mấy năm qua đều lỡ hẹn, một phần chờ kết quả đàm phán thay đổi điều khoản thỏa thuận của Bộ Công thương với Carlsberg.
Câu chuyện của một doanh nghiệp bảo hiểm
Câu chuyện thoái vốn nhà nước tại Sabeco thành công và Habeco chưa thực hiện được cho thấy, ảnh hưởng đến tiến trình thoái vốn chính là thỏa thuận đối tác chiến lược. Điều đáng nói, câu chuyện thỏa thuận đối tác chiến lược này không chỉ bị vướng tại Habeco, mà còn ở một số trường hợp khác.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, việc thoái vốn nhà nước tại một doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay cũng đang gặp khó khăn do vướng thỏa thuận chiến lược giữa phía cổ đông nhà nước và nhà đầu tư chiến lược đến từ Pháp, được ký hơn 10 năm trước. Nguồn tin cho hay, nhà đầu tư chiến lược khi đó trả giá cao để sở hữu xấp xỉ 16% vốn điều lệ của doanh nghiệp, đi kèm với đó là những ràng buộc, khiến việc thoái vốn nhà nước tại đây đang gặp khó, dù phía Việt Nam đã tìm được ứng viên sẵn sàng mua cổ phần.
Đây là lý do khiến nội dung thoái vốn nhà nước tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của doanh nghiệp bảo hiểm trên trong các năm qua đều được nhà đầu tư quan tâm, doanh nghiệp cũng luôn nằm trong danh mục thoái vốn nhà nước, nhưng thị trường vẫn chưa nhận được thông tin mới từ đại diện vốn nhà nước.
Tìm đối tác chiến lược cho doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn là một hướng đi đúng đắn, không chỉ giúp cổ đông nhà nước đạt được hiệu quả thoái vốn, mà còn giúp doanh nghiệp có điều kiện bứt phá sau khi thay đổi cơ cấu sở hữu.
Một số hợp đồng hợp tác chiến lược “buộc chân” phía Việt Nam trong các đợt thoái vốn tiếp theo.
Nhưng trên thực tế, việc tồn tại những hợp đồng hợp tác chiến lược mang tính “buộc chân” phía Việt Nam trong các đợt thoái vốn tiếp theo đang khiến đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp lúng túng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ vì chưa biết tiến trình cổ phần hóa, thay đổi cơ cấu sở hữu sẽ như thế nào.