“Vướng” hai kỳ Tết, CPI tháng 1/2017 tăng 0,46%

Tháng 1/2017 xen giữa hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch, nên CPI tăng 0,46%. Đây là mức tăng không quá cao so với thông lệ các tháng Tết.

Tổng cục Thống kê, vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới Đinh Dậu, đã chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2017.

Cụ thể, CPI tháng 1/2017 đã tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước.

“Vướng” hai kỳ Tết, CPI tháng 1/2017 tăng 0,46%  ảnh 1

CPI tháng 1/2017 đã tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước 

Đây là mức tăng khá cao so với các tháng gần đây. Tuy nhiên, nếu xét ở thời điểm “xen” giữa hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch, thì đây là mức tăng có thể chấp nhận được.

Tháng 1 năm ngoái, CPI thậm chí còn không tăng so với tháng trước, còn tháng 1/2015, CPI còn giảm 0,2%. Tuy nhiên, hai năm vừa qua, Tết Âm lịch rơi vào tháng 2.

Trong khi đó, ở các năm có lạm phát cao, tháng 1/2008, CPI tháng 1 còn tăng tới 2,38%, còn năm 2011, mức tăng là 1,74%.

Quay trở lại với diễn biến giá cả hàng hóa tháng 1/2017, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng giá. Trong đó, giao thông tăng cao nhất, với 3,21%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,01%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,78%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,57%...

Trong khi đó, có hai nhóm hàng giảm giá là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - giảm 0,24%; bưu chính và viễn thông - giảm 0,15%.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, do nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng nên giá một số mặt hàng về lương thực, đồ uống, may mặc tăng cao hơn tháng trước.

Cộng thêm việc giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo bước 2 bao gồm chi phí tiền lương của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính ở một số quận, huyện của TP.HCM nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 1,3% so với tháng trước.

Việc giá xăng dầu bị ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng vào ngày 20/12/2016, ngày 4/01/2017 và ngày 19/01/2017 cũng làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,41% so với tháng trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,27%.

Nhu cầu đi lại cuối năm tăng cùng với giá xăng dầu tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng cũng tăng 1,05% so tháng trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1/2017 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 1,88% so với cùng kỳ.

Trong tháng 1/2017, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Theo Tổng cục Thống kê, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 1/2017 so cùng kỳ ở mức dưới 2% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

Tin bài liên quan