Khi đầu tàu kinh tế “hụt hơi”
Khi chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tuần trước, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thừa nhận, kinh tế Đà Nẵng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Dễ hiểu vì sao ông Thơ nói điều đó. Bởi ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng là dịch vụ, du lịch, dịch bệnh khiến ngành kinh tế này bị “tổn thương”. Do đó, ước tính sơ bộ, GRDP của Đà Nẵng chỉ tăng trưởng khoảng 1,5% trong quý I/2020, thấp hơn nhiều so với mức trên 6% của cùng kỳ năm ngoái.
Cùng tình cảnh với Đà Nẵng là TP.HCM. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, quý I/2020, GRDP của TP.HCM chỉ tăng trưởng 0,42% so với cùng kỳ, trong khi quý I năm ngoái, con số này là 7,64%. “Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM. Mức tăng trưởng của tất cả các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước”, ông Phong nói.
Nhưng Đà Nẵng, TP.HCM không phải là ngoại lệ. Một đầu tàu kinh tế khác là Hà Nội cũng chỉ tăng trưởng GRDP 3,72% trong quý I/2020, chỉ bằng phân nửa năm ngoái (7,62%).
Cả 3 đầu tàu kinh tế của cả nước đều có tốc độ tăng trưởng GRDP giảm khá mạnh. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là, Hải Phòng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP quý I tới 14,9%. Không cao như vậy, nhưng con số của Quảng Ninh là 7,2%. Đây là mức tăng trưởng đạt khá trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.
Sự phát triển trái ngược của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm đã khiến Thủ tướng Chính phủ sốt ruột. Ông đã đặt câu hỏi rằng: “Tại sao nhiều địa phương tăng thấp như vậy và nhiều địa phương lại có sự tăng trưởng cao hơn nhiều”, đồng thời chỉ đạo, các địa phương phải nỗ lực cùng Chính phủ và cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trách nhiệm lớn của các đầu tàu kinh tế
Cùng với việc đề nghị từng lĩnh vực, từng bộ, ngành phải nỗ lực, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các đầu tàu kinh tế cũng phải “suy nghĩ cái này để phấn đấu tốt hơn”, không để tình trạng trì trệ chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM đang xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số của từng ngành, lĩnh vực, qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP của Thành phố, nhằm đạt mức tăng trưởng GRDP “cao nhất có thể”.
Cùng quyết tâm đó, song ông Huỳnh Đức Thơ thừa nhận, tình hình với Đà Nẵng sẽ rất khó khăn, nhất là khi năm nay, khu vực dịch vụ, du lịch sụt giảm, nên thu ngân sách sẽ hụt, chỉ đạt khoảng 50-60% Nghị quyết Hội đồng Nhân dân giao.
Quảng Ninh cũng có nỗi lo tương tự, khi bước sang quý II, các nguồn thu từ dịch vụ, du lịch gần như không có.
Tuy vậy, hiện tại, các địa phương đều đang nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án quy mô lớn, dự án có ý nghĩa trọng điểm. Bởi thực tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hàng đầu không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân.
“Để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực tăng trưởng, chúng tôi đề nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, các dự án động lực. Trong đó, có thể nghiên cứu điều chỉnh hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn từ 3 tỷ đồng trở xuống và đối với gói thầu xây lắp thiết bị từ 5 tỷ đồng trở xuống. Hiện tại, hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu này tương ứng từ 500 triệu đồng và từ 1 tỷ đồng là chưa phù hợp”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng nói.
Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xử lý và trả lời các kiến nghị này cho các địa phương. Khi mà các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, kinh tế các địa phương có thể sớm vực dậy sau đại dịch, góp phần quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam bật dậy nhanh sau khi Covid-19 đi qua.