Vụ “đại gia” bán đất: Kịch bản dàn dựng quá công phu

Vụ “đại gia” bán đất: Kịch bản dàn dựng quá công phu

Nhiều việc đôi bên thực hiện trước rồi mới làm thủ tục “hợp thức hóa” sau.

> “Đại gia” bán đất: Chi 120 triệu cho cán bộ đi máy bay

Liên quan đến việc ông Phạm Phú Thạnh bán 160 ha đất cho ông Zhong Heng Shan, Giám đốc Công ty Nguyên Long Sơn (thuộc Tập đoàn Nguyên Hinh, Trung Quốc), một nguồn tin cho biết Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế - Công an tỉnh Bình Thuận đã triệu tập một số người có liên quan và yêu cầu viết tường trình.

 

Nguồn tin cho hay bước đầu qua xem xét hồ sơ đã có dấu hiệu cho thấy vụ việc này được dàn dựng "kịch bản" hết sức công phu. Cụ thể là vụ mua bán 1,4 ha đất lúa tại xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc. Theo đó, ngày 29-12-2011, ông Thạnh và ông Zhong ký hợp đồng chuyển nhượng số đất này với giá 2,3 tỉ đồng. Phía ông Thạnh phải có trách nhiệm chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh 8.522 m2 trong tổng số đất trên để ông Zhong xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên, qua xác minh thì trước đó ba ngày (26-12-2011), UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã ra quyết định chuyển mục đích 8.522 m2 nói trên. Ông Thạnh đã nộp thuế trước bạ và nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất hơn 1,6 tỉ đồng. Số tiền này do ông Zhong đưa. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước và chính xác đến từng centimet nêu trên của UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho thấy hồ sơ chuyển đổi mục đích đất này đã được thực hiện theo kiểu "đua nước rút" với thời gian trước khi ông Thạnh ký hợp đồng bán đất cho ông Zhong. Vì nếu chuyển mục đích sau ngày 29-12-2011 thì ông Zhong phải là người đứng tên số đất trên, điều này không được phép vì ông Zhong là người nước ngoài.

 

Vụ “đại gia” bán đất: Kịch bản dàn dựng quá công phu ảnh 1Khu đất chuyển từ đất lúa sang đất kinh doanh ở Hàm Đức đang được san lấp dở dang

 

Chưa hết, để mở rộng diện tích, ông Zhong có biên bản làm việc và yêu cầu ông Thạnh mua thêm 5,7 ha đất của các hộ nông dân trồng lúa liền kề. Ông Zhong yêu cầu ông Thạnh thỏa thuận với nông dân mua lại diện tích đất trên nhưng không được cao hơn đơn giá Nhà nước ban hành tại khu vực này (75.000 đồng/m2). Trong tường trình của mình, ông Thạnh cho biết đây là việc khó thực hiện vì giá quá thấp. Hơn nữa, "tình hình hiện nay việc chuyển mục đích từ đất lúa sang đất kinh doanh rất khó thực hiện" (nguyên văn). Tuy nhiên, ông Zhong đã tuyên bố cứ xây nhà máy (trái phép) rồi tính sau!

 

Ngoài ra, văn bản thỏa thuận cam kết giữa ông Zhong và ông Thạnh ký ngày 27-2-2012 có yêu cầu ông Thạnh san lấp, cải tạo 100 ha đất (thực chất là 160 ha) ở xã Hàm Chính. Văn bản này ông Zhong đã ký tên, đóng dấu với tư cách là giám đốc Công ty TNHH Nguyên Long Sơn. Trong khi sau đó một ngày (28-2-2012), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận mới cấp đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty TNHH Nguyên Long Sơn để đưa tên hai người Trung Quốc vào và ông Zhong lúc đó mới chính thức là giám đốc.

 

Phải hạn chế làm mất đất lúa

 

Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, vị trí mà Công ty Nguyên Long Sơn đăng ký xây dựng nhà xưởng có 3,1 ha đất lúa. Theo quy hoạch đất lúa đến năm 2010 thì diện tích đất lúa trên toàn tỉnh là 43.840 ha. Trong khi đó chỉ tiêu về đất lúa mà Chính phủ phân bổ cho Bình Thuận đến năm 2020 là 46.000 ha. Vì vậy, việc chuyển đất lúa sang đất phi nông nghiệp cần phải hạn chế.