Đồng thời kết hợp với Tây Nguyên để trở thành vùng du lịch trọng điểm mang tầm khu vực và thế giới.
Câu chuyện liên kết
Cụm từ “liên kết để phát triển” một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm vừa diễn ra.
Thủ tướng xem đây là vấn đề tất yếu đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh tác động của Covid-19.
Câu chuyện “liên kết” cũng được đề cập rất nhiều lần đối với Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhiều hội nghị, hội thảo diễn ra và nhiều chuyên gia kinh tế hiến kế để các địa phương trong Vùng tìm ra lời giải cho bài toán liên kết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, đáp án chưa được như kỳ vọng, vậy đâu là nút thắt?
Lãnh đạo một tập đoàn kinh tế đang đầu tư tại miền Trung nhìn nhận, vấn đề cốt lõi của sự liên kết này chính là cần cụ thể hóa nội dung liên kết, liên kết trong công việc gì? Chủ thể của liên kết? Cách làm ra sao? Liên kết theo hướng nào để đảm bảo tính thống nhất? Và quan trọng nhất, chính là tính chủ động của từng địa phương trong công tác phối hợp.
“Thành công của sự liên kết không phải là tên gọi của nó, mà nội hàm bên trong nó vận hành thế nào. Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung dường như chưa có sự chủ động, thống nhất từ yếu tố nội hàm này”, lãnh đạo tập đoàn này nhận xét.
Trên thực tế, mô hình liên kết cũng được thiết lập giữa các địa phương gần kề và chủ yếu trong lĩnh vực du lịch. Đơn cử, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cùng bắt tay nhau hình thành chương trình “Ba địa phương, một điểm đến” hay sáng kiến “Con đường di sản miền Trung” đã đi vào thực tế và mang lại nhiều tích cực.
Hoặc, Phú Yên liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ, Nam Trung bộ - Tây Nguyên, hình thành tứ giác nhiều tiềm năng và lợi thế; hợp tác phát triển du lịch với Thủ đô Hà Nội và cụm phía tây Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang.
Nhìn nhận về sự liên kết này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, phát triển du lịch không thể không liên kết, nếu địa phương không liên kết, thì doanh nghiệp cũng chủ động liên kết. Du lịch sẽ mang lại giá trị tối ưu nếu hình thành chuỗi, và chuỗi sản phẩm là xuất phát từ nhu cầu tất yếu của du khách.
“Tuy nhiên, sự hiện diện của chính quyền các địa phương trong việc liên kết phát triển du lịch sẽ tốt hơn rất nhiều, giúp định vị được giá trị địa phương trên hệ thống chuỗi sản phẩm du lịch thông qua việc thống nhất quy hoạch, phát triển những dòng sản phẩm mang tính truyền thống của mỗi địa phương, điều này giúp du khách cảm thấy không bị nhàm chán khi sản phẩm lặp đi lặp lại”, ông Dũng nhìn nhận.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các tỉnh miền Trung cần nhìn tổng thể Vùng dưới góc độ liên kết cứng như hệ thống hạ tầng, quy hoạch, nhân lực và liên kết mềm liên quan đến chính sách và các chương trình xúc tiến mời gọi đầu tư.
Trong đó, quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến tổng thể kinh tế của Vùng và tính hiệu quả trong thu hút đầu tư.
Vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam cho rằng, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cần tích cực phối hợp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng.
“Mỗi địa phương cũng cần điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tính chất vùng, trong đó chú trọng tính liên kết và kết nối, tập trung xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách; lập kế hoạch mở rộng, phát triển các sân bay; ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng…” ông Chính nói.
Động lực từ dư địa
Khi liên kết chưa thực sự đi vào chiều sâu và thực chất thì dư địa cho chiến lược này vẫn mãi là tiềm năng, nếu không nói đó là khoảng trống. Điều này thể hiện rõ ở sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư và cộng hưởng, tương tác giữa các lĩnh vực thu hút đầu tư.
Có nhiều ý kiến từ các chuyên gia trong việc chia sẻ cơ hội thu hút đầu tư từ liên kết vùng, như Quảng Nam hiện nay có công nghiệp ô tô, thì địa phương khác thu hút công nghiệp phụ trợ; Quảng Ngãi có công nghiệp lọc dầu, luyện cán thép, thì địa phương khác thu hút lĩnh vực khâu sau chuyên sâu… Tuy nhiên, những mong muốn và đề xuất này đến nay vẫn bỏ ngõ.
Tại các Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực này cũng tâm huyết với việc liên kết. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhìn nhận, rào cản lớn nhất làm cho liên kết vùng chưa hiệu quả chính là lợi ích mang tính cục bộ của các địa phương.
“Để có mô hình liên kết vùng hiệu quả, các địa phương cần thoát khỏi tư duy địa giới hành chính địa phương, lợi ích cục bộ. Ngoài ra, không thể thiếu vai trò chỉ đạo, định hướng và điều tiết các hoạt động liên kết vùng của Trung ương”, ông Thơ đánh giá.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện những nội dung liên kết vùng trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp địa phương.
Tỉnh Kon Tum kiến nghị Trung ương quan tâm nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc qua các tỉnh Tây Nguyên, đầu tư tuyến đường sắt nối vùng “nóc nhà Đông Dương” với các tỉnh duyên hải miền Trung.
Vấn đề liên kết vùng cũng nhận được nhiều kiến nghị từ các chuyên gia kinh tế.
Theo TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển Vùng duyên hải miền Trung, miền Trung cần có quyết tâm cao theo tinh thần “bây giờ hoặc không bao giờ”, đặc biệt trong việc cải cách thể chế, xây dựng môi trường đầu tư.
“Để tạo ra môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh vượt trội, miền Trung - Tây Nguyên cần cải thiện 3 nhân tố: chính sách, thể chế; đào tạo nguồn lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông”, TS. Trần Du Lịch nói.
Du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực miền Trung - Tây nguyên. Năm 2018, tổng thu từ du lịch của khu vực này chiếm khoảng 19% tổng thu du lịch của cả nước.
Trong thời gian tới, nếu các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tận dụng tốt việc liên kết vùng, cụm du lịch đồng thời tạo sức hút để các doanh nghiệp tăng đầu tư, chắc chắn kinh tế khu vực này ngày càng khởi sắc.