Gồng lỗ
Là người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng nên anh Đào Hưng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chủ yếu đầu tư cổ phiếu lĩnh vực này. Năm ngoái, dịch Covid-19 xuất hiện khiến thị trường chứng khoán sụt giảm, anh cũng như nhiều nhà đầu tư khác lo ngại nên bán ra phần lớn danh mục.
Sau đó, thị trường phục hồi, anh nhanh chóng mua lại nên bù đắp được khoản lỗ trước đó. Sóng tăng kéo dài ngoài dự đoán giúp hầu hết các đợt đầu tư vào cổ phiếu “vua” đều có lãi. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7/2021 đến nay, giá cổ phiếu ngân hàng có diễn biến giảm, mang lại thua lỗ cho nhà đầu tư.
“Đợt lỗ vừa qua làm teo tóp khoản lãi tích lũy kể từ đầu năm. Bán ra bây giờ sợ cắt lỗ đúng đáy nên tôi vẫn giữ cổ phiếu ngân hàng, kỳ vọng hoạt động đầu tư năm nay sẽ tiếp tục có lãi”, anh Đào Hưng nói.
Nhà đầu tư Quỳnh Hoa ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, chị đang gồng mình chịu lỗ bởi 1/3 danh mục đầu tư thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng như MBB, CTG, LPB, TCB… đều giảm giá.
Cổ phiếu LPB mua ở mức giá trên 26.000 đồng/cổ phiếu, hiện lỗ 14%; cổ phiếu TCB mua ở mức giá trên 53.000 đồng/cổ phiếu, hiện lỗ 7%; cổ phiếu MBB mua với giá gần 30.000 đồng/cổ phiếu, hiện lỗ gần 6%...
Quỳnh Hoa không sử dụng đòn bẩy nên không quá lo lắng, thấp thỏm như các nhà đầu tư sử dụng nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin), mà kỳ vọng giá sẽ sớm tăng trở lại. Tuy nhiên, trong các nhóm “phím hàng”, đa số ý kiến đều khuyên bán cổ phiếu ngân hàng để đầu tư vào nhóm khác như bất động sản, đặc biệt bất động sản công nghiệp, logistics, hay những doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công.
“Tôi đang khó xử với danh mục cổ phiếu ngân hàng, vì báo cáo của một số công ty chứng khoán nhận định, nhóm cổ phiếu “vua” sẽ khó phục hồi trong ngắn hạn”, Quỳnh Hoa chia sẻ.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, mà nhà đầu tư tổ chức được đánh giá là chuyên nghiệp như quỹ đầu tư cũng chứng kiến cổ phiếu ngân hàng trong danh mục giảm giá, ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư.
Chẳng hạn, PYN Elite Fund, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan có hiệu suất đầu tư âm 5,47% trong tháng 7/2021 và âm 0,19% trong tháng 8/2021.
10 mã chứng khoán có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của PYN Elite vẫn là VHM, TPB, VRE, HDB, VEA, MBB, CTG, ACV, NLG, VN Diamond.
Nhưng trong tháng 8, ba cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là CMC tăng 24,4%, TLG tăng 13,5%, CEO tăng 8,1%, còn ba cổ phiếu có giá giảm mạnh nhất thuộc nhóm ngân hàng là CTG giảm 7,6%, HDB giảm 3,7%, MBB giảm 3,5%. Quỹ đã giảm tỷ trọng đầu tư tại HDB, MBB và TPB.
Thực tế, thị trường chung có diễn biến giảm trong thời gian qua, nhưng nhóm ngân hàng có mức giảm sâu hơn nhiều nhóm khác, bởi nhà đầu tư quan ngại các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, kéo dài.
Theo đó, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ thu hẹp trong nửa cuối năm 2021 do phải hạ lãi suất cho vay, trong khi trích lập dự phòng rủi ro tăng bởi nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay 1 điểm phần trăm, BID giảm lãi suất cho vay 1,5 điểm phần trăm.
VCB sau đó giảm thêm lãi suất cho vay 0,5 điểm phần trăm đối với các khoản vay hiện hữu của khách hàng tại TP.HCM, Bình Dương và 17 tỉnh, thành phố phía Nam khác. Tổng gói hỗ trợ lãi suất trong nửa cuối năm 2021 của 3 ngân hàng ước tính gần 11.000 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank, VPBank, MB và ACB giảm lãi suất cho vay lên đến 1,5 điểm phần trăm đối với các khoản vay hiện tại và khoản vay mới để hỗ trợ khách hàng. Dù lãi suất cho vay giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 được dự báo giảm xuống 10 - 12% từ mức 13% trước đó, do cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư.
HSBC vừa công bố điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 5,1%, phản ánh tác động của dịch bệnh.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, không quá ngạc nhiên khi các số liệu tháng 8 phản ánh rõ nét những tổn thất kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu. Tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư hiện nay nghiêm trọng hơn giai đoạn giãn cách xã hội cả nước trong 3 tuần đầu tháng 4/2020.
“Tiêu dùng cá nhân trong nước ảnh hưởng nặng nề khi khả năng đi lại của người dân nói chung bị hạn chế tới mức trung bình 60% so với trước đại dịch. Điều này đồng nghĩa với mức sụt giảm 40% của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình tại TP.HCM còn nghiêm trọng hơn nơi khả năng đi lại của người dân giảm gần 90%, khiến doanh số bán lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Tim Evans nói.
Kỳ vọng tích luỹ đi lên
Công ty Chứng khoán VNDIRECT vẫn có đánh giá cao đối với ngành ngân hàng. Tín dụng phục hồi yếu, nhưng vẫn có ngân hàng có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancassurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối...).
Lãi suất cho vay giảm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cầu tín dụng chưa phục hồi, tăng trưởng kinh tế dự báo khó khăn là những yếu tố đưa đến dự báo tiêu cực về nhóm cổ phiếu “vua”.
Trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi ít gay gắt hơn và thanh khoản dồi dào, VNDIRECT ưu tiên các ngân hàng có thể thúc đẩy cho vay cá nhân để có được lợi suất tài sản tốt hơn. Nợ xấu có nguy cơ tăng trong một vài quý tiếp theo, nhưng các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào sẽ là lựa chọn đầu tư hợp lý.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Những nhà đầu tư thành công nhất luôn biết cách đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao cùng biên độ an toàn đủ lớn và luôn tạo ra giá trị trong dài hạn”.
Trong ngành ngân hàng hiện nay, đáng chú ý là VPBank (mã chứng khoán VPB) đã ký kết thành công thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho SMFG, cùng với việc công bố kế hoạch phát hành thêm 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược, kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của Ngân hàng.
Với mức giá cổ phiếu hiện tại, hệ số P/B của VPB khoảng 1,5 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 2,2 lần, cho thấy sự hấp dẫn về phương diện định giá.
Trong khi đó, VPBank chủ động kiểm soát chi phí nhằm gia tăng lợi nhuận. Chi phí vốn có xu hướng giảm qua từng năm nhờ việc tăng trưởng nhanh tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) từ mức 10% năm 2010 lên hơn 18% tính đến cuối quý II/2021.
Ngoài ra, chi phí hoạt động (CIR) của VPBank thuộc nhóm tốt nhất toàn ngành hiện nay, chỉ khoảng 23%. Nhờ vậy, Ngân hàng đạt tỷ suất sinh lợi trên vốn (ROE) ở mức cao, trên 20% kể từ năm 2015 đến nay, có thời điểm đạt hơn 27%, cao nhất toàn ngành như năm 2017. Nửa đầu năm 2021, ROE của VPBank là 25,7%.
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MB nhận xét: “Mặc dù quy mô vốn chủ sở hữu hiện tại so với đầu năm 2011 đã lớn hơn 10 lần, nhưng VPBank vẫn giữ được tỷ suất sinh lợi tốt nhờ vào tăng trưởng doanh thu và kiểm soát chi phí vượt trội”.
Ông Tim Evans nói: “Người ta vẫn thường nói, trước bình minh luôn là bóng tối mịt mùng. Về cơ bản, đây chính là lời khuyên mọi người không nên bỏ cuộc khi gặp khó khăn, vì mọi sự thường chuyển biến tốt hơn ngay sau những thời khắc khó khăn ấy”.
Với các nhà đầu tư cá nhân như Quỳnh Hoa thì vẫn giữ nguyên kỳ vọng: “Cổ phiếu ngân hàng sẽ tích luỹ đi lên bởi đây là ngành huyết mạch của kinh tế, nền kinh tế phục hồi thì ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi đầu tiên”.