Chiều 5/3, phiên tòa xét xử vụ án vỡ ống nước sông Đà bước vào phần thẩm vấn.
Theo cáo buộc, quá trình hoạt động, Ban quản lý dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội không tuân thủ và thực hiện không đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình, không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào (ống composite cốt sợi thủy tinh) nhưng đã cho tiến hành thi công, nghiệm thu, hoàn thành dự án.
Khi ký kết hợp đồng kinh tế với CTCP Ông sợi thủy tinh Vinaconex (viết tắt là Viglafico, nhà thầu cung cấp ống), các bị cáo không yêu cầu chi tiết, cụ thể quy trình kiểm tra, chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Theo tiêu chuẩn sản xuất ANSI/AWWA C950-01 có 7 chỉ tiêu cơ lý nhưng hợp đồng kinh tế chỉ có 5 chỉ tiêu, thiếu 2 chỉ tiêu là độ biến dạng uốn hướng vòng dài hạn và áp suất thiết kế thủy tĩnh dài hạn thực hiện trong 10.00 giờ.
Quá trình thi công, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu phát hiện nhiều ống composite có các lỗi như phồng rộp, tách lớp, lồi lõm, nhiều vết nứt, xước, rạn xung quanh thành ống, ống không đạt chiều dày thiết kế, màu sắc và các lớp vật liệu không đầy đều.
Kết luận giám định xác định nguyên nhân chính gây vỡ ống truyền tải nước sạch là do ống composite không đảm bảo chất lượng, đồ bền không đảm bảo 50 năm. Hậu quả, trong vòng 5 năm (từ năm 2012-2016), tuyến ống nước truyền tải nước sạch bị vỡ 18 lần, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án) cho rằng, kết luận giám định chưa thuyết phục. Nếu phân định rạch ròi các bên có cả chủ đầu tư, nhà chế tạo sản phẩm, người thiết kế. Bị cáo khẳng định hợp đồng kinh tế không sai, quy định 5 tiêu chuẩn là đủ.
“Vụ vỡ ống nước là do liên quan nhiều vấn đề chưa được làm rõ, không phải do chất lượng ống. Bị cáo mong muốn phiên tòa này sẽ làm rõ những vấn đề chưa làm sáng tỏ trong 2 năm nay”, bị cáo Khải khai.
Bị cáo Khải cho rằng, bản thân làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
“Bị cáo chưa chấp nhận việc cáo trạng truy tố bị cáo tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng vì cáo trạng dựa trên kết luận điều tra, kết luận điều tra dựa trên kết luận giám định”, bị cáo nói.
Nói đến kết luận giám định, bị cáo Khải cho rằng, ống composite cốt sợi thủy tinh lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam, chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm, các bị cáo chưa có kinh nghiệm, cơ quan giám định chưa có kinh nghiệm. Kết luận giám định là chưa chính xác.
“Bị cáo công nhận hành vi nhưng kết luận thì cần xem xét lại”, bị cáo Khải bổ sung.
Chung ý kiến, bị cáo Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng phòng vật tư thiết bị) cũng đề nghị xem xét kết luận giám định. Theo bị cáo, nguyên nhân vỡ ống do các khâu vật tư, thiết kế, bảo quản, vận chuyển. Bị cáo không vi phạm pháp luật. Bị cáo bị oan.
Bị cáo Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Viglafico dành rất nhiều thời gian giải thích về tiêu chuẩn ANSI/AWWA. Bị cáo cho rằng, tiêu chuẩn này không chứng thực sản phẩm. Việc sử dụng tiêu chuẩn là hoàn toàn tự nguyên. Mục đích nhằm cung cấp các yêu cầu tối thiểu để thiết kế, sản xuất, áp dụng.
“Bị cáo xin lỗi tòa vì bị cáo quá vất vả trong việc giải thích cho mọi người hiểu. Cơ quan giám định kết luận thiếu 2 chỉ tiêu nhưng bị cáo khẳng định không thể thí nghiệm 2 chỉ tiêu này trong điều kiện hiện nay. Nó không phải là thí nghiệm lấy mẫu trực tiếp từ hàng hóa và chỉ được thực hiện bởi các tập đoàn lớn có trung tâm nghiên cứu”, bị cáo Bằng biện minh.
Không đồng tình với nội dung cáo trạng, bị cáo Vũ Thanh Hải (nguyên Trưởng phòng sản xuất; quản đốc phân xưởng; Phó giám đốc Viglafico) cho rằng: “Các bị cáo làm việc hướng đến phục vụ dân sinh. Điều chắc chắn rằng các bị cáo không vụ lợi cá nhân. Do vấn đề nhận thức, trình độ, hiểu biết pháp luật, nếu có khuyết điểm mong HĐXX xem xét vì bị cáo không trốn tội”.