Các thuỷ thủ của tàu Thanh Phong 36 đang được cứu hộ

Các thuỷ thủ của tàu Thanh Phong 36 đang được cứu hộ

Vụ kiện Thanh Phong - MIC: “Vòng chung kết” để ngỏ…

(ĐTCK) Phiên xét xử vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH Thanh Phong lại phải tạm hoãn, dù vụ việc đã xảy ra từ năm 2009.

Ngày 13/8, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội lại phải tạm hoãn phiên xét xử vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH Thanh Phong (Thanh Phong) - nguyên đơn liên quan đến vụ chìm tàu Thanh Phong 36 xảy ra từ tháng 12/2009, do các đại diện của Thanh Phong vắng mặt không lý do. Trước đó, hôm 22/6, phiên xét xử này cũng đã bị hoãn tại Tòa nói trên, lý do là phía MIC đề nghị thay đổi thẩm phán.

Chủ tọa phiên tòa ngày 13/8, ông Nguyễn Đức Nhận, ngoài việc khẳng định đây là một vụ tranh chấp phức tạp, cũng thông báo, ngày 20/8 tới sẽ mở lại phiên tòa này. Vụ tranh chấp này được thụ lý cách đây 5 tháng, từ ngày 8/3/2012.

 

Phía Thanh Phong nói gì?

Không gặp đại diện Thanh Phong ở phiên tòa, phóng viên ĐTCK đã cố gắng liên lạc với đại diện Công ty Thanh Phong, bà Trần Thị Hải Yến, dù rằng vị này không muốn chia sẻ nhiều và hứa hẹn sẽ trao đổi kỹ hơn tại phiên tòa ngày 20/8. Tuy nhiên, qua điện thoại, bà Yến khẳng định, Thanh Phong đã và đang giải quyết vụ việc trên tinh thần tôn trọng pháp luật và mong mỏi mọi vấn đề cần được giải quyết thấu tình, đạt lý.

“Nếu không có tranh cãi thì chắc chắn vụ việc đã không phải đưa ra tòa. Trong vụ việc này, mỗi bên sẽ có cách nhìn nhận và bảo vệ quyền lợi của mình khác nhau. Có thể Thanh Phong đang đơn độc trên con đường bảo vệ quyền lợi, khác với vị thế và cách giải quyết của MIC, nhưng đối với chúng tôi, điều quan trọng hơn cả vẫn là cuối cùng sự vụ có được giải quyết thấu tình đạt lý hay không?”, bà Yến nói.

ĐTCK đặt câu hỏi, “Thanh Phong phản biện ra sao khi MIC cũng như Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) kết luận rằng, trong vụ án ‘Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm’ này, hồ sơ, tài liệu vụ việc cho thấy có hành vi gian dối, làm giả hồ sơ nhằm trục lợi bảo hiểm của Công ty Thanh Phong?”.

Không trả lời thẳng câu hỏi của phóng viên, nhưng bà Yến khẳng định, hợp đồng bảo hiểm được ký kết và thực hiện đầy đủ, đúng hạn, sự kiện bảo hiểm cũng đã xuất hiện, rủi ro tai nạn được bảo hiểm phải căn cứ trên cơ sở hợp đồng cũng như cơ sở pháp luật liên quan.

“Mục đích mua bảo hiểm là muốn được chia sẻ rủi ro, mà ở đây là bảo hiểm tài sản vật chất con tàu, chủ tàu, nhưng thực sự chúng tôi vẫn chưa nhận được sự đồng cảm, chia sẻ rủi ro từ nhà bảo hiểm”, bà Yến nói.

Trước nhiều quan điểm cho rằng, khả năng Thanh Phong (nguyên đơn trong vụ kiện này) bị xử thua là khá cao bởi bằng chứng được MIC thu thập ngày càng đầy đủ, chặt chẽ, vị đại diện Thanh Phong cho rằng, cần xem xét các bằng chứng đó trong mối tương quan với quy định trong ngành hàng hải. Có như vậy, khi đưa ra kết luận mới có thể khiến các bên tâm phục, khẩu phục. Trước đó, trong phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng, công ty này từng khẳng định, tàu Thanh Phong 36 đủ khả năng đi biển, chỉ vi phạm vài thủ tục hành chính và yêu cầu MIC bồi thường khi tàu gặp nạn.

 

MIC: củng cố thêm bằng chứng

Trong khi đó, chia sẻ với ĐTCK, đại diện MIC vẫn bảo lưu quan điểm, Công ty sẵn sàng bồi thường nếu con tàu được bảo hiểm đảm bảo an toàn đi biển theo đúng quy định của Luật Hàng hải Việt Nam và luật lệ, tập quán hàng hải quốc tế. Theo hợp đồng bảo hiểm tàu ven biển đã ký giữa 2 bên, MIC sẽ bảo hiểm thân tàu, trách nhiệm dân sự chủ tàu và tai nạn thuyền viên cho tàu Thanh Phong 36, với mức trách nhiệm bồi thường 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi Công ty xem xét diễn biến của vụ tai nạn thì xác định, trong vụ việc này xuất hiện hành vi trục lợi bảo hiểm.

Cũng cần nói thêm rằng, vụ chìm tàu Thanh Phong 36 diễn ra sáng ngày 15/12/2009, toàn bộ 12 thuyền viên đã được cứu hộ lên 2 phao bè. Ngày 11/10/2010, với lý do tàu rời cảng không có giấy phép hoạt động, thiếu định biên về thuyền viên cộng với kết luận giám định bổ sung cho thấy, tàu bị chìm còn do kết hợp chở hàng hóa quá quy định cùng với ý kiến của các bên như đơn vị giám định, Cảng vụ Hải Phòng, MIC đã thông báo từ chối trách nhiệm bồi thường 6,5 tỷ đồng. Thanh Phong đã khởi kiện ra tòa. Ngày 16/12/2011, Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng đã quyết định, MIC phải bồi thường thiệt hại cho Thanh Phong. Sau đó MIC kháng án và vụ án đang được Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Chia sẻ thêm với ĐTCK tại phiên tòa bất thành ngày 13/8, MIC cho biết, so với các tài liệu được Công ty chuẩn bị cho Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội cách đây gần 2 tháng, MIC đã tiến hành thu thập lại một số bằng chứng mà Cục Điều tra hình sự từng thu thập trước đó để chuẩn bị đối chất tại Toà… Theo quy định, các bên đương sự được quyền tự thu thập thông tin.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện Thanh Phong cho biết, ngày 20/8 tới sẽ đến tòa để xét xử “vòng chung kết”. Theo quy trình tại Toà, trong phiên xử tới, nếu nguyên nhân chìm tàu không phải là trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh… thì phiên xét xử sẽ vẫn tiếp tục mà không bị hoãn thêm một lần nữa. Còn nếu 1 trong 2 bên (nguyên đơn hay bị đơn) tiếp tục vắng mặt không lý do chính đáng thì tòa sẽ xử vắng mặt.

Về diễn biến phiên xử sắp tới, do sự phức tạp của vụ việc cùng với việc phiên tòa được tiến hành vào buổi chiều 20/8, nên cũng không loại trừ khả năng phiên tòa sẽ bị kéo dài thêm, thậm chí xử thêm lần nữa nếu xuất hiện tình tiết mới. Trong khi mọi việc chưa diễn ra thì câu hỏi liệu vụ việc giữa Thanh Phong và MIC có kết thúc sau gần 2 năm phát sinh tranh chấp vẫn còn để ngỏ. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi vụ việc xuất hiện diễn biến mới.