Vụ kiện cá tra, cá ba sa có thể kéo dài 2 - 3 năm

Vụ kiện cá tra, cá ba sa có thể kéo dài 2 - 3 năm

(ĐTCK) Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), nhóm DN xuất khẩu thủy sản bị tăng thuế chống bán phá giá đã chính thức nộp đơn khởi kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT).

Vụ kiện cá tra, cá ba sa có thể kéo dài 2 - 3 năm ảnh 1Bộ Thương mại Mỹ tăng mức thuế với 17 DN xuất khẩu cá tra Việt Nam lên 25 - 45 lần

 

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8) đối với fi-lê cá tra đông lạnh của Việt Nam . Theo phán quyết này, mức thuế mà 17 DN đang xuất khẩu vào Mỹ đã tăng lên 25 - 45 lần. Sở dĩ mức thuế tăng lên là do DOC đã thay đổi nước thứ ba để tính thuế chống bán phá giá từ Bangladesh bằng Indonesia . Mức thuế này sẽ được áp dụng đến đầu năm 2014, khi có kết quả của đợt rà soát tiếp theo (POR9) vốn đang được DOC tiến hành.

VASEP cho biết, ngay sau khi có phán quyết này, Hiệp hội đã tổ chức cuộc họp với các hội viên để bàn giải pháp xử lý. Hiện tại, nhóm DN bị tăng thuế lần này đã thống nhất và nộp đơn khởi kiện lên CIT. Đây là cách duy nhất để có thể làm thay đổi phán quyết của DOC. Với sự tư vấn của đội ngũ luật sư, hồ sơ khởi kiện gửi CIT có sự chuẩn bị kỹ càng, trong đó các nguyên đơn Việt Nam đã phân tích trên thông tin về quy trình sản xuất, chế biến, giá bán cá tra, cá ba sa mà Indonesia cung cấp cho DOC để từ đó tìm ra những điểm không hợp lý khi lựa chọn Indonesia thay thế cho Bangladesh. Chẳng hạn, ngành cá tra, cá ba sa ở Indonesia có sản lượng nhỏ, nuôi tự nhiên, thời gian lâu hơn. Trong khi đó, cá tra ở Việt Nam nuôi công nghiệp, ngắn ngày, quy mô lớn, sản lượng nhiều nên giá thành thấp hơn. Đơn kiện cũng chỉ ra các bước điều tra, phương pháp tính giá thành sản xuất, áp mức thuế không chính xác trong quy trình của DOC.

Được biết, đội ngũ luật sư tư vấn cho các nguyên đơn Việt Nam lần này vẫn là nhóm luật sư đã tư vấn trong suốt quá trình mà DOC tiến hành các đợt rà soát trước đây. Đến nay, vụ kiện chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam đã kéo dài hơn 10 năm kể từ năm 2002, các DN Việt Nam đã trải qua 8 lần rà soát hành chính hàng năm và 1 lần rà soát cuối kỳ (sau 5 năm áp thuế). 

Trong năm 2012, các DN Việt Nam xuất khẩu cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh trị giá 358 triệu USD vào Mỹ, thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam. Cũng trong năm đó, diện tích nuôi trồng cá da trơn ở Mỹ giảm xuống còn một nửa, từ khoảng 67.000 héc-ta xuống còn 33.000 héc-ta.

Song song với việc khởi kiện lên CIT để buộc DOC xem xét lại phán quyết tháng 3/2013, nhóm DN tham gia vụ kiện tiếp tục đấu tranh trong khi DOC tiến hành đợt rà soát hành chính lần thứ 9 trong năm 2013. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, chắc chắn nhóm luật sư tư vấn và DN sẽ rút kinh nghiệm từ lần POR8 để làm tốt hơn trong đợt POR9, tránh việc bị áp thuế chống bán phá giá ở mức bất hợp lý dẫn đến phải khởi kiện.

Khi đã có phán quyết của DOC, nếu muốn bãi bỏ mức thuế, con đường duy nhất là khởi kiện lên CIT. Nếu CIT thấy hồ sơ, chứng cứ của một nguyên đơn là hợp lý thì sẽ lưu hồ sơ lại xem xét và vụ kiện tiếp tục kéo dài 2 - 3 năm. Với thời gian kéo dài, thực tiễn các vụ kiện phòng vệ thương mại cho thấy, DN chịu nhiều chi phí. Ví dụ, chỉ tính thị trường Hoa Kỳ, vụ kiện cá tra, ba sa (năm 2002) tiêu tốn hơn 800.000 USD; vụ kiện tôm (năm 2003) tiêu tốn gần 3 triệu USD và vụ kiện giày mũ da (năm 2006) tại thị trường EU ước tính gần 4 triệu USD.

Như vậy, dù vụ kiện đi đến hồi kết thì thiệt hại tiền bạc và thời gian của DN là không nhỏ. Do đó, nhiều chuyên gia đặt vấn đề DN cần chủ động đối phó, tránh rơi vào tranh chấp tại Tòa, chẳng hạn, tăng giá bán cá tra để tránh bị kiện, vì bán phá giá đã được nêu ra. Cơ sở của ý kiến này là cá tra của Việt Nam có sản lượng lớn nhất thế giới nên DN có thể chủ động về giá, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi và DN, đồng thời tránh được các vụ kiện.

Tuy nhiên, theo ông Trường Đình Hòe, dù có sản lượng lớn, việc tăng giá không phải cứ nói tăng là tăng được, đó là vấn đề của thị trường. Ngoài ra, ông Hòe cũng cho rằng, DN xuất khẩu tham gia vào thị trường quốc tế thì phải chấp nhận “luật chơi” của thế giới mà trong đó, việc đối thủ cạnh tranh tận dụng “luật chơi” đó để bảo vệ quyền lợi của họ, gây tổn hại lợi ích của chúng ta là việc không thể tránh khỏi. DN Việt Nam chỉ có thể học hỏi, vận dụng “luật chơi” đó để tự bảo vệ, trong trường hợp cần thiết thì có thể thuê đội ngũ tư vấn có trình độ và chuyên môn để đại diện cho DN trước những thủ tục pháp lý phức tạp của nước nhập khẩu.          

 

“CIT sẽ gom các đơn kiện lại để giải quyết một lần”

Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng văn phòng Luật sư IDVN

Các vụ kiện của DN Hoa Kỳ lên Bộ Thương mại nước này về hình thức là thủ tục điều tra hành chính do cơ quan hành pháp tiến hành điều tra, xem xét và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, về thực tế thì đó là vụ kiện. Trong trường hợp các DN của nước xuất khẩu hoặc các bên liên quan khác không chấp nhận thì có thể khởi kiện lên CIT đề nghị Tòa án xem xét lại quyết định của cơ quan hành pháp Hoa Kỳ. Từng DN phải có đơn khởi kiện riêng, tuy nhiên, Tòa án sẽ gom các đơn kiện cùng liên quan đến một quyết định của cơ quan hành pháp để giải quyết.

Việc xem xét, giải quyết vụ án ở CIT là theo thủ tục phúc thẩm, tức là Tòa án sẽ chỉ xem xét chứng cứ đã được các bên cung cấp và sử dụng trong việc đưa ra quyết định trước đó. Tòa án sẽ xem xét, cân nhắc trên hai khía cạnh: tính hợp pháp và tính hợp lý của quyết định đó. Ví dụ, việc đưa ra quyết định đó có được pháp luật cho phép hay không; việc lựa chọn giá trị thay thế có hợp lý dựa trên các tiêu chuẩn như mức độ phát triển tương đồng về ngành sản xuất, trình độ phát triển kinh tế…; liệu DOC đã xem xét hết các chứng cứ, có bỏ sót chứng cứ, có ra quyết định dựa trên những chứng cứ đó hay không.     

Trong trường hợp Tòa án xét thấy yêu cầu của nguyên đơn có căn cứ thì có thể ra phán quyết lựa chọn giá trị thay thế (hiếm khi xảy ra) hoặc yêu cầu DOC đưa ra giá trị thay thế hợp lý hơn. Trong vụ kiện cá tra, cá ba sa hiện nay, điều mấu chốt mà nguyên đơn Việt Nam cần làm là chứng minh việc lựa chọn giá trị thay thế của DOC trong quyết định cuối cùng (Indonesia thay vì Bangladesh) là bất hợp lý và cần lựa chọn giá trị thay thế khác trong số các giá trị thay thế trong hồ sơ vụ kiện mà các bên đã cung cấp.