Doanh nghiệp nông thủy sản than khó khi tiền đồng bị neo cao so với USD

Doanh nghiệp nông thủy sản than khó khi tiền đồng bị neo cao so với USD

Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về tỷ giá, lãi suất

Ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) lên tiếng khi nghe doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản kêu khó vì tỷ giá tăng.

USD tăng giá, xuất khẩu nông sản đồng loạt kêu khó

Tại cuộc họp về gỡ khó xuất khẩu nông lâm thủy hải sản của Bộ NN&PTNT mới đây, hàng loạt DN, hiệp hội ngành hàng như chè, gỗ, rau quả, xuất khẩu thủy sản… đồng loạt kêu khó vì tiền đồng bị "neo" cao so với USD.

Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, xuất khẩu thủy sản quý I/2015 đang giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm gần đây (giảm 23%). Việc sút giảm diễn ra ở cả 3 thị trường chủ lực là Mỹ (giảm 44%), EU (11%) và Nhật Bản (15%).

Theo phân tích của VASEP, ngoài thuế chống bán phá giá (khiến xuất khẩu sang Mỹ giảm) thì tỷ giá là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Cụ thể, các DN xuất khẩu chủ yếu thanh toán bằng USD trong khi đồng Yên và euro đều giảm giá so với USD nên các đơn hàng xuất khẩu sang EU, Nhật giảm mạnh. Mặt khác, “tỷ giá của nước ta ổn định trong khi các đối thủ của nước ta là Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan thời gian qua đã thả nổi tỷ giá nên thủy sản xuất khẩu của nước ta trở nên đắt hơn so với các nước này, đây là bất lợi của nước ta”, VASEP khẳng định. 

Dù biết rằng việc điều chỉnh tỷ giá thời điểm này là không khả thi vì sẽ ảnh hưởng tới nợ công. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiền đồng bị neo cao, VASEP đề nghị Chính phủ có giải pháp giảm lãi suất ngắn hạn với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, so với mức 7-8%/năm như hiện nay.

Tương tự các DN xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gỗ và lâm sản cho hay, những năm vừa qua, xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng rất tốt. Riêng quý I/2015 lại giảm tới trên 6%. Ngoài lý do nhu cầu gỗ sút giảm, đồng euro mất giá thảm hại trong khi tỷ giá USD trong nước đứng im cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu gỗ vào EU chững lại.

Vụ Tín dụng lên tiếng về tỷ giá, lãi suất

Trước thắc mắc của các DN về vấn đề tỷ giá và lãi suất, ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, cho vay nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt cho vay xuất khẩu nông lâm thủy sản là một trong những ưu tiên của ngành ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn quý I/2015 đã tăng 3,4% so với cuối năm 2014, gấp 2,5 lần năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 1,15%).

Về lãi suất, trong vòng 30 tháng qua, NHNN đã giảm liên tục 10 lần, kéo trần lãi suất huy động từ mức 14%/năm năm 2012 xuống còn 5,5%/năm hiện nay. Đồng thời, NHNN cũng đưa ra quy định trần lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp chỉ là 7%/năm.

“Chúng ta đã đưa lãi suất cho vay ngắn hạn về mức 7%/năm. Mức lãi suất này, với điều kiện kinh tế vĩ mô Việt nam hiện nay là có thể chấp nhận được với DN.  Thực tế, các DN xuất khẩu nông lâm sản chỉ phải vay với lãi suất 6-6,5%/năm, thậm chí DN tốt còn được vay với lai suất 5,5%/năm. Để tiếp tục hạ lãi suất cần cân nhắc dựa trên điều kiện thị trường. Thống đốc NHNN đã phát biểu rằng, năm nay sẽ phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất thêm 1-1,5% , nhưng việc giảm cũng phải dựa vào tín hiệu thị trường. Lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay mới giảm được”, ông Tuấn nói.

Về tỷ giá, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho hay, về cơ bản, điều chỉnh tỷ giá phụ thuộc vào 3 yếu tố: Cán cân vãng lai, cán cân vốn và định hướng điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Hiện nay, Vụ Chính sách tiền tệ và Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) đang bám rất chặt diễn biến thị trường. Năm 2015, biên độ điều chỉnh tỷ giá là 2%, tháng 1/2015 NHNN đã điều chỉnh 1% và tùy theo tình hình thị trường, có thể điều chỉnh thêm 1% trong năm nay.

“Với xuất khẩu, việc neo tiền đồng theo USD trong khi USD lên giá sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh vì giá xuất khẩu đắt hơn so với các đồng tiền khác. Nhưng với nhập khẩu, điều chỉnh tỷ giá sẽ gây bất lợi, chưa kể nợ công cũng sẽ tăng lên. Đây là lý do NHNN phải điều hành chính sách tỷ giá dựa trên quan điểm vĩ mô, hài hòa lợi ích của tất cả các ngành chứ không chỉ dựa vào xuất khẩu”, ông Võ Minh Tuấn nói.

Tin bài liên quan