Vụ Gang thép Thái Nguyên: “Có sự nể nang nhà thầu Trung Quốc không?”

Vụ Gang thép Thái Nguyên: “Có sự nể nang nhà thầu Trung Quốc không?”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà thầu Trung Quốc “5 lần 7 lượt” xảy ra vi phạm nhưng TISCO (chủ đầu tư) và VNS (cấp quyết định đầu tư) vẫn “ưu ái” cho đơn vị này thực hiện dự án Gang thép Thái Nguyên.

Chiều 14/4, tại phần xét hỏi, HĐXX tiếp tục truy trách nhiệm của Bộ Công thương tại dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Trả lời câu hỏi của thẩm phán Trương Việt Toàn, đại diện Bộ này khẳng định “Bộ Công thương ký các văn bản đều đúng pháp luật”.

Vị này cho biết: "Bộ chủ quản cũng rất đau lòng khi nhìn thấy 19 bị cáo phải đứng trước Tòa. Tại thời điểm xảy ra vụ án, nguyên nhân lớn nhất mà tôi được biết là do những biến động về giá của vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng của thị trường…".

Thẩm phán: “Ông có biết quan hệ kinh tế là gì không? - Là lời ăn, lỗ chịu, tối ưu hóa lợi nhuận; cứ giá lên là có quyền thay đổi hay sao? Ký hợp đồng thì phải chấp nhận cả rủi ro, giá lên thì lỗ, giá xuống thì thắng - đó là quan hệ kinh tế; chứ không phải tất cả là do vấn đề về giá. Tòa án chỉ đang xoay quanh Hợp đồng EPC. Vậy ông hiểu hợp đồng EPC là như thế nào? Là hợp đồng xây lắp, chuyển giao theo hình thức trọn gói, đã ký hợp đồng trọn gói rồi thì lời ăn lỗ chịu, tại sao giá vật liệu xây dựng mới nhấp nhô mà đã đòi hỏi? “

“Bộ Công thương vừa trả lời là ký các văn bản đều đúng pháp luật thì HĐXX lưu ý với người đại diện: Nếu Bộ Công thương với tư cách là cơ quan quản lý ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ rằng hôm nay có rất ít bị cáo, chứ không phải 19 bị cáo đứng ở Tòa”, thẩm phán nói thêm.

Thẩm phán cũng lưu ý người đại diện Bộ Công thương rằng nên trả lời chính xác, trách nhiệm của mình đến đâu thì phải nhận, không được đổ hết cho các bị cáo. Hợp đồng EPC có nguyên tắc riêng, Bộ Công thương có tư cách gì để giới thiệu nhà thầu phụ, tại sao lại khẳng định nhà thầu phụ đủ năng lực…

Trong khi đó, bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS) cho rằng: "Với tư cách Chủ tịch HĐQT, bị cáo nhận thấy tại thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo chỉ tìm mọi biện pháp tốt nhất để khắc phục".

Thẩm phán Toàn: "Nguyên nhân sâu xa là còn rơi rớt những tư tưởng rất bao cấp trong đầu các nhà lãnh đạo. Chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp có quyền tự chủ riêng, tại sao lúc nào cũng báo cáo, vậy quyền tự chủ ở đâu? Nếu báo cáo thì cũng chỉ báo cáo khi chuẩn bị đầu tư, lập phương án kế hoạch đầu tư; còn khi đã phê duyệt quyết định đầu tư thì quyền tự chủ thuộc về chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp. Bị cáo Mừng không phải lúc nào cũng chạy lên báo cáo. Đây là một trong những tư tưởng bao cấp; và báo cáo thì có sự chỉ đạo nhưng lại chỉ đạo không chuẩn".

"Vậy có sự nể nang nhà thầu Trung Quốc không?", Thẩm phán chất vấn.

Bị cáo Tinh: im lặng.

Theo cáo trạng, mặc dù MCC vi phạm nghĩa vụ nhà thầu nhưng vẫn yêu cầu tăng giá hợp đồng. TISCO và VNS đã điều chỉnh cơ cấu đầu tư, ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng tách phần c ra khỏi hợp đồng EPC, ký hợp đồng thầu phụ với Vinaincon theo đơn giá dẫn đến việc phá vỡ nguyên tắc hợp đồng trọn gói EPC. Hệ quả đến nay dự án bị kéo dài, đội vốn, gây thất thoát hơn 830 tỷ đồng.

Tin bài liên quan