Tác động của dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng
Dịch bệnh Covid-19 làm cho dòng chảy lưu thông hàng hóa, tiền tệ đột nhiên bị ngưng lại, khiến hàng hóa không tiêu thụ được và chuỗi sản xuất bị đứt đoạn ở một số khâu. Lần đầu tiên trong lịch sử, dòng chảy hàng hóa và tiền tệ bị “ngưng trệ” không chỉ ở phạm vi một quốc gia, mà còn trên toàn thế giới. Hoạt động thanh toán và đầu tư bị đứng lại, làm cho vòng quay luân chuyển hàng hóa, đầu tư mở rộng sản xuất không còn, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm và dòng vốn không luân chuyển.
Các doanh nghiệp phụ thuộc vốn vay ngân hàng bị ảnh hưởng lớn (do vòng quay vốn bị kéo dài), làm cho chi phí tài chính, các kế hoạch dòng tiền bị phá vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Ngân hàng là một định chế tài chính và thành công của ngân hàng phụ thuộc vào thành công của khách hàng (cá nhân và doanh nghiệp). Vì vậy, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, thể hiện rõ qua việc khách hàng không thể thanh toán phí và lãi suất cho ngân hàng do bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Xét về rủi ro của ngân hàng, thông thường sẽ có rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống. Rủi ro nào kiểm soát được thì ngân hàng sẽ tiến hành điều chỉnh, khắc phục và thực hiện mục tiêu kinh doanh sao cho phù hợp. Nhưng dịch bệnh Covid-19 hiện nay là một rủi ro ngoài kiểm soát, ngoài dự báo của các nhà phân tích và nền kinh tế toàn cầu đều trong trạng thái bị động, chứ không riêng gì ngành ngân hàng.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
Tác động đầu tiên của dịch Covid-19 là làm giảm nguồn thu của ngân hàng, cũng như gia tăng nợ xấu do nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán. Khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tín dụng của khách hàng (hết quý I/2020, tín dụng tăng 1,3% thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,2% cùng kỳ năm 2019, theo Ngân hàng Nhà nước), làm sụt giảm doanh thu, cũng như tăng rủi ro về nợ xấu do khách hàng gặp khó khăn và thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng. Ngoài ra, việc giãn, hoãn nợ và giảm lãi, phí cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng.
Tác động thứ hai là nợ xấu và để xử lý vấn đề này mất khá nhiều thời gian. Sau nhiều năm nỗ lực, việc xử lý nợ xấu đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong năm 2019. Kết thúc năm 2019, ngành ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) khoảng 4,65%.
Tiến trình xử lý nợ xấu đang trên đà thuận lợi thì bất ngờ gặp nhiều thách thức do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.
Thời điểm khó khăn hiện nay cũng chính là cơ hội để các ngân hàng cấu trúc mạnh mẽ giao dịch không dùng tiền mặt và quy trình vận hành gọn nhẹ, hiệu quả, cũng như hoạch định kế hoạch hành động trước thiên tai, dịch bệnh, rủi ro…
Tác động thứ ba là cấu trúc vận hành và người lao động của ngân hàng bị ảnh hưởng, bởi đa phần các tổ chức đều phải giảm nhân sự, giảm giờ làm… Đồng thời, cũng như các doanh nghiệp khác, chi phí vận hành (trung bình tăng khoảng 20% vì triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nội bộ) và cách tổ chức vận hành của ngân hàng (ví dụ như các bộ phận cần tiếp xúc trực tiếp để tư vấn khách hàng tạm thời ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến hiệu quả và năng suất làm việc) là những tác động tiếp theo.
Các ngân hàng đã phải giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí lương, thưởng…, tập trung mọi nguồn lực cần thiết để có thể giảm mạnh lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt, các ngân hàng đã thực hiện những biện pháp này trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát lạm phát; đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt và liên tục, cung cấp đầy đủ các hoạt động dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, cho người dân và doanh nghiệp; giữ ổn định tình hình thanh khoản của thị trường, cũng như giữ ổn định diễn biến tỷ giá…
Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, các tác động trên sẽ càng thêm mạnh, đồng thời phát sinh nhiều vấn đề khác như ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư, kế hoạch kinh doanh của các tổ chức (vì không biết khi nào dịch bệnh kết thúc để khôi phục hoạt động bình thường), nhu cầu cần phải cơ cấu lại để phù hợp với tình hình, cũng như khó khăn tài chính tiếp tục suy giảm trên diện rộng…
Cơ hội vượt khó bằng nội lực
Ngành ngân hàng, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đã lên các kịch bản hành động tương ứng với dự báo khác nhau của dịch bệnh từ thấp đến cao. Kinh tế 2 quý đầu năm đã và đang bị tác động mạnh, nhưng 2 quý còn lại có khả năng phục hồi. Thực tế, Chính phủ đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt và quan trọng hơn là Việt Nam đảm bảo được an ninh lương thực. Thị trường tiền tệ - tài chính trong tầm kiểm soát và chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt đang thể hiện vai trò hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp.
Thời điểm khó khăn hiện nay cũng chính là cơ hội để các ngân hàng cấu trúc mạnh mẽ giao dịch không dùng tiền mặt và quy trình vận hành gọn nhẹ, hiệu quả, cũng như hoạch định kế hoạch hành động trước thiên tai, dịch bệnh, rủi ro…
Với những điểm mạnh như tài chính dồi dào, nhân sự, quản trị, marketing, hệ thống phân phối online hiện đại…, các ngân hàng có thể sử dụng những hướng chiến lược như phát triển khách hàng và hệ thống phân phối dịch vụ online; triển khai các gói hỗ trợ tín dụng cho các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tái cơ cấu hệ thống - nhân sự - phúc lợi; thúc đẩy hoạt động marketing gắn liền với hoạt động hỗ trợ tích cực đẩy lùi dịch bệnh…
Bên cạnh đó, các ngân hàng đang cơ cấu và khắc phục những điểm yếu trong hoạt động kinh doanh nhằm tránh các nguy cơ. Đánh giá các điểm yếu đang gặp phải và xem xét tác động của dịch Covid-19, sau đó thực hiện khoanh vùng để hướng đến hành động khắc phục hạn chế điều này và giảm sự tác động nhiều nhất có thể.
Càng trong các thời điểm khó khăn, ngân hàng càng phải hướng tới khách hàng của mình, tiến hành các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị tác động lớn, đồng thời tích cực đẩy mạnh thực hiện các giao dịch trực tuyến. Việc đẩy mạnh các hoạt động giao dịch online vừa giúp ngân hàng giữ được khách hàng, vừa duy trì nguồn thu và bù đắp cho những hoạt động giao dịch ngoại tuyến. Thêm nữa, ngân hàng cũng có thể tiếp tục phát triển, khai thác mạnh các hợp đồng bán chéo.
Tuy nhiên, đẩy mạnh giao dịch trực tuyến cần đi kèm với điều kiện ngân hàng phải có nền tảng công nghệ tốt. Đây là lợi thế cho những ngân hàng đã xây dựng hệ thống online được vận hành tốt. Những ngân hàng nào chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận từ tín dụng sang dịch vụ từ trước thì sẽ có lợi hơn, giảm thiểu tác động từ những rủi ro khó lường.
Chống dịch, phục hồi và bứt phá sau dịch là chặng đua đường dài. Vì vậy, sự an toàn và độ bền của ngành ngân hàng có ý nghĩa quan trọng cho sự phục hồi và bật dậy của nền kinh tế. Các biện pháp hỗ trợ chống dịch cần sự chú ý an toàn của ngành ngân hàng, tránh các rủi ro pháp lý cho các ngân hàng thương mại, gia tăng nợ xấu và rủi ro của hệ thống trong trung hạn. Đồng thời, cần duy trì các nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng, tách bạch giữa các hoạt động thương mại và cho vay chính sách.
Cũng như tất cả các doanh nghiệp khác, các ngân hàng thương mại không thể "miễn nhiễm" trước dịch bệnh, nên cũng cần được hỗ trợ các chính sách như giãn thuế, chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…