Vụ PVPLand: Ai là người bị chiếm đoạt tiền?

(ĐTCK) Một số luật sư đặt vấn đề ai là người bị chiếm đoạt và cần xác định phần tài sản nhà nước bị chiếm đoạt.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh TTXVN.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh TTXVN.

Chiều 2/2, các luật sư tiếp tục đưa ra quan điểm tranh luận với phần đối đáp của Đại diện VKSND.

Theo cáo buộc, ngày 1/4/2010, bị cáo Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT của PVPLand) ký tờ trình số 07 với tư cách đại diện phần vốn của PVC tại PVP Land gửi PVC xin phê duyệt phương án bán 12,12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương theo tờ trình của Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc PVP Land).

Ngày 9/4/2010, Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC) ký Nghị quyết số 411 chấp thuận phương án bán cổ phần với giá không thấp hơn 13.500 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza).

Căn cứ vào Nghị quyết này, ngày 12/4/2010, Đào Duy Phong ký quyết định số 18 phê duyệt chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần với giá trên và giao cho Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện.

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Duy Phong, VKS cho rằng bị cáo Phong nhận chỉ đạo của bị cáo Trịnh Xuân Thanh hạ giá chuyển nhượng cổ phần (giá tương đương 52 triệu đồng/m2 xuống 34 triệu đồng/m2 đất dự án). Nhưng với vai trò Chủ tịch HĐQT của PVPLand, bị cáo Phong muốn nghe theo chỉ đạo của Thanh cũng không thực hiện được nếu không được sự đồng thuận của HĐQT PVPLand (bởi còn nhiều thành viên khác - pv).

Luật sư cũng phân tích, trên thực tế, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần được ký kết vào ngày 2/4/2010, còn bị cáo Phong ký Quyết định 18 vào ngày 12/4/2010 tức là sau thời điểm trên.

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Lê Văn Thiệp và Trần Hồng Phúc cho rằng cần xác định phần tài sản nhà nước bị chiếm đoạt và ai là người bị chiếm đoạt.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên phó Tổng giám đốc Công ty Vietsan) dẫn lại vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Lê Hòa Bình lấy tiền khách hàng tại Dự án Thanh Hà - Cienco để có nguồn tiền chuyển nhượng cổ phiếu.

“Như vậy, những giao dịch với cổ đông là bất hợp pháp. Tại sao pháp luật bảo hộ cho việc này. Tiền của những người đi lừa đảo, cơ quan điều tra đã thu hồi. Tại sao lại cho là tiền tham ô tài sản. Nếu giao dịch chuyển nhượng là bất hợp pháp cần phải xem xét là hành vi tiêu thụ tài sản phạm tội mà có”, luật sư Hưng phân tích.

Bào chữa cho bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới), luật sư cho rằng, cơ quan tố tụng đang đánh giá theo hướng bất lợi cho bị cáo.

“Bị cáo Duy là người môi giới, mục đích nhằm hưởng tiền môi giới. Công việc hoàn thành, 2 bên mua bán với nhau. Nếu không có nguồn gốc số tiền Lê Hòa Bình chiếm đoạt của những khác hàng, bị cáo Duy hưởng số tiền môi giới hợp đồng".

"Cơ quan tố tụng cho rằng vì mục đích được hưởng số tiền 11 tỷ đồng nên có hành vi đồng phạm giúp sức cho Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh tham ô tài sản nhưng việc buộc tội lại dựa trên lời khai của những bị cáo khác”, luật sư nói thêm.

Có mặt tại tòa, đại diện Công ty Vietsan nhắc lại việc công ty này hoàn trả Công ty Minh Ngân số tiền 93 tỷ đồng để thực hiện hủy bỏ một phần hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.  Công ty đề nghị làm rõ trong khoản tiền này đã bao gồm số tiền 19 tỷ đồng mà VKSND đang yêu cầu thu hồi xung công quỹ nhà nước chưa.

Chiều nay phiên tòa kết thúc sớm. Sáng mai ngày 3/2, tòa án tiếp tục làm việc. 

Tin bài liên quan