Vững bước nhờ lợi thế mới

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Theo ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc, Phụ trách Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân, Deloitte Việt Nam, nền kinh tế năm 2021 được dự báo tiếp tục chịu hệ lụy của dịch Covid-19, nhưng với những lợi thế của các hiệp định thương mại thế hệ mới, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trong khu vực sẽ tiếp tục vững bước.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc, Phụ trách Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân, Deloitte Việt Nam,

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc, Phụ trách Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân, Deloitte Việt Nam,

Là đơn vị đồng hành trong quá trình chấm giải ASEAN Business Awards (ABA) năm nay, ông nhìn nhận bức tranh chung của các doanh nghiệp ASEAN như thế nào?

Giải thưởng ABA là giải thưởng chính thức của ASEAN do Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN tổ chức thường niên. Năm 2020, giải thưởng được Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN phối hợp với VCCI và Tập đoàn BRG tổ chức cùng sự tư vấn của đối tác chiến lược Deloitte.

Là đơn vị tư vấn và đối tác chiến lược của Giải thưởng, Deloitte đánh giá cao các doanh nghiệp tham gia giải thưởng năm nay.

Sự tham gia của các doanh nghiệp đã tạo nên những điểm sáng trong bức tranh nhiều màu sắc của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực ASEAN trong một năm đặc biệt nhiều biến động.

Điều này được thể hiện qua số lượng doanh nghiệp tham gia và chất lượng của các bộ hồ sơ đăng ký. Mặc dù thời gian tổ chức giải năm nay ngắn hơn nhiều so với những năm trước, nhưng ABA 2020 vẫn thu hút được số lượng đông nhất các doanh nghiệp tham gia trong 14 năm tổ chức vừa qua.

Đặc biệt, Philippines, Việt Nam và Myanmar là ba quốc gia dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp đăng ký giải thưởng ABA 2020. Chất lượng của các hồ sơ cũng được ban tổ chức đánh giá cao dựa trên những tiêu chí mới của giải thưởng ABA năm nay như kế hoạch mở rộng kinh doanh, chính sách đào tạo và phát triển nhân sự và những đổi mới trong phát triển sản phẩm.

Giải thưởng năm nay có thêm hạng mục Ứng phó với Covid-19 (Combating Covid-19), ông đánh giá như thế nào về nỗ lực/giải pháp các doanh nghiệp ứng phó với đại dịch?

Hạng mục Ứng phó với Covid-19 (Combating Covid-19) trong giải ABA 2020 khác với những năm trước, ghi nhận những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong công tác phòng chống và khắc phục những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội các nước.

Thông qua hạng mục giải thưởng này, tôi nhận thấy rất nhiều doanh nghiệp đã có những sáng kiến hay, những hoạt động quan trọng không chỉ đóng góp mạnh mẽ cho việc ứng phó, phòng chống đại dịch Covid-19, mà còn góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của cộng đồng địa phương tại mỗi quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh việc liên minh giữa các doanh nghiệp, sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với Chính phủ và các cơ quan thuộc khu vực công như Bộ Y tế để đề xuất và thực hiện một số sáng kiến ứng phó với đại dịch tầm cỡ quốc gia được ban tổ chức đánh giá cao, tăng hiệu quả hoạt động, lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng, và đặc biệt thể hiện tinh thần lạc qua ngay trong đại dịch.

Doanh nghiệp Việt Nam có vị thế như thế nào trong bức tranh chung với doanh nghiệp khu vực?

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia ABA 2020 được nhìn nhận và đánh giá khá đồng đều so với các doanh nghiệp khác trong khu vực cả về số lượng và chất lượng. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia giải thưởng năm nay chiếm 13,11% trong tổng số doanh nghiệp từ 10 nước ASEAN.

Doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá cao về sự đầu tư và chất lượng của các hồ sơ tham dự, đáp ứng được những tiêu chuẩn mang tầm khu vực mà ban tổ chức đặt ra nhằm nâng cao vị thế của giải thưởng ABA 2020.

Bên cạnh đó, tham vọng vươn ra khu vực và thế giới của các doanh nghiệp Việt cũng được phản ánh trong hồ sơ, thông qua các chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh và chi nhánh tại các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong ba năm tới.

Theo ông, đâu là những điểm hay và bài học kinh nghiệm mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể trao đổi học hỏi từ các doanh nghiệp trong khu vực?

Giải thưởng ABA 2020 tạo cơ hội để các quốc gia, các doanh nghiệp khẳng định vị thế của mình trong khu vực Đông Nam Á. Mỗi doanh nghiệp tham gia đều để lại dấu ấn với những điểm nổi bật và bài học kinh nghiệm mà doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi nhằm nâng cao vị thế trên bản đồ ASEAN nói riêng và nâng tầm khu vực ASEAN trên đấu trường quốc tế nói chung.

Về kế hoạch phát triển doanh nghiệp, tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp không chỉ dừng ở việc nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh tại địa phương với những ý tưởng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn mở rộng quy mô hoạt động ra các thị trường khác trong khu vực.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp vạch ra kế hoạch mở thêm chi nhánh hoạt động tại các nước khác trong khu vực, chi tiết hóa việc triển khai và cách thức để sản phẩm/dịch vụ tiếp cận đến người tiêu dùng tại các quốc gia khác nhau.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có nhiều cải tiến và nhạy bén hơn trong việc tìm kiếm giải pháp. Chúng ta không thể phủ nhận tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế - xã hội trong khu vực Đông Nam Á.

Dù diễn biến đại dịch vẫn còn phức tạp và doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo sự ổn định hoạt động, nhưng nhiều doanh nghiệp không đầu hàng trước thách thức mà tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt tình hình để kịp thời đưa ra những ý tưởng, giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và dân cư xung quanh cùng vượt qua cơn khủng hoảng.

Tinh thần hỗ trợ và tạo dựng một liên minh bền vững là điều đáng quý và cần được thúc đẩy ở các doanh nghiệp trong toàn khu vực.

Cách thức vận hành của một số doanh nghiệp gia đình ASEAN cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam nên học hỏi.

Họ chú trọng vào việc trang bị kỹ năng và kiến thức cho những thế hệ tiếp nối như đào tạo chất lượng giáo dục từ sớm tại các trường học, học viện hàng đầu, huấn luyện chuyên sâu về các kỹ năng lãnh đạo, điều hành và quản trị con người.

Đồng thời, các khung quy định riêng cùng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt được thiết lập để đảm bảo các thành viên gia đình đủ năng lực để tham gia công việc kinh doanh của gia đình.

Ngoài ra, có những bài học kinh nghiệm có thể được đúc kết không chỉ từ các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN, mà ngay từ chính các doanh nghiệp Việt Nam. Có hai doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu chiến thắng ở hạng mục phát triển nguồn nhân lực (Skills Development).

Đây là hạng mục giải thưởng ghi nhận những nỗ lực không ngừng trong việc tạo ra môi trường làm việc cam kết cao với việc đào tạo và không ngừng nâng cao chất lượng nhân sự ở mọi cấp bậc. Theo tôi, đây là hạng mục mang nhiều giá trị, thể hiện sự phát triển bền vững và khả năng kết nối với các doanh nghiệp trong khu vực.

Từ thông tin chung mà các doanh nghiệp gửi đến, ông nhìn nhận gì về xu hướng kinh doanh, đầu tư các doanh nghiệp trong khu vực?

Xu hướng kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp có một vài điểm chung. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch đầu tư trong tương lai gần.

Như chúng ta đã biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng hầu hết đến các doanh nghiệp, trên các phương diện hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự, gặp khó khăn khi tìm đầu ra cho sản phẩm, kéo theo hệ lụy là đe dọa tính liên tục của chuỗi cung ứng, và nhiều hậu quả lâu dài.

Bên cạnh đó, Việt Nam nói riêng và một số nước ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thách thức lớn từ đại dịch Covid-19 và thiên tai không chỉ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài đến môi trường kinh doanh, mà còn làm tổn thất tài sản đã tích lũy trong nhiều năm của doanh nghiệp.

Tình trạng khó khăn này đã thức tỉnh nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng ASEAN về nhu cầu chuyển đổi mô hình kinh doanh thông minh.

Tình trạng khó khăn này đã thức tỉnh nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng ASEAN về nhu cầu chuyển đổi mô hình kinh doanh thông minh, thích ứng tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.

Một trong những công cụ hữu hiệu nhất để doanh nghiệp đi nhanh và hiệu quả chính là đầu tư theo hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế số. Đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của chuyển đổi số từ yêu cầu đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.

Trên phương diện tài chính, việc ứng dụng kỹ thuật số, đặc biệt là công cụ phân tích sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường các hoạt động báo cáo, dự báo lãi lỗ và dòng tiền, hoặc sử dụng các thiết bị công nghệ và phân tích dự báo khi lập kế hoạch cho các tình huống giả định cụ thể và mô hình hóa tác động của từng tình huống đối với tỷ suất lợi nhuận.

Việc chuyển đổi số thành công, đảm bảo tính bảo mật sẽ còn giúp doanh nghiệp quản lý công việc trong tương lai khi làm việc từ xa đang dần trở nên phổ biến hơn trong giai đoạn bình thường mới, xóa bỏ giới hạn về địa lý, tháo gỡ gánh nặng về chi phí di chuyển.

Mặc dù, nhiều chuyên gia đánh giá năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn cho doanh nghiệp khi vừa phải ứng phó với những tác động, hệ lụy của đại dịch Covid-19; nhưng với những lợi thế của hiệp định thế hệ mới, chúng tôi tin Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN tiếp tục vững bước, gây dựng một cộng đồng phát triển bền vững.

Tin bài liên quan