Vụ Trường Đại học Đông Đô: Tiếp tay vì muốn giữ chức tước, việc làm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Một số bị can khai nhận vì động cơ vụ lợi, muốn giữ chức vụ và công việc tại trường nên đã làm theo chỉ đạo.

Các bị can Dương Văn Hòa, Trần Ngọc Quang, Phạm Vân Thùy (từ trái qua). (Ảnh: Công an cung cấp).

Các bị can Dương Văn Hòa, Trần Ngọc Quang, Phạm Vân Thùy (từ trái qua). (Ảnh: Công an cung cấp).

Vụ án xảy ra tại Trường Đại học dân lập Đông Đô được xác định là có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.

Tại cơ quan điều tra, bị can Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng) khai nhận thực hiện theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT) ký bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 giả để cấp cho 193 cá nhân. Ông Hòa cũng ký các tài liệu để hợp thức hồ sơ cấp bằng gồm danh sách đề nghị in bằng, giấy đề nghị xét tốt nghiệp có tên của 108 cá nhân được cấp bằng giả.

Ngoài ra, ký quyết định công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1 năm 2018 và các đợt bổ sung; giới thiệu cho vợ bị can và 1 người khác để được cấp bằng.

Ông Hòa khai nhận thực hiện hành vi với động cơ vụ lợi cá nhân và nhằm được giữ chức vụ, công việc tại trường.

Với động cơ trên, bị can Trần Kim Oanh (nguyên Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục) thừa nhận chỉ đạo các nhân viên tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hợp thức bài thi, tài liệu để trường cấp bằng giả.

Các bị can là cán bộ trường cũng khai nhận thực hiện hành vi với động cơ vụ lợi, được giữ chức vụ và công việc tại trường. Trong đó, bà Oanh được hưởng lợi 48 triệu đồng, bà Lê Ngọc Hà (Phó hiệu trưởng) 100 triệu đồng, Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán) 65 triệu đồng…

Nhiều cá nhân trung gian, giới thiệu

Trong vụ án này, kết quả điều tra còn xác định có một số cá nhân làm trung gian, giới thiệu để được cấp bằng giả như bà Trần Thị Yến (Thành viên HĐQT kiêm Kế toán nhà trường), bà Nguyễn Thị Hiền (Giám đốc CTCP Tư vấn đào tạo phát triển giáo dục Việt Nam)…

Cơ quan ANĐT cho rằng những người này biết việc nhà trường tổ chức hợp thức hồ sơ để cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh giả nhưng vẫn làm trung gian, giới thiệu những người có nhu cầu. Những người này có dấu hiệu phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định họ không có vai trò khởi xướng, quyết định, không trực tiếp tham gia các giai đoạn hợp thức hồ sơ, không có việc hưởng lợi nên không cần thiết phải xử lý hình sự.

Hàng nghìn học viên đòi tiền như nào?

Quá trình điều tra còn xác định Trường Đại học Đông Đô ký hợp đồng giao khoán tuyển sinh, hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo với 15 cá nhân, cơ sở đào tạo như Khoa Thú Y Trường Đông Đô, CTCP Đầu tư quốc tế Mũi Tên Vàng, CTCP Giáo dục và đào tạo FMT, Viện kỹ thuật xây dựng và quản trị doanh nghiệp, Trường Trung cấp Thái Nguyên, Viện Khoa học phát triển nhân lực và tài năng, Trường cao đẳng Công thương Việt Nam, Trung tâm ngoại ngữ - tin học ECO, Trung tâm ngoại ngữ - tin học Trí Đức…

Có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp số tiền 24,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trường Đại học Đông Đô chỉ xác định được 2.523 người đã nộp 18,2 tỷ đồng.

Hiện nay mới chỉ có Trường cao đẳng Công thương Việt Nam đã trả lại số tiền 431 triệu đồng cho 24 học viên.

Cơ quan điều tra đã làm việc với các cá nhân, cơ sở trên. Họ đều không biết nhà trường chưa được cho phép đào tạo hệ văn bằng 2.

Cơ quan điều tra cũng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đề nghị các học viên trình báo, cung cấp tài liệu. Hiện chỉ có 119 người có đơn trình báo. Ngoài ra còn xác định 23 người đã học tại các cơ sở đào tạo của trường và được cấp bằng. Cơ quan điều tra không có đủ thông tin để triệu tập, làm việc với những người còn lại.

Do việc ký hợp đồng, triển khai tuyển sinh, đào tạo với các cá nhân, cơ sở trên không có dấu hiệu vi phạm hình sự nên các bên có trách nhiệm giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các học viên.

Tin bài liên quan